Nghịch lý “quy định xử lý nước thải”: Giấy phép con hành doanh nghiệp?
Những quy định khó hiểu của một số địa phương đang dồn doanh nghiệp tới bước đường cùng, và nhẹ thì ở mức tạm dừng sản xuất, lớn hơn là đóng cửa, phá sản…
Câu chuyện 12 doanh nghiệp chế biến cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước, đồng loạt làm đơn gửi cho các cơ quan ban ngành tỉnh Bình Phước, Hiệp hội cao su Việt Nam, Hiệp hội DNNVV… “Đề nghị xem xét chấp thuận cho các doanh nghiệp được xả nước thải chế biến mủ cao su thiên nhiên theo đúng quy chuẩn Việt Nam (QCVN), đang hết sức nực cười và khó hiểu, trong khi theo quy định các doanh nghiệp này hiển nhiên được áp dụng”.
Nghị quyết... làm khó?
Theo phản ánh của các doanh nghiệp cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước trình bày: Theo quy chuẩn nước thải - QCVN 01-MT : 2015/BTNMT, ngày 31/12/2015, của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sơ chế cao su thiên nhiên thì nước thải sơ chế cao su không áp dụng cho nước sinh hoạt sẽ áp dụng cho cột B (quy định này doanh nghiệp hiển nhiên được áp dụng).
Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/03/2017 của Tỉnh ủy Bình Phước lại quy định: “Đến hết 2017, 100% các cơ sở chế biến cao su phải có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo cột A (nước dùng cho sinh hoạt). Và tại công văn số 1495/STNMT-VP, ngày 07/07/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước đã gia hạn thời gian hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải đạt cột A của các nhà máy chế biến cao su đến hết năm 2018.
Trước những quy định, điều kiện khắt khe của địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã cố gắng hết sức nhưng cũng không thể đạt chuẩn 100% theo cột A (nước sinh hoạt). Do đó, ngày 20/11/2018, đại diện lãnh đạo các nhà máy đã phải tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến chung và thống nhất làm văn bản xin các cấp chính quyền địa phương cho các doanh nghiệp được áp dụng xả thải theo chuẩn quốc gia (QCVN 01-MT: 2015/BTNMT), tuy nhiên, vấn đề này cho tới nay vẫn chưa được lãnh đạo địa phương quan tâm giải quyết.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: Rườm rà thủ tục "khuyến mại" hay cơ quan chức năng làm khó doanh nghiệp?
11:05, 17/12/2018
Quy định “đá nhau” làm khó doanh nghiệp bất động sản
02:03, 09/11/2018
Điều kiện kinh doanh vẫn… làm khó doanh nghiệp
11:10, 06/08/2018
Doanh nghiệp tạm dừng sản xuất hoặc phá sản?
Theo ông Phạm Hùng Sơn, đại diện doanh nghiệp cao su Thuận Lợi, cho biết: Việc địa phương đưa ra Nghị quyết để bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện, trong khi quy chuẩn của Việt Nam thì doanh nghiệp hiển nhiên được áp dụng thì chẳng khác nào đây là “giấy phép con…hành doanh nghiệp” - ông Sơn bức xúc.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thoa, đại diện doanh nghiệp Lâm Sao, cho hay: Theo quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01 – MT: 2015/BTNMT, thì các thông số như: pH, BOD5, COD, tổng chất thải rắn TSS, tổng Nitơ, Amoni (NH4) trong bảng tính giá trị tối đa cho phép các thông số ô nhiễm trong nước thải sơ chế cao su thiên nhiên thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể sả thải ra môi trường. Và ở cột B trong bảng này đã thể hiện là các thông số được phép xả thải ra nguồn nước không dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng có thể sử dụng mục đích cho tưới tiêu (cây cối, hoa màu…).
Tuy nhiên, Bình Phước lại yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành chế biến mủ cao su phải xử lý nước thải đạt loại A (nước sinh hoạt), trong khi tiêu chuẩn quốc gia chỉ yêu cầu đạt loại B là hết sức bất cập. Và với quy định khắt khe của địa phương như trên đang dồn doanh nghiệp vào bước đường cùng, và nhẹ thì cũng tạm dừng sản xuất, nặng hơn thì cũng đóng cửa, phá sản.
“Trước những quy định trên, nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến mủ cao su bị xử phạt, thậm chí bị yêu cầu đóng cửa nhà máy vì không đạt tiêu chuẩn của địa phương là vấn đề hết sức đau lòng” – ông Thoa chia sẻ.