Gia Lai: Doanh nghiệp điện mặt trời mái nhà lo... vỡ nợ

MAI CHIẾN 13/10/2021 16:00

Việc liên tục phải tiết giảm, sa thải công suất phát điện đã khiến nguồn thu từ điện mặt trời áp mái của các nhà đầu tư tại Gia Lai sụt giảm nghiêm trọng.

Sự việc khiến cho các tính toán ban đầu của nhà đầu tư rơi vào khủng hoảng và có nguy cơ vỡ nợ. 

 Dự án điện mặt trời được thực hiện với 80% vốn đi vay của doanh nghiệp

Dự án điện mặt trời được thực hiện với 80% vốn đi vay của doanh nghiệp

Ngày 20-9, Công ty Điện lực Gia Lai có Công văn số 3175/GLPC-ĐĐ+KD gửi các đơn vị Điện lực trực thuộc về phương án huy động nguồn điện mặt trời mái nhà. Công ty Điện lực Gia Lai giảm công suất huy động đối với tất cả các hệ thống điện mặt trời đấu nối vào lưới điện trung áp, hạ áp của Công ty từ ngày 20 đến 26-9. Đối với các khách hàng điện mặt trời có sử dụng điện để sản xuất kinh doanh thì tiết giảm 50% công suất phát ngược lên lưới. Điều này đã tạo cú sốc lớn đối với các nhà đầu tư điện mặt trời tại Gia Lai, bởi trước đây Điện lực Gia Lai thường xuyên cắt giảm công suất, nhưng chưa bao giờ làm như vậy.

Nhà đầu tư đứng trước nguy cơ phá sản

Quản lý Công ty TNHH MTV Tiến Minh Gia Lai, ông Phan Minh Thơ cho biết “Công ty đã đầu tư trang trại điện mặt trời tại thị trấn Ia Kha, doanh nghiệp đã mạnh dạn vay 12 tỷ đồng để đầu tư xây dựng dự án gần 1MWp. Trung bình hàng tháng phải trả nợ gốc 150 triệu đồng, tiền lãi ngân hàng 100 triệu đồng. Với tình trạng tiết giảm, sa thải công suất điện như hiện nay thì với sản lượng điện bán ra, công ty thu về khoảng 200 triệu đồng/tháng. Số tiền này không đủ để trả nợ vay ngân hàng và các chi phí tiền nhân công vận hành, duy tu, bảo dưỡng”.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, Ông Đinh Tấn Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tây Hiệp Phát thông tin: “Công ty chúng tôi là công ty liên danh, để đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái có công suất 3 MWp với chi phí đầu tư gần 45 tỷ đồng. Vốn tự có chỉ có 20% trong đó, tiền vay ngân hàng chiếm đến 80%. Bình quân đơn vị sẽ thu về gần 200 triệu đồng/1MWp/tháng. Sau khi trừ lãi suất ngân hàng 100 triệu đồng/MWp, số còn lại sử dụng vào chi phí vận hành và trả lãi các khoản vay ngoài. Tuy nhiên, với việc Công ty Điện lực Gia Lai cắt giảm 50% công suất thì doanh nghiệp chỉ thu đủ tiền trả lãi cho ngân hàng, không có chi phí cho vận hành và các khoản trả lãi huy động vốn bên ngoài, chưa kể chi phí trả một phần tiền gốc cho ngân hàng nên sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản”.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai - ông Phạm Văn Binh cho hay “Về phía Sở Công Thương đã ra công văn yêu cầu Công ty Điện lực phải báo cáo kế hoạch tiết giảm, thời gian tiết giảm và công khai minh bạch việc tiết giảm này trên các phương tiện thông tin đại chúng, website… tránh gây phản ứng, thất thu cho các doanh nghiệp”.

Theo thống kê, toàn tỉnh Gia Lai hiện có gần 3.250 hệ thống điện mặt trời với giá trị đầu tư lên đến 8.400 tỷ đồng. Công suất được đấu nối lên lưới điện với hơn 600 MWp, vượt khả năng truyền tải của hạ tầng lưới điện. Phân tích về vấn đề này, ông Phạm Văn Binh cũng cho rằng nhu cầu dùng điện không cao do tính toán phụ tải chưa chính xác, kéo theo doanh nghiệp bị tiết giảm công suất quá lớn. Từ đó, việc vận hành phát điện của các doanh nghiệp không đủ bù đắp lại các chi phí quản lý vận hành, trả vốn vay ngân hàng và các chi phí khác. Nếu như vấn đề này không được xử lý một cách sớm nhất thì nguy cơ phá sản hoặc sẽ dẫn đến mất trật tự an toàn xã hội nên các doanh nghiệp gửi đơn lên các cấp chính quyền.

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh kiến nghị

Để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và các chủ đầu tư, ông Nguyễn Tuấn – Phó Chủ tịch thường trực và Tổng thư ký hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai cũng cho hay “Sau khi nắm được vấn đề, Hiệp hội cũng đã làm đơn gửi VCCI để kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền với ba điểm nhấn mạnh:

Đối với Điện lực Việt Nam (EVN) phải công khai minh bạch thông tin thực tế về tỷ lệ giảm tiêu thụ điện năng trong tình hình dịch bệnh COVID-19. tiết giảm phải đảm bảo công bằng đối với các loại hình sản xuất điện thương mại: Điện gió, thuỷ điện, điện mặt trời nối lưới quy mô lớn.... điện lực không được đơn phương vi phạm hợp đồng, làm các chủ đầu tư gặp khó khăn.

Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để chia sẻ khó khăn đối với các nhà đầu tư ĐMTMN trong bối cảnh đại dịch COVID-19: Đề nghị NHNN xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện giảm lãi suất cho vay dự án điện mặt trời mái nhà.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: chỉ đạo các bộ ngành phối hợp kiểm tra, xem xét và có ý kiến chỉ đạo EVN theo dõi tính toán kết quả thực hiện, nghiên cứu hoạch định chiến lược quy hoạch phát triển các loại hệ thống điện đảm bảo tinh công bằng, bình đẳng, minh bạch, các bên cùng có lợi khi đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả, giảm lãng phí tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực xã hỏi. Tháo gỡ khó khăn cho các nhà dầu tư điện mặt trời mái nhà để đảm bảo cho Nhà đầu tư tồn tại vượt qua khó khăn...

Có thể bạn quan tâm

  • Sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp

    Sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp

    01:00, 07/09/2021

  • Còn nhiều bất cập khi triển khai dự án điện mặt trời mái nhà

    Còn nhiều bất cập khi triển khai dự án điện mặt trời mái nhà

    02:44, 04/09/2021

  • Thẩm định dự án điện mặt trời mái nhà gặp nhiều khó khăn

    Thẩm định dự án điện mặt trời mái nhà gặp nhiều khó khăn

    02:38, 04/09/2021

  • Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Thiếu hành lang pháp lý

    Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Thiếu hành lang pháp lý

    03:30, 03/09/2021

  • Cơ chế hỗ trợ nào cho điện mặt trời mái nhà?

    Cơ chế hỗ trợ nào cho điện mặt trời mái nhà?

    04:15, 01/09/2021

  • Doanh nghiệp điện mặt trời mái nhà chờ giá FIT 3

    Doanh nghiệp điện mặt trời mái nhà chờ giá FIT 3

    02:27, 01/09/2021

MAI CHIẾN