Xoay quanh câu chuyện hậu kỳ “khai tử” các dự án thực hiện theo phương thức BT, hàng loạt nghi vấn dư luận đã đặt ra để tìm lời giải, trong đó, những hệ lụy kéo dài vẫn muôn hình muôn vẻ…
Hệ lụy – hai từ dư luận vô cùng quan ngại và được nhắc đi nhắc lại nhiều lần mỗi khi nhắc đến những thiệt hại, thất thoát do các công trình, dự án được thực hiện theo phương thức BT gây ra. Nhưng hệ lụy, bất cập không chỉ riêng Hà Nội, Bắc Ninh,… hay một số dự án sau kiểm toán, thanh tra, đã chỉ rõ mà trên thực tế hiện nay, nhiều dự án vẫn đang gây nhức nhối trong dư luận.
Tại TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), dự án đường Bắc Sơn, được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt và giao cho Công ty Xây dựng và San nền Thái Nguyên làm chủ đầu tư, cũng là một trong những thực tại như vậy. Không chỉ bức xúc, kiện cáo kéo dài về quy trình GPMB theo đơn giá chưa thỏa đáng, nghiêm trọng hơn, với một đoạn đường chỉ hơn 1,5km nhưng thay đổi quy hoạch nhiều lần, xâm lấn, có dấu hiệu đem đất trường học ra đối ứng…
Nằm cạnh dự án, với vị trí đắc địa, Trường THCS Nguyễn Du, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên, liên tục được đưa vào “tầm ngắm”, dự án xong, mặt đường hình thành thì bỗng nhiên diện tích đất nhà trường đang quản lý bị đem ra “xẻ thịt”. Nào là khu nhà thương mại, chuỗi nhà hàng Âu - Á,… chen nhau áp sát.
Theo đó, tổng diện tích trường THCS Nguyễn Du được giao quản lý là 7.487m2, trong đó: Diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trên sổ số: 524925 ngày 07/8/2000 là 3.221,4m2 và 4.266m2 được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp theo Quyết định giao đất số: 2372/QĐ-UB ngày 02/10/2003 (phần diện tích đất này bao gồm diện tích thu hồi đất ao, đất màu của HTX Đội Cấn và phần đường dân sinh).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án đường Bắc Sơn thì chủ đầu tư cho máy móc đến tiến hành san ủi, lấy vào phần đất của nhà trường với lý do được giao xây dựng dự án đường Bắc Sơn và đường Minh Cầu kéo dài nối với đường Bắc Sơn trong khi đó nhà trường chưa nhận được bất cứ kiểm kê, kiểm đếm tài sản trên đất, xác định mốc giới từ các cơ quan chức năng cũng như các cấp chính quyền nào.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 30/06/2020
06:30, 29/06/2020
06:05, 26/06/2020
Phần diện tích đất trường THCS Nguyễn Du đang bị thiếu hụt, được cho là trùng khớp với phần diện tích chuỗi nhà hàng Âu – Á đang sở hữu và đây cũng là phần đất nhà đầu tư dựng lên với mục đích thương mại. Không chỉ có vậy, dư luận còn vô cùng quan ngại về mục đích “thâu tóm” đất vàng khi liên tục hơn 01 năm qua, trường THCS Nguyễn Du đứng trước nguy cơ phải đổi điểm trường, nhường cơ sở hạ tầng đạt chuẩn sang một địa điểm chật hẹp và thiếu thốn hạ tầng.
Được biết, khởi đầu trong các quyết định hành chính của dự án này là Quyết định số 1995/QĐ-UBND ngày 26/9/2007 của UBND tỉnh Thái Nguyên “phê duyêt quy hoạch chi tiết đường Bắc Sơn - Minh Cầu và khu dân cư mới phường Hoàng Văn Thụ”, lộ giới xây dựng từ 22m đến 27m, diện tích thu hồi cho dự án là hơn 16ha.
Sau gần 1 năm, ngày 23/8/2008 UBND tỉnh Thái Nguyên có Quyết định số 1083/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng con đường này và giao cho Công ty Xây dựng và San nền Thái Nguyên làm chủ đầu tư, nâng mức tổng đầu tư lên 106 tỷ đồng (bao gồm: đường giao thông, điện, nước).
Chỉ 2 tháng sau, UBND tỉnh Thái Nguyên lại ra Quyết định số 1672/QĐ-UBND, điều chỉnh quy hoạch dự án theo hướng tăng diện tích thu hồi đất lên 19,84 ha, thế nhưng, việc tăng diện tích này không phải để mở rộng hay kéo dài thêm đường Bắc Sơn - Minh Cầu mà là mở rộng thêm diện tích để xây các lô đất ở(?).
Lý giải về việc này, đại diện chủ đầu tư từng cho biết: trước đây tỉnh không tính diện tích đất tái định cư cho các hộ dân mất đất vào cùng diện tích của dự án, giờ tỉnh giao Chủ đầu tư lo bố trí đất tái định cư cho dân nên phải mở rộng thêm 3ha đất là hợp lý(?), theo vị đại diện này, có 375 hộ dân thuộc diện tái định cư do bị thu hồi đất để phục vụ dự án(?).
Cũng theo Quyết định số 1672/QĐ-UBND, trong tổng số hơn 19ha đất này thì chỉ có 39% dành cho xây dựng hạ tầng giao thông, còn 42% dành cho đất ở phân lô để bán đối ứng xây dựng hạ tầng(?), tổng mức đầu tư được nâng lên 209 tỷ đồng(?).
Vậy, quy trình thực hiện GPMB của dự án này cụ thể ra sao? Giá cả như thế nào? Đơn vị nào đứng ra GPMB? Tổng mức đầu tư và đất đối ứng có ngang giá?
Cũng liên quan đến dự án được đầu tư xây dựng theo hình thức BT, dự án đường Bắc Sơn kéo dài cũng đang vấp phải rất nhiều khiếu kiện liên quan đến quy trình GPMB, khiến người dân bất bình chưa bàn giao đất. Liệu có cần đến sự vào cuộc của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ?
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!