Doanh nghiệp “tố” chính quyền “gây khó” tại Thanh Hóa: “Bất cập” nào tồn tại?
Xoay quanh việc doanh nghiệp Nhất Duy tố cáo lãnh đạo UBND huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa “gây khó”, Luật sư cho rằng, vẫn còn nhiều “bất cập” cần phải được chính quyền làm rõ…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nhất Duy (Công ty Nhất Duy), có địa chỉ hoạt động sản xuất tại thôn Công Thương, xã Vạn Xuân (Thường Xuân, Thanh Hóa) – ông Phạm Đình Thắng đã có đơn tố cáo gửi đến cơ quan báo chí cầu cứu về việc chính quyền địa phương cố tính “gây khó” cho hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, những quyết định của UBND huyện Thường Xuân đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Theo đó, năm 2015, Công ty Nhất Duy; mã số thuế: 2801434595; có địa chỉ trụ sở chính tại: xóm 3, xã Triệu Thành, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký địa điểm sản xuất, kinh doanh tại thôn Công Thương, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Doanh nghiệp đã mua đất thổ cư, mua sắm thiết bị máy móc, đầu tư xây dựng cơ sở nhà xưởng, trạm điện, xe chuyên chở nguyên liệu, tuyển nhân công để phục vụ cho hoạt động khai thác, chế biến lâm sản băm dăm gỗ tận thu được quy định tại mục 1, 2 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Quá trình hoạt động của doanh nghiệp từ đó diễn ra vô cùng ổn định, tuy nhiên, đến năm 2017, UBND huyện Thường Xuân "bất ngờ" yêu cầu doanh nghiệp phải làm thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư mới cho hoạt động.
Từ chỉ đạo nêu trên, doanh nghiệp đã phải khiên cưỡng thực hiện, doanh nghiệp đã xin được chấp thuận chủ trương đầu tư, thế nhưng, trong quá trình hoàn thiện thủ tục hành chính, UBND huyện Thường Xuân lại chậm trễ cập nhật kế hoạch sử dụng đất cho doanh nghiệp, dẫn đến hồ sơ bị chậm hai tháng, đơn vị hành chính công của huyện tiếp nhận hồ sơ nhưng không trả kết quả.
Sau đó, thay vì tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ về mặt thủ tục hành chính, UBND huyện Thường Xuân lại có kiến nghị gửi UBND tỉnh không gia hạn chấp thuận chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp với nhiều lý do thiếu minh bạch, khách quan. Đặc biệt sau khi được UBND tỉnh đồng tình, UBND huyện đã ra lệnh cắt điện dừng hoạt động sản xuất, tháo dỡ máy móc... bất chấp việc doanh nghiệp đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư. Hệ lụy nhiều đơn hàng với đối tác nước ngoài phải hủy bỏ vì chậm tiến độ, doanh nghiệp lao đao gần 01 năm qua, khi hoạt động sản xuất phải dừng, máy móc bỏ hoang, nhưng chi phí hàng tháng vẫn phải chi đến 200 triệu đồng/tháng.
Đánh giá về thực trạng trên, Luật sư Lê Thị Hoài Tấn – Trưởng Văn phòng luật Tấn Phương (Thanh Hóa) cho biết: Vấn đề đặt ra ở đây là doanh nghiệp đang hoạt động bình thường trên đất thổ cư, không phải đất Nhà nước giao, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; không vi phạm pháp luật, không bị xử phạt hành chính,… thì không phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bởi, theo Luật sư Tấn: tại điểm a, b khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư 2014 quy định, UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất.
Vậy nên, đất trạm thu mua, sản xuất Vạn Xuân của Công ty Nhất Duy là đất phi nông nghiệp không thuê mượn từ Nhà nước nên không phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư.
Cũng theo Luật sư Tấn, quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai năm 2013; điểm b khoản 1 Điều 11 Thông tư số 02/2015/TT- BTNMT quy định chi tiết nghị định số 43/2014/NĐ-CP và nghị định 44/2014/NĐ-CP, thì doanh nghiệp sử dụng đất ở sang đất kinh doanh không phải xin phép cơ quan Nhà nước mà chỉ cần đăng ký biến động
"Ngoài ra, theo quy định tại điểm k Khoản 2 Điều 89, Luật Xây dựng năm 2014, công trình xây dựng ở nông thôn khu vực chưa có quy hoạch đô thị thuộc diện được miễn giấy phép xây dựng; và cũng theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư 2014, Công ty Nhất Duy hoạt động chế biến nông, lâm sản thuộc loại hình ngành nghề được ưu đãi đầu tư, đặc biệt, huyện Thường Xuân là một trong những địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư vì có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn" – Luật sư Tấn phân tích.
Vậy, những bất cập nào đang tồn tại phía sau câu chuyện doanh nghiệp “tố” chính quyền “gây khó”? Căn cứ nào cho những quyết định của UBND huyện Thường Xuân, buộc doanh nghiệp phải dừng hoạt động sản xuất?
Diễn đàn Doanh nghiệp xin chuyển những câu hỏi trên đến lãnh đạo UBND huyện Thường Xuân để tìm câu trả lời và sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!
Có thể bạn quan tâm