Từ việc "Công ty TNHH GFC Omega Việt Nam kêu cứu": Cần công khai các thủ tục hành chính

GIA NGUYỄN – VINH ĐỨC 12/08/2020 11:01

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT kiểm tra thông tin DĐDN nêu, công khai các thủ tục hành chính để không xảy ra trường hợp tương tự.

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 6498/VPCP-KSTT thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng sau khi có phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về đơn kêu cứu của Công ty TNHH GFC Omega Việt Nam.

 Công ty TNHH GFC Omega Việt Nam hiện đang tạm dừng hoạt động vì gặp nhiều khó khăn trong mùa dịch từ 20/5/2020 - 19/5/2021.

Công ty TNHH GFC Omega Việt Nam hiện đang tạm dừng hoạt động vì gặp nhiều khó khăn trong mùa dịch từ 20/5/2020 - 19/5/2021. Ảnh: Gia Nguyễn

Trước đó, ngày 02/8/2020, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có bài viết "Doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu bổ sung thức ăn chăn nuôi lao đao vì cấp phép", trong đó nêu nội dung thông tin: Công ty TNHH GFC Omega Việt Nam (Công ty Omega), kêu cứu về sự chồng chéo trong quản lý gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bất cập hay "bất nhất"?

Liên quan đến vụ việc của Công ty Omega, Cục Chăn nuôi – Bộ NNPTNT đã có Văn bản số 1226/CN-TĂCN ngày 24/7/2019 trả lời Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan về việc quản lý, cấp phép mặt hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu chứa axit Formic. Trong đó khẳng định, nguyên liệu nhập khẩu của Công ty Omega là đúng quy trình, đúng pháp luật và không cần phải xin phép Cục Hóa chất – Bộ Công Thương.

Thế nhưng, tại chính các văn bản của mình, thay vì gỡ khó cho doanh nghiệp, Cục Hoá chất - Bộ Công Thương lại cho thấy sự chồng chéo, khiến doanh nghiệp đã khó lại chồng khó, ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến Công ty Omega tại thời điểm đó, còn trở thành căn cứ tiền lệ cho Cơ quan Hải quan xử phạt hàng loạt các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đi ngược lại Văn bản số 1372/HC-VP hướng dẫn chi tiết quy định của Luật Hoá chất mà Cục này đã ban hành.

Cụ thể, ngày 28/02/2020, Cục Hoá chất có Văn bản số 162/HC-QLHC gửi Tổng cục Hải quan và gửi Công ty Omega hướng dẫn thì mặt hàng thức ăn chăn nuôi có chứa Axit formic nhỏ hơn hoặc bằng 5% của doanh nghiệp có thể áp dụng theo Công văn 1372/HC-VP ngày 08/12/2017 sẽ không phải xin phép Cục Hóa chất – Bộ Công Thương và không phải bị xử phạt hành chính.

Tuy nhiên, chưa được bao lâu, ngày 14/5/2020, Bộ này lại tiếp tục có công văn số 3425/BCT-HC gửi Bộ Tài chính thay thế Công văn số 376/HC-QLHC và 163/HC-QLHC, qua đó, nội dung văn bản cho rằng mặt hàng hỗn hợp thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp phải xin phép và doanh nghiệp sai khi không xin phép Bộ này.

Trước những văn bản này của Cục Hoá chất - Bộ Công Thương tại cuộc đối thoại giữa các bên, bản thân đại diện Bộ NN&PTNT cũng cảm thấy bất ngờ…

Thủ tục vòng vèo?

Trao đổi với PV, ông Bùi Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Omega cho hay: Vụ việc của Công ty chúng tôi diễn ra cũng lâu rồi, Công ty cũng đã có đơn thư gửi các cơ quan quản lý, các đơn vị nhưng vẫn chưa được giải quyết. Cục Hoá chất - Bộ Công Thương cũng đã có văn bản công nhận các mặt hàng nguyên liệu Công ty nhập khẩu không phải xin cấp phép của Cục Hóa chất nữa, nhưng Công ty vẫn phải chịu mức xử phạt về lô hàng nguyên liệu đó.

"Vậy, các cơ quan chức năng căn cứ quy định nào để xử phạt chúng tôi?" - ông Tuấn đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Tuấn, sự việc của Công ty Omega chỉ là một, còn biết bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi khác cũng phải nhập loại nguyên liệu này, thay thế kháng sinh trong sản xuất, không có những thủ tục, chính sách nhất quán, thì các doanh nghiệp sẽ đều rơi vào tình trạng tương tự của Omega.

Sự chồng chéo này có phải là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp phaỉ "tạm dừng hoạt động"? Bởi theo thông tin đã được Chi cục Thuế huyện Hoài Đức xác nhận, Công ty Omega đã xin phép tạm dừng kinh doanh có thời hạn từ 20/5/2020 đến 19/5/2021, với lý do dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng tới kinh doanh.

Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ:

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp về Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính là vô cùng lớn. Việc tích hợp các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu không chạy theo số lượng mà quan trọng là phục vụ người dân, hiệu quả nhất. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng giao VPCP kiểm tra toàn bộ quy trình thủ tục rồi mới đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Nếu còn kẹp giấy tờ con để tạo “xin- cho” thì phải bỏ hết, phải cải cách rồi mới đưa lên Cổng. Ngay cả thủ tục nào đã đưa lên mà thời gian sau đó không có hồ sơ do người dân thực hiện thì cũng xin phép gỡ bỏ khỏi Cổng.

Luật sư Vũ Hữu Thức - Đoàn Luật sư Hà Nội:

Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản đã có những quy định rõ ràng về tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu đăng ký thức ăn chăn nuôi nhập khẩu được phép lưa hành tại Việt Nam phải nộp hồ sơ đến Cục Chăn nuôi để được thẩm định, xác nhận và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo đó, việc Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp phải xin giấy phép của Cục Hóa chất là chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra thông tin DĐDN nêu về việc cấp phép nhập khẩu nguyên liệu bổ sung thức ăn chăn nuôi

    Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra thông tin DĐDN nêu về việc cấp phép nhập khẩu nguyên liệu bổ sung thức ăn chăn nuôi

    19:10, 10/08/2020

  • Doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu bổ sung thức ăn chăn nuôi lao đao vì cấp phép

    Doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu bổ sung thức ăn chăn nuôi lao đao vì cấp phép

    05:05, 02/08/2020

GIA NGUYỄN – VINH ĐỨC