Hải Phòng: Doanh nghiệp tự ý sang nhượng tài sản chung
Gần đây, DĐDN nhận được sự phản ánh từ một doanh nghiệp về việc đối tác tự ý sang nhượng tài sản chung khi chưa được sự đồng thuận.
Theo ông Phạm Văn Doan, Phó Giám đốc công ty CP Thương mại Liên vận quốc tế Hoàng Anh (Công ty Hoàng Anh), công ty này có ký hợp đồng liên kết, góp vốn đầu tư xây dựng trạm điện tại bãi Container Đông Hải cùng với công ty TNHH Xây dựng và Vận tải Hoàng Trường (Công ty Hoàng Trường).
Trạm điện chung của 2 công ty Hoàng Anh và Hoàng Trường.
Cụ thể, ngày 01/12/2007, sau khi trao đổi và bàn bạc, hai bên đi đến thống nhất về việc xây dựng trạm điện sử dụng chung. Hai bên đồng ý góp vốn xây dựng trạm điện 320KVA tại bãi Container Đông Hải thuộc trên đất của Công ty Hoàng Trường với tổng vốn đầu tư là 400 triệu đồng, bao gồm các hạng mục như Trạm biến áp mới 100% do điện lực cung cấp, dây điện và phụ kiện phục vụ cho trạm điện, vị trí mặt bằng, thủ tục pháp lý và các chi phí liên quan đến việc xây dựng trạm điện. Với tỷ lệ góp vốn là 50% cho mỗi bên tham gia, thời gian hợp đồng tính từ ngày 01/12/2007 cho đến khi một trong hai bên không có nhu cầu tiếp tục sử dụng.
Hợp đồng liên kết góp vốn giữa Công ty Hoàng Trường và Công ty Hoàng Anh.
Tuy nhiên, đến ngày 12 tháng 1 năm 2019, Công ty TNHH Xây dựng và Vận tải Hoàng Trường đã chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất nơi khu vực xây dựng trạm điện chung của hai công ty trên cho công ty CP Thương mại và Vận tải biển FALCON.
Hợp đồng chuyển nhượng giữa Hoàng Trường và FALCON.
Sau đó vào tháng 4 năm 2019, Công ty Hoàng Trường có gửi một công văn đến Công ty Hoàng Anh thông báo về việc sẽ phải di dời trạm điện của hai bên đang dùng chung hiện đang nằm trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng của FALCON, kinh phí mỗi bên phải chịu 50% cho việc di dời trên.
Cũng theo ông Doan, sau ngày nhận thông báo từ phía Công ty Hoàng Trường vào ngày 12/1/2019, Công ty Hoàng Anh không nhận được bất cứ một thông báo nào khác từ việc xử lý hoặc di dời trạm điện trên. Bẵng đi một thời gian, đến đầu năm 2020, Công ty Hoàng Anh nhận được thông báo từ Công ty FALCON rằng trạm điện đã được Công ty Hoàng Trường bán lại cho FALCON, nếu Hoàng Anh muốn tiếp tục sử dụng điện thì phải làm lại một bản hợp đồng đề nghị với FALCON và Điện lực quận Hải An.
“Hiện giờ doanh nghiệp của chúng tôi không có quyền sử dụng trạm điện mà mình đã bỏ tiền ra để xây dựng. Bên FALCON yêu cầu chúng tôi phải có biên bản làm việc với Điện lực quận Hải An về việc đấu nối trạm điện để sử dụng tạm thời. Về lâu dài, chúng tôi hoàn toàn không có quyền đối với chính tài sản của mình”, ông Doan bức xúc nói.
Theo ông Vũ Quang Huy, Giám đốc Điện lực Hải An (chi nhánh Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng), trong thời gian chờ đợi xử lý, giải quyết tranh chấp giữa hai bên (Công ty Hoàng Anh và Hoàng Trường), Điện Lực Hải An đã có buổi làm việc giữa ba bên và đi đến thống nhất, vẫn sẽ tiếp tục cung cấp điện tại trạm biến áp trên cho Công ty Hoàng Anh sử dụng.
Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Công Ngọc – Phó giám đốc Công ty CP vận tải biển Falcon (Đình Vũ – Hải Phòng) cho biết: "Tranh chấp giữa hai công ty Hoàng Anh và Hoàng Trường đã xảy ra từ trước khi Công ty FALCON làm hợp đồng chuyển nhượng với Công ty Hoàng Trường. Trước đó chúng tôi hoàn toàn không biết có sự việc tranh chấp kể trên. Về phía công ty chúng tôi cũng vẫn đang tạo điều kiện cho Công ty Hoàng Anh được sử dụng điện đến hết ngày 31/5/2020".
Có thể bạn quan tâm
Chuyện mặt bằng kinh doanh và tranh chấp hợp đồng mùa COVID-19
11:18, 18/04/2020
Doanh nghiệp từ chối hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia: Giá tăng cao so với giá đấu thầu
11:20, 16/04/2020
Một số lưu ý khi giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng trọng tài thương mại
11:00, 10/04/2020
Với sự việc trên, dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Thuận - Giám đốc Công ty luật Bạch Đằng Giang, Đoàn luật sư Hải Phòng cho biết:
"Theo Điều 207 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về các hình thức sở hữu chung và các loại sở hữu chung cho các loại tài sản góp vốn của hai công ty, ở đây là Hoàng Anh và Hoàng Trường. Tài sản góp vốn chung của hai công ty này được gọi là tài sản sở hữu chung, trong trường hợp này, đây là tài sản không thể phân chia nên gọi là hình thức sở hữu chung hợp nhất. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung nên việc Công ty Hoàng Trường tự ý sang nhượng tài sản chung khi chưa có ý kiến đồng thuận của Công ty Hoàng Anh là hoàn toàn trái với pháp luật".
Luật sư Thuận cũng cho biết thêm, theo Điều 218 Bộ luật dân sự 2015 về luật định đoạt tài sản chung, trong đó có việc mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình. Bên cạnh đó, việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, trong trường hợp này, Công ty Hoàng Trường phải có trách nhiệm thông báo việc sang nhượng tài sản chung là trạm điện của hai bên cho Công ty Hoàng Anh được biết. Và theo đó, nếu kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác.
"Ở đây, rõ ràng việc thông báo sang nhượng tài sản chung của hai công ty hoàn toàn chưa được Hoàng Trường thực hiện. Phía công ty Hoàng Anh hoàn toàn có thể đưa ra toàn án dân sự để giải quyết tranh chấp trên", Luật sư Thuận nhận định.
Để làm rõ thông tin phản ánh của Công ty Hoàng Anh, nhiều ngày qua, phóng viên DĐDN đã cố gắng liên hệ làm việc với Ban lãnh đạo Công ty Hoàng Trường nhưng bất thành.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.