An Giang: Nghi vấn chủ cửa hàng vật liệu xây dựng hút cát sông để bán
Ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang hiện tồn tại hai bãi chứa cát lớn. Dân nói chẳng hiểu sao đã 6 lần bắt quả tang khai thác cát lậu nhưng đến giờ nó vẫn tồn tại?
Hết lở rồi bồi và nguy cơ… lở tiếp
Ông Nguyễn Tấn Tước - 83 tuổi (ngụ ấp Long Thượng, xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cho biết, mấy ngày nay hầu như ngày nào cũng có dân trong ấp kéo đến nhà ông, bày tỏ bức xúc về sự tồn tại của hai bãi cát. Bởi ông từng làm Chủ tịch UBND xã Kiến An nên được dân tin, gửi gắm nguyện vọng.
Ông Tước kể, nhà ông nằm trên cồn Chủ Quân, nơi có ngã ba sông Vàm Nao tiếp giáp với nhánh con sông Tiền. Gia đình ông ở đây 3 đời. Ông bà ông để lại 3ha đất nhưng giờ chỉ còn được 3 công. Bởi 27 công kia đều đã bị “hà bá” nuốt. Vì vậy mà ông rất rành về sạt lở ở vùng này.
Nhiều thập kỉ trước, vùng cù lao Chủ Quân sạt lở đất bờ sông nghiêm trọng. Đất đai, cây trồng của dân khi ấy bị chìm xuống đáy sông. Có biết bao hộ dân phải dỡ nhà đi nơi khác. Ông và nhiều hộ còn ở lại vì nhà nằm xa vùng sạt lở nguy hiểm. Sau nhiều năm lở thì khu vực này bồi lắng trở lại.
Theo ông Tước, vào khoảng tháng 10/2019, ở cồn Chủ Quân mọc lên hai bãi chứa cát. Người dân tìm hiểu thì biết, hai bãi ấy của ông Lâm Văn K. (xã Long Điền A, huyện Chợ Mới). Ông K. thuê đất của ông Th. và bà C. để lập nên hai bãi chứa cát. Một bãi nằm cạnh bờ sông Vàm Nao. Bãi còn lại nằm cạnh bờ nhánh sông Tiền và đều nằm trong vùng cảnh báo sạt lở nguy hiểm.
Theo người dân, ghe và sà lan neo sẵn ở hai bãi chứa cát này. Hễ ngày nào thuận thì ghe và sà lan trang bị máy bơm cùng nhiều ống dẫn sẵn sàn hút cát từ đáy sông lên bãi chứa. Cũng những phương tiện đó hút cát từ bãi chứa xuống ghe và sà lan khác để chở đi. Do vậy mà hai bãi chứa này cứ đầy rồi vơi và lại đầy.
Ông Tước cho biết, hễ người dân phát hiện việc khai thác cát đáy sông trái phép của nhân công ông K. thì ông liền báo đến chính quyền. Khi đó thì họ ngưng làm. Do đó việc bắt quả tang rất khó. Mặc dù người dân lúc nào cũng chuẩn bị sẵn ghe xuồng cho lực lượng chức năng mượn. Tuy nhiên từ năm 2019 đến nay, người dân đã cùng Công an xã Kiến An bắt quả tang ghe của ông K. hút cát sông tới 6 lần. Nhưng chẳng hiểu xử lý thế nào mà ghe của K. vẫn hút cát sông.
“Nó còn tuyên bố với dân là phạt vạ nhằm gì. Công an nó cũng chẳng sợ. Khoảng ngày 15/3 rồi, nó ký cam kết với xã là không hút cát sông nữa. Nhưng sau đó, dân lại thấy ghe nó hút cát sông nhiều gấp 3-4 lần so với trước. Từ chỗ sông cạn, ghe chạy dính lườn, nó hút cát riết mà giờ ghe tàu chạy… khỏe re. Sắp tới sạt lở nhà của dân thì ai chịu trách nhiệm? Thằng này quá ngoan cố. Hổng biết nó dựa vào ai mà làm dữ thần vậy trời?!”, ông Tước bức xúc nói.
Dân bức bách và đòi kéo biểu tình
Ông Tước cho hay, nếu tình trạng hút cát dưới đáy sông mà người dân từng thấy để chứa vựa ở hai bãi cát của ông K. kéo dài thì sạt lở là điều khó tránh. Khi đó, ngoài chuyện hàng chục hộ dân sống ở ấp Long Thượng bị ảnh hưởng còn đe dọa đến con đường giao thông gần đó. Nhà máy tưới tiêu của xã cũng bị đe dọa.
“Do ghe và sà làn của thằng ông K. hút cát dưới sông ngày càng nhiều và xem thường pháp luật mà bà con cực kỳ bức xúc. Gần đây họ đến nhà tui đòi kéo nhau đi biểu tình nhưng tui khuyên. Tui đang soạn đơn thưa nó”, ông Tước chia sẻ.
Anh Dương Văn Tùng - 48 tuổi (ngụ ấp Long Thượng) cho biết, lúc nào ở hai bãi cát của ông K. cũng có 2 chiếc ghe đậu cặp kè, rồi thêm sà lan đậu sẵn. Hễ êm thì các phương tiện này hút cát từ dưới sông lên bãi chứa. Còn khi nào động thì họ cho hút cát từ bãi xuống ghe, chở đi. Làm như vậy nhằm mục đích che mắt dân và cơ quan chức năng. Trong một tháng, người dân thấy ghe và sà lan của ông K. hút cát sông khoảng 20 lần. Và ban đêm thì hoạt động nhiều hơn ban ngày.
“Do ghe và sà lan của thằng K. hút cát sông dân thấy thường xuyên nên cứ báo tin đến tui. Có khi khuya họ cũng gọi điện báo. Nghe tin thì tui báo đến chính quyền. Làm riết mà vợ tui mất ngủ. Ông bí thư và trưởng công an xã cũng khổ với thằng này lắm, vì bắt nó rất khó. Nhân dân chúng tôi đề nghị chính quyền các cấp xử lý nghiêm thằng K. Bởi dân thì nhờ chính quyền mà chính quyền bây giờ bó tay với nó rồi. Ông nào cho nó khai thác thì ông đó chịu trách nhiệm”, ông Tước bày tỏ.
Ngày 06/4, PV DĐDN đã đến hai bãi chứa cát được cho là của ông K. Khi đến, chúng tôi thấy cát đã bị lấy đi một phần, còn lại khá nhiều cát nằm trong những bãi chứa, mỗi bãi rộng chừng nửa công đất. Chúng tôi thấy ghe và sà lan neo đậu sẵn ở hai bãi chứa giống như người dân mô tả. Chỉ có điều các phương tiện này không hoạt động.
Có thể bạn quan tâm
An Giang: Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu
11:01, 12/04/2020
An Giang họp gấp để tìm giải pháp "gỡ khó" cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo
19:00, 18/04/2020
[XUẤT KHẨU GẠO] Doanh nghiệp An Giang sốt ruột vì lượng gạo tồn đọng tới 82.275 tấn
06:04, 19/04/2020
An Giang: Khổ sở khi ở gần những nhà máy đầy khói, bụi
10:30, 19/04/2020
[XUẤT KHẨU GẠO] An Giang đã xuất được 55.000 tấn gạo trong hạn ngạch và tiếp tục chờ… giờ G
18:12, 21/04/2020
Ông Nguyễn Phước Tài - Phó phòng TN&MT huyện Chợ Mới cho biết, ở Chợ Mới ông Lâm Văn K. không được cấp phép khai thác mỏ cát nào. Ông K. có cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng và chỉ có giấy phép mở một bãi tập kết vật liệu xây dựng ở ấp Long Thượng. Bãi còn lại thì ông Tài không biết và sẽ cho kiểm tra sau. Từ trước đến giờ cũng chưa phát hiện ông K. khai thác cát trái phép lần nào.
Còn ông Nguyễn Thành Trung - Chủ tịch UBND xã Kiến An khẳng định: “Không có chuyện bắt quả tang ông K. 6 lần như người dân nói. Nhưng do dân không đồng tình nên sắp tới chúng tôi sẽ quyết tâm dẹp bỏ hai bãi cát đó”.