Thái Bình: Người dân bị "xù" hàng tỷ đồng đặt cọc gia công tranh đính đá
Số tiền cọc từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Qua vài ba lần được thanh toán tiền công, người dân phấn khởi làm đêm ngày cuối cùng "mất cả vốn lẫn lãi", số tiền lên tới hàng tỷ đồng.
Hàng chục hộ dân, trong đó có những người đang làm giáo viên mầm non, vì tin tưởng đã "đặt cọc" cho bà Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Hiệu trưởng Trường mầm non xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) để được nhận tranh đính đá về làm với tiền công cao ngất ngưởng.
Trong lá đơn gửi cơ quan chức năng cuối tháng 3/2019, các ông, bà: Nguyễn Mạnh Thường; Phạm Thị Thu Phương; Đào Duy Thành; Nguyễn Thị Huế;... (trú xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) nêu rõ: Từ tháng 9 - 10/2018, cô Nguyễn Thị Thu Hường - Phó hiệu trưởng trường mầm non xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đặt vấn đề với 13 đầu mối làm tranh đính đá, tiền công cao.
Ông Nguyễn Mạnh Thường cho biết, muốn gia công 1 bức tranh đính đá, ông phải bỏ ra trước một số tiền đặt cọc gần bằng với số tiền công để lấy phôi tranh về làm. Sau khi trả tranh thành phẩm, khoảng một tuần sẽ được thanh toán cả tiền gia công và tiền cọc tranh... Cô Hường còn chắc chắn, công ty là do chú cô Hường làm công an ở tỉnh Nam Định giới thiệu nên cứ yên tâm mà làm. Riêng cô Hường phải đóng 70.000.000₫ đồng cổ phần vào công ty thì mới được nhận phôi tranh về làm...
"Chúng tôi có hỏi vì sao sao phải đưa tiền trước, thì cô Hường nói tiền cọc tranh phải chuyển về công ty, vì nếu chúng tôi làm hỏng phôi tranh thì chúng tôi phải dùng tiền cọc tranh để đền.. Chúng tôi có thắc mắc vì sao công lại cao thế, cô Hường trả lời chúng tôi công ty cần hàng Tết rất gấp để xuất sang nước ngoài nên trả công cao... Nghĩ cô Hường là một lãnh đạo, một đảng viên nên chúng tôi đã tin tưởng đồng ý, giao tiền đặt cọc nhân tranh về gia công cho cô Hường.
Thời gian đầu, bà Hường thanh toán bằng tiền mặt và chuyển phôi tranh cho các hộ gia công. Nhưng từ tháng 11/2018 trở lại đây, chúng tôi đã 4 lần giao tranh thành phẩm cho cô Hường, trực tiếp cô Hường đã kiểm tra và tranh đều đạt yêu cầu. Nhưng cô Hường không thanh toán cho chúng tôi số tiền công, cũng như tiền đặt cọc..." - ông Thường bức xúc.
Đến tháng 12/2018, bà Nguyễn Thị Thu Hường đến Công an huyện Tiền Hải trình báo là bị đối tác nhận hàng lừa và hiện tại không có khả năng trả nợ.
Sau khi sự việc xảy ra, những nạn nhân của bà Nguyễn Thị Thu Hường đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi.
Ngày 19/3/2019, UBND tỉnh Thái Bình ra văn bản số 998/UBND-TCD gửi Công an huyện Tiền Hải về việc tiếp nhận giải quyết đơn thư của công dân, báo cáo kết quả về cho UBND tỉnh trước ngày 29/4/2019.
Chiều 27/3, ông Lê Đình Phúc – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiền Hải cho hay, phòng GD&ĐT đã nhận được giải trình của bà Hường. Theo báo cáo của bà Hường, bà này có nhận làm đầu mối làm tranh đính đá cho một số công ty, nhưng chỉ giao dịch trên mạng và qua email mà không rõ địa chỉ cụ thể.
Cho đến khoảng cuối năm 2018 thì bà Hường không liên lạc được với những công ty này nữa và hiện còn tồn đọng khoảng 400 bức tranh đính đá. 13 hộ dân đã đưa tiền đặt cọc cha bà Hường tổng số 1.922.600.000đ và hiện vẫn chưa lấy được tiền. Số tiền đặt cọc của các hộ dân từ 40 triệu đồng đến gần 400 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm
Thái Bình phê bình chủ đầu tư BOT cầu Thái Hà
02:25, 21/03/2019
Thái Bình: Khơi nguồn thanh niên khởi nghiệp
15:59, 15/03/2019
Thái Bình: Doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH, nợ luôn thuế
11:30, 07/03/2019
Đến ngày 27/3, UBND huyện Tiền Hải đã giao cho phòng Nội vụ chủ trì, cùng ban Tổ chức Huyện ủy, phòng Giáo dục đến trường mầm non Nam Hà, nơi bà Hường công tác để làm việc. Các cơ quan thống nhất chờ kết luận của Công an huyện Tiền Hải để có hướng giải quyết cụ thể.
"Trong quá trình công tác tại trường mầm non Nam Hà từ trước đến nay, bà Hường vẫn làm tốt công việc của mình. Việc bà Hường có làm ăn bên ngoài thì cũng ngoài giờ hành chính. Hiện bà Hường vẫn làm việc bình thường tại trường trong khi chờ kế quả xác minh, điều tra" - ông Phúc thông tin.
Một diễn biến khác, theo tìm hiểu của chúng tôi, để giao dịch với các cá nhân và yêu cầu đặt cọc, bà Nguyễn Thị Thu Hường đã "mượn" cơ sở cũ của Trường mầm non xã Nam Hà để làm địa điểm giao dịch. Thông tin này đã được ông Phúc xác nhận chiều 27/3, nhưng ông Phúc từ chối trả lời mà chỉ nhóm phóng viên sang Phòng Nội vụ, huyện Tiền Hải...
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc