Cố vấn là những chia sẻ của chuyên gia, doanh nhân... về những giá trị cốt lõi cho thế hệ đi sau và nhận lại rất nhiều những giá trị khác không thể đo đếm bằng tiền, tài chính hay bằng bất kỳ điều gì.
Đó là chia sẻ của Nhà báo Phạm Hùng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Tổng Thư ký Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia tại khóa huấn luyện Kỹ năng Cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Khu vực Tây Nam Bộ được tổ chức tại Đồng Tháp.
Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp triển khai dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai từ năm 2002. Các nội dung hoạt động chủ yếu vào đào tạo, diễn đàn, kết nối – giao lưu, chương trình phát triển dự án… Trong đó, đào tạo khởi nghiệp cho các đối tượng như giảng viên, cố vấn, doanh nghiệp khởi nghiệp hay các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp giữ vai trò quan trọng, nhất là đào tạo cố vấn khởi nghiệp.
Theo ông Phạm Hùng, cố vấn ở Việt Nam không còn mới, đang được sử dụng nhiểu trong môi trường kinh doanh, khởi nghiệp, nhà trường. Tuy nhiên để hiểu, thực hiện và vận dụng đúng ý nghĩa của cố vấn trong bối cảnh hiện nay là điều rất cần thiết. Cố vấn ngày càng thể hiện vai trò tầm quan trọng, như một người dẫn dắt các thế hệ đi sau – chính là các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc ở vai trò cố vấn, tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương và quốc gia.
Đây cũng là lý do từ năm 2019, tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai đào tạo cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong năm này, chúng tôi chủ yếu tập trung đào tạo cho ở một số tỉnh phía Bắc như Thái Nguyên, Sơn La, Hải Phòng, Quảng Ninh và Nghệ An... thực hiện theo Đề án 844 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Mục đích tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng cố vấn thời điểm đó là giúp địa phương hình thành và xây dựng mạng lưới các cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cơ sở tận dụng được các lợi thế đặc trưng của tỉnh về địa lý, kinh tế, văn hóa. Tù đó, mạng lưới cố vấn sẽ mở rộng việc liên kết liên tỉnh, trong khu vực, đồng thời cũng có tính mở và khả năng chuyển giao, khả năng tương tác sâu - rộng hơn với hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương và quốc gia, ông Phạm Hùng nhấn mạnh.
Thời điểm này, các học viên còn nhiều bỡ ngỡ khi đăng ký tham gia các khóa tập huấn về kỹ năng cố vấn. Giờ đây, nhiều người trong số họ đã trở thành những cố vấn thực sự, trở thành những Champion – người khởi xướng hoặc dẫn dắt của địa phương trong việc triển khai các hoạt động khởi nghiệp. Cố vấn khởi nghiệp đã chứng tỏ nhu cầu cần có và ngày càng có nhiều người mong muốn trở thành cố vấn chuyên nghiệp.
Ông Phạm Hùng khẳng định, năm 2021 vừa qua, bên cạnh việc đào tạo cố vấn khởi nghiệp đối mới sáng tạo, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia - Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp còn tổ chức thêm 2 khóa đào tạo kỹ năng cố vấn khởi nghiệp tạo tác động xã hội. Mục đích của 2 khóa học này dành cho các học viên sau này sẽ giảng dạy hoặc cố vấn cho doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội, tạo ra nhiều tác động tích cực tới môi trường, cho địa phương, tạo sinh kế cho các thành phần thuộc nhóm yếu thế như phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người cao tuổi, người lao động chưa có việc làm hoặc thu nhập thấp trên toàn quốc.
Cùng với việc đào tạo cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, năm 2021, Chương trình khởi nghiệp Quốc gia đã thí điểm việc huấn luyện theo mô hình 1 -1 – 1 gồm 1 huấn luyện viên – 1 cố vấn tập sự - 1 nhóm dự án. Các cố vấn tập sự được tham gia đồng hành trong vai trò vừa cố vấn vừa được các huấn luyện viên khởi nghiệp giảng dạy, truyền đạt thêm kinh nghiệm thực tiễn. Kết thúc 1 tháng được đồng hành cùng các huấn luyện viên, nhóm dự án trong vai trò cố vấn tập sự, một số anh chị đã được kết nạp chính thức là thành viên của Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đối mới sáng tạo Quốc gia – VSMA, ông Hùng cho biết.
Ông Phạm Hùng cho rằng, năm 2022, các hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam đi theo hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiêp đổi mới sáng tạo mở. Trong đó, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương là nhiệm vụ hết sức cần thiết được nhiều tỉnh/thành phố chú trọng trong mối liên kết với các cấu phần của hệ sinh thái nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương phát triển, đồng thời mở rộng kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp của khu vực và quốc gia. Việc liên kết các nguồn lực chính là thể hiện sức mạnh hệ sinh thái địa phương như các tỉnh/thành có nhiều trường đại học có thế mạnh phát triển khoa học công nghệ, địa phương có nhiều doanh nghiệp sẽ có lợi phát triển các nhà đầu tư. Vì vậy, muốn phát triển, địa phương cần xây dựng lưới các chuyên gia, cố vấn, nhà đầu tư – đây là những những thành tố quan trọng cho hệ sinh thái.
Đây cũng là lý do vì sao, chúng tôi tổ chức khóa huấn luyện kỹ năng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho khu vực Tây Nam Bộ, Đây là khóa học thứ Hai được tổ chức trong năm nay, tiếp theo khóa đầu tiên tại tổ chức tại Đà Nẵng dành cho các tỉnh miền Trung, ông Phạm Hùng khẳng định.
Đối tượng tham dự khóa học này có nhiều anh chị học viên đến từ các cơ quan ban ngành chức năng của địa phương, doanh nghiệp, trường đại học … thậm chí nhiều lãnh đạo cấp Sở cũng tham dự học. Chúng tôi cũng rất mong tại khóa huấn luyện lần này, các anh chị em học viên hãy nhiệt tình chia sẻ và tích cực trao đổi, thảo luận để tích lũy thêm những kinh nghiệm thực tiễn từ cố vấn khởi nghiệp. Sau khi quay trở về địa phương, ngoài việc có thể cố vấn cho các bạn trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các anh chị em học viên còn có thể tham mưu cho lãnh đạo về việc xây dựng cơ chế chính sách, hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp.
Ông Phạm Hùng mong rằng sau khóa huấn luyện Kỹ năng Cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các anh chị hãy là một champion tương lai - người dẫn dắt và đi đầu trong các hoạt động khởi nghiệp tại địa phương - nơi các anh chị đang sinh sống và làm việc.
Có thể bạn quan tâm