Khát vọng vươn lên làm giàu của thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo vnbusiness 08/09/2022 02:48

Nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên vùng đồng bào DTTS được triển khai và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Đặc biệt, việc thành lập HTX sẽ giúp mọi người dân liên kết, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Anh Nguyễn Ngọc Lương, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam chia sẻ, với đặc thù địa lý, nơi sinh sống của thanh niên DTTS thường là ở các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi, kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp, nên đa phần các dự án khởi nghiệp của thanh niên DTTS tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, khai thác sẵn tiềm năng về đất, nước, nguồn giống, cây trồng…

Đa dạng hóa sản phẩm để làm giàu

Không chấp nhận nghèo khổ, lạc hậu, nhiều thanh niên DTTS đã mang trong mình ý chí quyết tâm khởi nghiệp, tìm kiếm các cơ hội phát triển từ tiềm năng sẵn có của địa phương. Nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công nhờ nhanh nhạy trong tiếp cận thị trường và ứng dụng công nghệ.

Nhiều thanh niên DTTS đã mang trong mình ý chí quyết tâm khởi nghiệp và tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Các mô hình: Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế, tổ hợp tác, HTX thanh niên… đã tạo địa chỉ tin cậy để thanh niên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn và kỹ thuật. Cùng với đó, hàng trăm mô hình sinh kế đã ra đời giúp thanh niên DTTS có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

“Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tạo điều kiện để đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp là vấn đề được Trung ương Hội LHTN Việt Nam hết sức quan tâm. Mô hình của các HTX thanh niên khởi nghiệp đã giúp các đoàn viên, thanh niên DTTS phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”, anh Nguyễn Ngọc Lương nói.

HTX Thanh niên Như Cố, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn là một trong những điển hình kinh tế tập thể của thanh niên đồng bào DTTS ở vùng cao Bắc Kạn. Với 11 thành viên ban đầu, HTX đã xây dựng mô hình sản xuất trong nhà lưới, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác.

Anh Hà Văn Cường, Giám đốc HTX cho biết, HTX luôn chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, sản xuất các sản phẩm an toàn là mục tiêu hàng đầu của HTX. Theo đó, toàn bộ quy trình sản xuất rau, quả của HTX được thành viên thực hiện nghiêm ngặt, việc sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ, các chế phẩm sinh học do các thành viên tự chế để chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh bằng các biện pháp sinh học.

Ngoài ra, HTX còn đầu tư con giống, chuồng trại để nuôi 10.000 con gà/lứa theo hướng bán công nghiệp và hơn 200 đôi bồ câu Pháp nuôi nhốt. Doanh thu bình quân mỗi năm đạt hơn 5 tỷ đồng, thu nhập của mỗi thành viên đạt từ 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Để tăng thu nhập cho thành viên, HTX còn xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật và sản xuất bún khô với công suất 10 tấn bún khô/năm.

“Những năm tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất như: Chè xanh, mướp đắng rừng, bún khô, cà gai leo, dưa lê… Hoàn thiện nhiều mẫu mã bao bì thân thiện với môi trường. Đồng thời, tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh đưa HTX hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, lấy thu nhập cho thành viên và người dân địa phương làm mục tiêu phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo tại địa phương”, anh Hà Văn Cường chia sẻ.

>>FESTIVAL KHỞI NGHIỆP 2022: Thúc đẩy mạnh mẽ Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia

>>FESTIVAL KHỞI NGHIỆP 2022: Thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp quốc gia

Tiếp sức cho ước mơ làm giàu

Tốt nghiệp xong THPT, Phan Thanh Ngọc, chàng thanh niên dân tộc Tày ở thôn Nà Khá, xã Năng Khả quyết định lập gia đình và khởi nghiệp bằng nghề nông. Qua tham khảo các mô hình phát triển kinh tế thông qua tổ chức Đoàn Thanh niên trong xã, anh Phan Thanh Ngọc vận động 7 thanh niên trong thôn thành lập HTX Nông nghiệp Thanh niên Năng Khả, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang do chính anh làm giám đốc.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, HTX tập trung vào cung cấp giống gà, vịt, ngan, nuôi gà, lợn đen thả vườn, trồng các loại rau rừng như giảo cổ lam, rau bò khai… và kinh doanh dịch vụ du lịch Homestay.

