Vụ 13 doanh nghiệp “lao đao” tại huyện Đông Anh: Phó Thủ tướng chỉ đạo TP. Hà Nội xem xét, giải quyết
Liên quan đến việc 13 doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản bởi Quyết định cưỡng chế của UBND huyện Đông Anh, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo TP. Hà Nội xem xét, giải quyết...
Trước đó, như báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã liên tục phản ánh: 13 doanh nghiệp đang hoạt động tại Dự án nhà máy ô tô 1-5, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội đang đứng bên bờ vực phá sản, hàng nghìn lao động có thể mất việc bởi Quyết định cưỡng chế của lãnh đạo UBND huyện Đông Anh.
Đáng nói, Công ty cổ phần ô tô 1-5 (gọi tắt là Công ty 1-5), đơn vị từng kêu gọi, mời hợp tác để các doanh nghiệp vào đầu tư lại đang “phủi” trách nhiệm của mình. Các doanh nghiệp cho rằng, đơn vị này không có động thái tiếp tục hỗ trợ, phối hợp giải quyết vụ việc, ép các doanh nghiệp đến bên bờ vực phá sản(!?).
Quá trình thông tin và đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp trước đơn kiến nghị khẩn cấp của các doanh nghiệp, PV báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có phản ánh đến lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương. Ngày 18/11/2019, hội Luật gia Việt Nam cũng có Văn bản số 385/HLGVN gửi Thủ tướng Chính phủ chuyển đơn của 13 doanh nghiệp khiếu nại, phản ánh một số nội dung liên quan đến sự việc trên.
Ngày 04/01/2020, Văn phòng chính phủ đã có công văn số: 83/VPCP-v-1, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chuyển Văn bản của Hội Luật gia kèm theo đơn của doanh nghiệp đến UBND TP. Hà Nội để kiểm tra xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật, trả lời các doanh nghiệp và báo cáo kết quả giải quyết lên Thủ tướng Chính phủ.
Quay trở lại thông tin vụ việc, ngày 30/3/2016, UBND huyện Đông Anh ban hành Quyết định số: 699/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các công trình xây dựng của các doanh nghiệp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Yêu cầu Công ty cổ phần ô tô 1-5 hoàn thiện các thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 Dự án 5000 xe/năm. Khi được UBND Thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết thì phải khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đề nghị cấp phép xây dựng theo quy định”.
Các doanh nghiệp đã và đang cùng với Công ty 1-5 hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép quy hoạch 1/500 và được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2495/QĐ-UBND giao cho Công ty cổ phần ô tô 1-5 tổ chức, lập quy hoạch.
Một diễn biến bất thường xảy ra khi, ngày 22/10/2019, UBND huyện Đông Anh “đột ngột” ban hành quyết định số:7827/QĐ-KPHQ, buộc phá dỡ các công trình xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2015, 2016 và Quyết định cưỡng chế áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ đối với các công trình đã hoàn thành việc xây dựng trước năm 2016 khiến các doanh nghiệp “lao đao” phải đi “gõ cửa” kêu cứu khắp nơi.
Các doanh nghiệp cho rằng: Việc UBND huyện Đông Anh đưa ra Quyết định như vậy là không phù hợp với quy định của pháp luật, xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động.
Có thể bạn quan tâm
Đông Anh (Hà Nội): 13 doanh nghiệp “lao đao” vì Quyết định của lãnh đạo UBND huyện?
10:50, 06/11/2019
Vụ việc 13 doanh nghiệp “lao đao” tại Đông Anh, Hà Nội: Trách nhiệm của chính quyền ở đâu?
04:05, 13/11/2019
Vụ 13 doanh nghiệp “lao đao” tại Đông Anh, Hà Nội: Công ty 1-5 hợp tác kiểu “đem con bỏ chợ”?
05:10, 19/11/2019
Phải nhắc lại, cho đến nay UBND thành phố Hà Nội chưa hề có bất cứ văn bản nào thu hồi nhiệm vụ đã giao cho Công ty 1-5 hoặc có Quyết định không chấp thuận điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của Dự án. Hơn nữa, tại Quyết định số: 699/QĐ-XPVPHC của UBND huyện Đông Anh cũng không nêu rõ về thời hạn cho phép Công ty 1-5 hoàn thiện các thủ tục xin điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500 Dự án là khi nào?
Vậy, tại sao trong khi các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý, đơn vị này lại “đột ngột” thay đổi Quyết định? Phải chăng, phía sau sự việc trên có điều gì khuất tất? Quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp đơn vị nào sẽ đứng ra đảm bảo?
Ngày 08/01/2020, trao đổi nhanh với PV báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Chánh văn phòng HĐND & UBND huyện Đông Anh, ông Hoàng Hải Đăng cho biết, hiện tại Lãnh đạo huyện vẫn đang chỉ đạo giải quyết vụ việc, khi có kết quả sẽ thông tin tới cơ quan báo chí.
Phải nói thêm, trong suốt quá trình từ năm 2016 đến nay, bên cạnh việc phối hợp với Công ty 1-5 thực hiện nhiệm vụ theo đúng chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và yêu cầu của UBND huyện Đông Anh thì các doanh nghiệp đã và đang triển khai sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương và các vùng lân cận. Mỗi năm, đóng góp hàng trăm tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Vậy, trước đơn “kêu cứu” của các doanh nghiệp, “miếng cơm – manh áo” của hàng nghìn người lao động. Đặc biệt, đã có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, liệu chăng lãnh đạo huyện Đông Anh còn “thờ ơ”?
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!