Hà Tĩnh: Trại lợn cả trăm con “vô tư” xả thải trong khu dân cư, người dân lãnh đủ

Tâm Đan 29/05/2019 09:20

Mặc dù bể biogas chỉ có sức chứa cho khoảng 20 con lợn nhưng một trại lợn ở xã Cẩm Phúc (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã tự ý tăng đàn lên đến cả trăm con.

Hằng ngày nước thải được chủ trại “vô tư” thải trực tiếp ra môi trường khiến nhiều người dân bức xúc.

“Vô tư” xả thải trực tiếp ra môi trường

Nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi về thôn 4 để xác minh sự việc. Ngay từ đầu làng, mùi hôi thối bốc lên khiến chúng tôi phải bịt kín mặt mũi. Theo người dân nơi đây, mùi hôi thối này bốc lên từ trại lợn của gia đình bà Nguyễn Thị Lý (thôn 4, xã Cẩm Phúc). Người dân thôn 4 phải sống chung với mùi hôi thối từ trại lợn này đã nhiều năm nay.

Gia đình chị T. nằm gần ngay cạnh trại lợn bà Lý nên cứ mỗi lần gió Nam là cả nhà gần như ngạt thở. Trời nắng nóng nhưng hầu hết chị phải đóng cửa ngồi trong nhà vì không chịu nổi mùi hôi thối bốc lên từ trại lợn. “Nhiều năm nay, chúng tôi phải sống trong cảnh “ăn không ngon ngủ không yên” vì ô nhiễm môi trường, mùi hôi thối bốc lên từ trại lợn. Trước họ nuôi vài ba chục con cũng có mùi nhưng còn đỡ hơn, mấy tháng nay họ tăng đàn lên cả trăm con nên mùi hôi thối nồng nặc hơn. Đứa nhỏ phải đi gửi nơi khác cả ngày vì sợ ngửi mùi hôi lâu ngày sẽ bị bệnh. Hằng ngày tôi chẳng dám nấu ăn ở nhà mà phải về nhà bố mẹ ăn nhờ”, chị T. chia sẻ.

Dù chỉ có bể biogas dung tích 13m3 nhưng trại lợn bà Lý lên đến cả trăm con

Dù chỉ có bể biogas dung tích 13m3 nhưng trại lợn bà Lý lên đến cả trăm con

Cũng theo chị T. nước thải từ trại lợn hằng ngày chảy thẳng trực tiếp ra vườn rồi theo rãnh nước chảy xuống con rào xung quanh nhà. “Dân vùng này chủ yếu dùng nước mưa và nước giếng khoan. Nếu cứ tình trạng xả thải trực tiếp như thế về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của khu dân cư”, chị T. cho hay.

Chỉ cách trại lợn chừng vài chục mét, gia đình bà H. cũng không dấu nổi bức xúc: “Trời lặng gió còn đỡ mùi chứ cứ mỗi lần gió lên là cả khu dân cư này lãnh đủ. Nhà lúc nào cũng đóng cửa kín bưng mà không bao giờ hết mùi. Nhiều hôm trời nắng nóng, mở cửa sổ ra hóng tí gió mát nhưng đành phải đóng lại vì mùi hôi không thể thở được. Cứ đến tầm khoảng chiều tối là mùi hôi thối bốc lên khủng khiếp, ngại nhất là khi gia đình có khách. Chúng tôi cũng kêu nhiều lần rồi nhưng vẫn không được giải quyết. Người lớn còn gắng chịu đựng chứ thương mấy đứa nhỏ”.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhà đầu tư nhắm các dự án logistics, du lịch và công nghiệp nặng của Hà Tĩnh

    Nhà đầu tư nhắm các dự án logistics, du lịch và công nghiệp nặng của Hà Tĩnh

    00:00, 29/05/2019

  • Hà Tĩnh: 4 tháng đầu năm thành lập gần 400 doanh nghiệp

    Hà Tĩnh: 4 tháng đầu năm thành lập gần 400 doanh nghiệp

    07:30, 13/05/2019

  • Hà Tĩnh: Vẫn chưa dừng “chảy máu” khoáng sản

    Hà Tĩnh: Vẫn chưa dừng “chảy máu” khoáng sản

    11:05, 12/05/2019

  • Hà Tĩnh: Chưa thể thu hồi 435 triệu đồng tiền phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