-9916-1662429082.jpg
Các mô hình HTX kiểu mới của đồng bào DTTS đã và đang làm ăn hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho thành viên và người dân.

Anh Phan Thanh Ngọc chia sẻ: Tuy mới đi vào hoạt động nhưng những mặt hàng do HTX sản xuất có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng nên được thị trường ưa chuộng.

Mỗi tháng HTX bán trên 2 vạn con gà, vịt giống, cung cấp cho thị trường trên 3 tạ gà thịt và nhiều loại rau đặc sản. Nhờ đó, thu nhập của các thành viên HTX đạt trên 7 triệu đồng/người/tháng, giúp các thành viên có thu nhập ổn định trong cuộc sống.

Chị La Thị Ánh Nguyệt, thành viên HTX nhớ lại, trước khi HTX được thành lập, các thành viên ở thôn làm ăn manh mún, nhỏ lẻ. Nhà nào cũng nuôi gà, vịt, trồng rau nhưng toàn tự cấp, tự túc, mạnh ai nấy làm… Khi HTX được thành lập, Giám đốc Phan Thanh Ngọc đã phân công từng hộ sản xuất chuyên canh, hộ chuyên sản xuất rau, hộ chuyên cung cấp con giống, chăn nuôi, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch...

Điều này không chỉ giúp các thành viên phát huy tinh thần trách nhiệm, giúp đỡ lẫn nhau mà còn tạo ra chuỗi giá trị ngay trong các thành viên HTX. Giờ đây du khách đến với dịch vụ du lịch cộng đồng tại Năng Khả sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sản như: Gà đồi, lợn đen hay các món rau rừng do chính các thành viên HTX sản xuất.

Ông Nguyễn Cảnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Năng Khả đánh giá, tuy mới thành lập nhưng hiệu quả mà HTX Nông nghiệp Thanh niên Năng Khả mang lại đã phát huy hiệu quả cao trong việc tăng thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

“HTX Nông nghiệp Thanh niên Năng Khả là mô hình HTX đầu tiên của xã Năng Khả do chính thanh niên DTTS làm chủ. Để xây dựng thành công mô hình HTX, các thành viên phải là những người có ý chí, nghị lực, có khát vọng làm giàu, có tinh thần học hỏi, tiếp cận khoa học kỹ thuật nhanh nhạy”, ông Nguyễn Cảnh nói.

Ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội đánh giá, với những ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên vùng đồng bào DTTS đã và đang đóng góp tích cực trong việc thay đổi tư duy, nhận thức của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong phát triển KT-XH địa phương. Để phong trào sáng tạo khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi trong các thế hệ thanh niên DTTS, cần tiếp tục nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới làm ăn hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho thành viên và người dân.

Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của thanh niên về sự cần thiết của khởi nghiệp đối với chính bản thân và cộng đồng. Tăng cường đào tạo về mô hình khởi nghiệp, kiến thức về khởi nghiệp cho từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là về khoa học, công nghệ, thị trường, vốn... Có như vậy mới thúc đẩy được khát vọng vươn lên làm giàu của thanh niên vùng đồng bào DTTS.

Có thể bạn quan tâm

  • Khai mạc Techfest Việt Nam 2022 tại Lai Châu

    Khai mạc Techfest Việt Nam 2022 tại Lai Châu

    00:27, 29/08/2022

  • Techfest Đồng Nai: Truyền cảm hứng và tôn vinh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    Techfest Đồng Nai: Truyền cảm hứng và tôn vinh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    09:36, 27/08/2022

  • Techfest Sơn La: Chuyển đổi số Ngành Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn 2021-2025

    Techfest Sơn La: Chuyển đổi số Ngành Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn 2021-2025

    18:22, 04/06/2022

Theo vnbusiness