Nhà đầu tư nhắm các dự án logistics, du lịch và công nghiệp nặng của Hà Tĩnh

Ngọc Hà thực hiện 29/05/2019 00:00

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến như Đức, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…đầu tư vào các ngành như công nghiệp nặng, logistics và du lịch của Hà Tĩnh.

Ông  Trần Quốc Huy- Chủ tịch HĐQT Công ty CP CED (Hà Tĩnh).

Ông Trần Quốc Huy- Chủ tịch HĐQT Công ty CP CED (Hà Tĩnh).

Đó là chia sẻ của ông Trần Quốc Huy- Chủ tịch HĐQT Công ty CP CED (Hà Tĩnh) với Phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xúc tiến đầu tư tại địa phương trong cuộc trò chuyện mới đây.

- Với kinh nghiệm là doanh nghiệp tư vấn các thủ tục xúc tiến đầu tư cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, ông có chia sẻ gì về lợi thế của tỉnh Hà Tĩnh trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thưa ông?

Khi đến khảo sát các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, các nhà đầu tư trong và nước ngoài đều cho rằng, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế. Trong đó có thể kể đến như lợi thế về cảng nước sâu Vũng Áng – đây là một trong những cảng nước sâu lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Việc doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Hà Tĩnh sẽ rất thuận tiện, sau khi sản xuất, thành phẩm sản phẩm có thể được xuất khẩu luôn thông qua cảng nước sâu này, giúp tiết giảm chi phí vận chuyển, vận tải và logistics.

Ngoài ra, Hà Tĩnh còn có hai cửa khẩu kết nối với Campuchia và Lào, điều này giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tận dụng vị trí chiến lược để xuất khẩu đi các nước Đông Dương và Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến tại Khu công nghiệp Vũng Áng, trong đó có Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã phát triển được công nghệ sản xuất gang, thép hiện đại, đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Điều này đã tạo ra “sức hút” đối với các doanh nghiệp phụ trợ trong ngành công nghiệp luyện gang, thép về Hà Tĩnh để đầu tư.

- Ngoài các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài đã đến và sẽ chọn Hà Tĩnh làm địa điểm đầu tư của mình, thưa ông?

Thời gian vừa qua lãnh đạo Hà Tĩnh, trung tâm xúc tiến đầu tư Hà Tĩnh đã rất tích cực thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để kêu gọi dòng vốn đầu tư vào tỉnh. Theo đó, bên cạnh nhà đầu tư trong nước thì cũng đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Hà Tĩnh. Trong đó có thể kể đến như Đức, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…trong đó tập trung vào các ngành như công nghiệp nặng, logistics và du lịch... Đây cũng chính là danh mục các dự án đầu tư mà Hà Tĩnh mong muốn được thu hút dòng vốn.

Tiêu biểu như dự án liên kết giữa doanh nghiệp Đức và doanh nghiệp Việt Nam hợp tác triển khai dự án đầu tư điện mặt trời trên địa bàn tỉnh với tổng công suất 50 MWp, với tổng vốn đầu tư 1.458 tỷ đồng tại xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Theo đó, dự án bao gồm 200.000 mô-đun (tấm pin mặt trời) loại đa tinh thể, hiệu suất của mô-đun đạt 15,5%, công suất mỗi mô-đun là 250 Wp.

- Với kinh nghiệm tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư vào tỉnh, ông đánh giá như thế nào về thủ tục hành chính trong việc thu hút đầu tư của tỉnh?

Hiện nay, Hà Tĩnh đang rất tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thông qua trung tâm xúc tiến đầu tư và phát triển doanh nghiệp, cũng như các doanh nghiệp tư vấn.

Theo đó, các thủ tục hồ sơ của doanh nghiệp, nhà đầu tư đều được hướng dẫn thực hiện theo cơ chế một cửa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi có ý định đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, doanh nghiệp, nhà đầu tư được hỗ trợ soạn hồ sơ theo thủ tục trình tự pháp luật.

Như vậy, sau khi lên một cửa, ở đây họ chỉ rà soát lại, do đó, các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư cũng đã được rút ngắn từ 4-6 tháng. Tất nhiên, đối với những dự án phức tạp hơn thì sẽ mất nhiều thời gian hơn, tuy nhiên, nhìn chung so với trước đây, thời gian doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục hành chính đã được rút ngắn rất nhiều về thời gian và tiết kiệm chi phí.

- Bên cạnh những điểm mới về thủ tục hành chính, theo ông đâu là khó khăn, thách thức mà nhà đầu tư "lấn cấn" trước khi "xuống tiền" đầu tư?

Cũng giống như khó khăn chung của nhiều địa phương và thách thức chung trong hoạt động thu hút đầu tư FDI đó là, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ vẫn còn thiếu, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng của các công ty lớn, nhà máy lớn thì vẫn đếm trên đầu ngón tay. 

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến khó khăn về nguồn nhân lực. Mặc dù, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có nguồn lao động trẻ dồi dào, tuy nhiên phần lớn trong số họ đã đi xuất khẩu lao động. Vì vậy, việc tìm kiếm nguồn nhân lực cũng được xem là thách thức. Ngoài ra, một khó khăn nữa đó là khí hậu tại Hà Tĩnh khắc nghiệt hơn, không phù hợp phát triển các ngành điện tử, tuy nhiên có thể phù hợp thu hút các ngành công nghiệp nặng.

-  Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra giải pháp gì để khắc phục những khó khăn nêu trên, thưa ông?

Mới đây, Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã kêu gọi các doanh nghiệp tại Nhật Bản về địa phương trực tiếp đào tạo người lao động cả về chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ. Khi họ đã thành thạo kỹ năng và tiếng có thể sang Nhật Bản để làm việc để trau dồi kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã thực hiện các chương trình giữ chân nhân tài, những người lao động chất lượng cao như đội ngũ chuyên gia hoặc lao động ở tỉnh khác ở lại địa phương để thực hiện các dự án đầu tư lớn. Đồng thời kêu gọi doanh nghiệp có uy tín về tỉnh đầu tư, xây dựng hệ sinh thái đầu tư, ngành công nghiệp phụ trợ xung quanh đó và từ khắc phục điểm hạn chế của tỉnh Hà Tĩnh.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhà đầu tư nhắm các dự án logistics, du lịch và công nghiệp nặng của Hà Tĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO