Thanh Hóa: Doanh nghiệp “tố” chính quyền “gây khó”!?

GIA NGUYỄN - VINH ĐỨC 04/07/2020 11:10

Mặc dù doanh nghiệp đã hoạt động ổn định trên địa bàn nhiều năm, tuy nhiên, UBND huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa vẫn đưa ra nhiều lý do gây khó, dẫn tới những thiệt hại trong sản xuất…

Gửi đơn tố cáo đến Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Đình Thắng, đại diện theo pháp luật Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nhất Duy, có địa chỉ hoạt động sản xuất tại thôn Công Thương, xã Vạn Xuân (Thường Xuân – Thanh Hóa) cho biết: Từ những quyết định gây khó của lãnh đạo UBND huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, gần 01 năm qua, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp hoàn toàn đình trệ, nhà xưởng, máy móc,… bỏ hoang, đặc biệt nhiều đơn hàng của doanh nghiệp với đối tác nước ngoài cũng theo đó mà không kịp tiến độ, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế của doanh nghiệp, người lao động. Trong khi, mỗi tháng tiền lãi vay mượn đầu tư, khấu hao tài sản, máy móc… của doanh nghiệp phải chịu khoảng 200 triệu/tháng.

Doanh nghiệp tố cáo lãnh đạo UBND huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa cố tình

Doanh nghiệp tố cáo lãnh đạo UBND huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa cố tình "gây khó" cho hoạt động sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế...

Cụ thể, theo ông Thắng: Sự việc xảy ra bắt đầu từ cuối năm 2016, đầu năm 2017, UBND huyện Thường Xuân yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn tất thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư, xin cấp phép quy hoạch trong khi doanh nghiệp đã đăng ký và hoạt động ổn định trên địa bàn từ năm 2014, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, không vi phạm những điều pháp luật cấm.

Trước sức ép của lãnh đạo địa phương như: yêu cầu dừng sản xuất, cắt điện, chặn xe ra vào,… doanh nghiệp phải khiên cưỡng chấp hành, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hoàn thiện thủ tục theo yêu cầu của UBND huyện Thường Xuân, đơn vị này tiếp tục “gây khó” khi chậm đưa kế hoạch sử dụng đất của doanh nghiệp vào thủ tục, dẫn đến việc doanh nghiệp không thể hoàn thiện được các thủ tục còn lại vì lý do “quá hạn nộp hồ sơ”.

Từ đó, kéo theo hàng loạt hệ lụy cho doanh nghiệp, thế nhưng, thay vì hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những tồn tại đã xảy ra, UBND huyện Thường Xuân lại quyết định dừng mọi hoạt động của doanh nghiệp như: bắt tháo dỡ máy móc, cắt điện sản xuất, không cho xe ra vào nhà xưởng,… khiến gần 01 năm qua, ngoài ảnh hưởng đến kinh tế trực tiếp vì không thể sản xuất, lao động mất việc, doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng trầm trọng đến uy tín trên thị trường khi không thể hoàn thiện những hợp đồng đã ký với bạn hàng.

Chia sẻ trực tiếp với PV, ông Phạm Đình Thắng – Chủ doanh nghiệp bức xúc: Là doanh nghiệp, chúng tôi luôn muốn chấp hành đầy đủ mọi chủ trương, chính sách và pháp luật để hoạt động sản xuất lâu dài, thế nhưng, những quyết định của UBND huyện Thường Xuân thật vô lý(?), nó không chỉ gây ra những hậu quả dai dẳng cho chúng tôi gần 01 năm qua mà còn khiến chúng tôi lao đao khi uy tín trên thị trường của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Doanh nghiệp không làm sai, tại sao lại bắt doanh nghiệp phải thiệt hại?

Gần 01 năm nay, nhà xưởng của doanh nghiệp Nhất Duy phải dừng hoạt động từ những quyết định của UBND huyện Thường Xuân...

Gần 01 năm nay, nhà xưởng của doanh nghiệp Nhất Duy phải dừng hoạt động từ những quyết định của UBND huyện Thường Xuân...

Quá trình tìm hiểu, PV cũng được biết, quá trình hoạt động sản xuất tại địa phương doanh nghiệp Nhất Duy đều nhận được sự ủng hộ của người dân cũng như đóng góp cho hoạt động phát triển xã hội trên địa bàn như, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động quanh khu vực; bao tiêu lâm sản tại chỗ cho người dân;…

Vậy nguyên nhân của thực trạng doanh nghiệp đang gặp khó đến từ đâu? Tại sao, thay vì ủng hộ doanh nghiệp phát triển, đóng góp cho sự phát triển chung, UBND huyện Thường Xuân lại đang có dấu hiệu “gây khó” cho doanh nghiệp?

Trao đổi với PV, ông Cầm Bá Thuần, Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân cho biết: Đối với sự việc của doanh nghiệp Nhất Duy, UBND xã không có thẩm quyền quyết định, chính quyền xã không gây khó khăn gì cho doanh nghiệp, mọi việc do UBND huyện chủ trì, xã chỉ có nhiệm vụ giám sát…

Cũng theo ông Thuần, "hồ sơ liên quan đến doanh nghiệp Nhất Duy các anh cứ gặp phòng Kinh tế hạ tầng của huyện, xã không có ý kiến, ở đây, nguyên nhân của vụ việc không như các anh phản ánh mà do có yêu cầu doanh nghiệp đổi mới công nghệ từ lãnh đạo, nhưng doanh nghiệp không chấp hành, chứ không liên quan đến vấn đề môi trường(?)".

Tiếp tục đa chiều thông tin, PV cũng đã phản ánh đến UBND huyện Thường Xuân, ông Lê Hữu Giáp – Phó Chánh Văn phòng UBND huyện đã tiếp nhận thông tin, tuy nhiên, sau một hồi vị Phó Chánh Văn phòng liên hệ các phòng ban chuyên môn phụ trách nội dung của doanh nghiệp Nhất Duy tố cáo, thì PV vẫn chưa nhận được câu trả lời bởi lý do lãnh đạo đi vắng và các phòng ban chưa chuẩn bị được nội dung làm việc, cần chờ báo cáo lãnh đạo huyện và sẽ sắp xếp lịch làm việc với cơ quan báo chí sau.

Xoay quanh nội dung tố cáo của doanh nghiệp Nhất Duy, PV cũng được cung cấp nhiều văn bản liên quan đến các quyết định của UBND huyện, các chỉ đạo của UBND tỉnh và các văn bản tham mưu của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong đó, nhiều nội dung đang cho thấy sự bất cập, thiếu thống nhất, có dấu hiệu “gây khó” cho hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp cần phải được làm rõ.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!

Có thể bạn quan tâm

  • Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 7): Xong con đường, nhà trường… “mất đất”!?

    Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 7): Xong con đường, nhà trường… “mất đất”!?

    06:06, 02/07/2020

  • Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 6): Ai tiếp tay cho sai phạm?

    Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 6): Ai tiếp tay cho sai phạm?

    06:30, 30/06/2020

  • Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 5): “Xóa bàn cờ chơi lại”?

    Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 5): “Xóa bàn cờ chơi lại”?

    06:30, 29/06/2020

GIA NGUYỄN - VINH ĐỨC