    Hà Tĩnh: Chưa thể thu hồi 435 triệu đồng tiền phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

    11:10, 08/05/2019

Không chỉ riêng hai gia đình này, mà hàng chục người dân sinh sống xung quanh này đều phải sống chung với cảnh ô nhiễm môi trường từ trại lợn của gia đình bà Lý. Có nhiều người vì quá bức xúc đã đến nói chuyện hoặc gọi điện cho chủ trại lợn nhưng họ vệ sinh chuồng trại nước chảy ra ngoài nên tình hình không mấy cải thiện.

Cả trăm con lợn chỉ có bể biogas 13m3

Để làm rõ sự việc, chúng tôi được ông Hoàng Kim Thắng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phúc dẫn xuống gia đình bà Lý. Tại cuộc trò chuyện, bà Lý cho rằng gia đình bà hiện đang nuôi khoảng 70 con lợn. Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, trại lợn của bà Lý có khoảng 10 chuồng được chia thành 2 khu vực. Một khu vực khoảng 4 chuồng nuôi lợn từ 20 – 30kg, mỗi chuồng khoảng 5 – 8 con, một khu vực 4 chuồng nuôi lợn nhỏ, mỗi chuồng khoảng 20 – 25 con.

Điều đáng nói hơn là nước thải từ trang trại được chủ trại cho chảy trực tiếp ra ngoài theo mương trong vườn rồi dẫn ra đập Đuồi bên nhà mà không qua bất cứ khâu xử lý nào. Được biết, rào đập Đuồi là nơi cung cấp nước tưới phục vụ nông nghiệp cho các thôn 4, 6 và 7.

Khi chúng tôi hỏi về việc xây bể biogas, bà Lý thừa nhận, hiện gia đình chỉ có bể biogas dung tích 13m3 (có sức chứa cho khoảng 20 con lợn) nhưng mấy ngày nay bể đang bị tắc nên phải xả ra ngoài.

Nước thải từ trại lợn được xả trực tiếp ra vườn mà không qua bất kỳ khâu xử lý nào

Nước thải từ trại lợn được xả trực tiếp ra vườn mà không qua bất kỳ khâu xử lý nào

“Do không có việc làm nên 3 tháng trước tôi có nhập thêm mấy chục lợn con về nuôi để xuất bán lứa cũ. Đợt này tình hình dịch bệnh nên lứa lợn cũ vẫn chưa xuất được. Nếu xuất bán hết lứa này, tôi sẽ không nhập thêm nữa và sẽ giảm đàn xuống dưới 20 con”, bà Lý cam kết.

Tại đây, ông Thắng cũng giải thích về tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn ra phức tạp trên địa bàn cả nước, trong đó, địa bàn huyện Cẩm Xuyên vừa phát hiện hai ổ dịch. Đồng thời ông Thắng cũng đề nghị gia đình không được tái đàn trong thời gian tới, tập trung khắc phục triệt để vấn đề xử lý nước thải, không được xả thải trực tiếp ra môi trường.

Cũng theo ông Thắng, việc chăn nuôi đang là vấn đề nhức nhối ở địa phương, hiện toàn xã có khoảng hơn 2.000 con lợn trong đó có 7 trang trại. Về trại lợn của gia đình bà Lý, chúng tôi đã nhiều lần nhận được phản ánh của người dân và cán bộ thôn 4 về tình trạng quá tải và ô nhiễm môi trường.

“Năm ngoái, xã đã gọi bà Lý lên làm việc, nhắc nhở và giải thích cho bà Lý về quy định hộ chăn nuôi lợn trong khu dân cư chỉ được nuôi dưới 20 con. Gia đình cũng cam kết sẽ xử lý và giảm đàn, tuy nhiên được một thời gian hộ này lại tiếp tục tăng đàn. Đợt vừa rồi xã tiến hành thống kê các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn thì trại lợn bà Lý có khoảng 100 con. Chúng tôi sẽ cho cán bộ về kiểm tra, giám sát, nếu tình trạng ô nhiễm môi trường và việc giảm đàn không được khắc phục sẽ lập biên bản xử lý”, ông Thắng cho biết thêm.

Tâm Đan