“Trợ lực” khởi nghiệp
Với sự ra đời của hàng trăm dự án khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đã đưa Quảng Nam trở thành địa phương thuộc nhóm đầu trong số các tỉnh thành triển khai chương trình khởi nghiệp.
>>VCCI nỗ lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp liêm chính
Là địa phương dành nhiều sự ưu tiên cho cộng đồng khởi nghiệp, tỉnh Quảng Nam đã tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững.
Doanh nghiệp thêm niềm tin
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng và vận hành Hệ sinh thái khởi nghiệp trên nền tảng truyền thống, đổi mới sáng tạo. Trong đó, địa phương này định vị giá trị “Quảng Nam – vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo” là “kim chỉ nam” để chính quyền và doanh nghiệp cùng thực hiện.
Để “trợ lực” cho cộng đồng khởi nghiệp, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ, xây dựng Hệ sinh thái như Quyết định 3856 về ban hành Kế hoạch hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2022. Bên cạnh đó, địa phương cũng ban hành Quyết định 2868 về hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học và công nghệ, Nghị quyết 09 hỗ trợ sản phẩm OCOP, du lịch cộng đồng, phát triển dược liệu và sâm, phát triển hợp tác xã,... để cộng đồng khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận.
>>Bến Tre: Xây dựng “Địa phương khởi nghiệp”
>>Đổi mới từ trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp
Qua đó, từng bước tiếp thêm niềm tin để cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, lên ý tưởng và triển khai sản phẩm có hiệu quả. Từng bước, hoạt động khởi nghiệp có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.
Từ một chủ cửa hàng cà phê nhỏ, anh Lê Văn Lương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ cà phê Cavalry đã lên ý tưởng phát triển chuỗi sản phẩm cà phê sạch để phục vụ cộng đồng. Qua quá trình lên ý tưởng, anh Lương đã xây dựng một xưởng rang cà phê mang thương hiệu Cavalry, từng bước phát triển nhằm cung cấp thiết bị, sản phẩm cà phê sạch cho các thị trường trong và ngoài nước.
“Khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp, các doanh nghiệp luôn gặp khó khăn về ý tưởng, kinh tế, đầu ra sản phẩm,... Khi đăng ký các dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp được hỗ trợ rất nhiều từ cơ chế, thủ tục,... từ đó có thêm động lực để xây dựng sản phẩm. Vì vậy, sự trợ lực từ các cấp luôn là liều thuốc quý khiến doanh nghiệp có thêm niềm tin để phát triển sản phẩm hiệu quả, có chất lượng”, anh Lê Văn Lương chia sẻ.
Trong phương án khởi nghiệp bằng sản phẩm nghề truyền thống, anh Đinh Công Đức, chủ cơ sở sản xuất Mắm nhĩ Cửa Đại (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cho rằng, các sản phẩm khởi nghiệp rất cần được các cấp thẩm quyền quan tâm. Trong đó, các chứng nhận về khởi nghiệp, đạt chuẩn OCOP,... chính là động lực thúc đẩy phát triển sản phẩm tại mỗi đơn vị.
Phong trào khởi nghiệp tỉnh Quảng Nam được phát huy mạnh mẽ. Địa phương này định vị giá trị “Quảng Nam - vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo là “kim chỉ nam” để chính quyền và doanh nghiệp cùng thực hiện.
“Từ sự hỗ trợ của địa phương, cộng đồng khởi nghiệp tiết kiệm được nhiều thời gian, kinh phí trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, sớm cung ứng sản phẩm đạt chất lượng ra thị trường cũng như phát triển kinh tế, tiếp sức cho các đơn vị đang hình thành ý tưởng, dự án khởi nghiệp”, anh Đức cho hay.
Địa phương kiến tạo
Để xây dựng Hệ sinh thái bền vững, tỉnh Quảng Nam đã thiết lập, duy trì và đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Qua đó, góp phần tạo lập và lan tỏa tinh thần, văn hóa khởi nghiệp toàn địa bàn và xem đây là giá trị nền tảng.
Được biết, toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 105 dự án khởi nghiệp sáng tạo, vượt 950% chỉ tiêu đề ra. Các dự án khởi nghiệp tại Quảng Nam luôn đạt giải cao trong chương trình phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia và hầu hết các mục tiêu và chỉ tiêu đề ra đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành, thậm chí có chỉ tiêu hoàn thành ngay trong năm 2020.
Để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, ông Phạm Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam cho hay, địa phương luôn cam kết và đồng hành cùng cộng đồng khởi nghiệp. Trong đó, tỉnh Quảng Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo, là bệ đỡ cho các startup phát triển ý tưởng thành dự án thật, chăm lo bảo vệ tài sản trí tuệ,...
Song song với xây dựng sản phẩm, tỉnh Quảng Nam cũng đã xác định mục tiêu phát triển Hệ sinh thái bền vững và năng động, phấn đấu là địa phương nhóm dẫn đầu khởi nghiệp Việt Nam. Trong đó, tập trung khơi dậy và lan tỏa tinh thần dấn thân và khát vọng làm giàu, thúc đẩy tinh thần và văn hóa khởi nghiệp, văn hóa doanh nhân trong toàn cộng đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, trong thời gian tới các dự án khởi nghiệp cần được đầu tư nhân rộng hơn, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp gắn với tự nhiên, du lịch xanh, du lịch sinh thái,… Các dự án khởi nghiệp đã hình thành, đi vào hoạt động thì cần nâng tầm hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh, cần tăng cường liên kết theo nhóm ngành và hợp tác với các nhà đầu tư lớn để nâng tầm doanh nghiệp.
“Phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh được cộng đồng doanh nghiệp phát huy mạnh mẽ và trải đều trên các địa phương. Cộng đồng doanh nghiệp, thanh niên khởi nghiệp Quảng Nam đã cùng chia sẻ kinh nghiệp để phát triển các sản phẩm đưa vào sản xuất, kinh doanh mang lại dấu ấn, góp phần tạo kinh tế cho xã hội. Văn hóa khởi nghiệp Quảng Nam từng bước được định hình với bản sắc riêng, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam luôn ủng hộ, giúp đỡ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh nhà”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm