Chính sách chưa theo kịp nhu cầu thực tế đang khiến các nhà đầu tư lúng túng, thậm chí đối mặt với rủi ro trong việc đầu tư vào điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp.
Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có khoảng 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới 9.296MWp và tổng sản lượng phát lên lưới từ điện điện mặt trời mái nhà luỹ kế đến nay đạt hơn đạt 1,15 tỷ MWh góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Thiếu hướng dẫn
Tuy nhiên, sang năm 2021, ngoài việc chờ đợi chính sách mới, các nhà đầu tư và doanh nghiệp có nhu cầu được lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà đang gặp nhiều vướng mắc khi triển khai mô hình này, đặc biệt là nhà đầu tư trong các khu công nghiệp.
Trả lời vướng mắc của các doanh nghiệp liên quan đến đánh giá tác động môi trường (ĐTM), ông Nguyễn Thế Hưng, chuyên viên Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Hiện nay Bộ Tài Nguyên và Môi trường chỉ đánh giá ĐTM với các nhà máy phong điện, quang điện có diện tích từ 200ha trở lên.
“Thực tế là hiện nay, nhiều khu công nghiệp có ĐTM rồi nhưng khi bổ sung lắp đặt điện mặt trời mái nhà vẫn phải thực hiện đánh giá ĐTM bổ sung vì hầu hết các khu công nghiệp trước đây đều không đăng kí ngành nghề kinh doanh điện và truyền tải điện. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời để dùng sản xuất trong khu công nghiệp thì khu công nghiệp đó phải lập lại báo cáo ĐTM. Bộ TNMT chỉ thực hiện chức năng quản lý môi trường của khu công nghiệp chứ không quản lý doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Do vậy, nhiệm vụ lập lại báo cáo ĐTM là trách nhiệm của KCN chứ không phải của doanh nghiệp”, ông Hưng nhấn mạnh.
Liên quan đến quy định phòng cháy, chữa cháy, theo ông Đoàn Tự Lập, Trưởng phòng thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy - Cục Cảnh sát PCCC Cứu nạn cứu hộ: Hiện chưa có quy chuẩn, quy định với các dự án điện mặt trời mái nhà. Do đó, gây khó khăn cho các cơ quan thẩm định, địa phương, kiểm tra an toàn khi nghiệm thu hoặc kiểm tra trong quá trình vận hành dự án điện mặt trời mái nhà. Khi chủ đầu tư xây dựng điện mặt trời mái nhà thì mua thiết bị kèm theo các nhà cung cấp theo tiêu chuẩn đó. Để tránh gây lúng túng cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Bộ KH&CN cần sớm ban hành tiêu chuẩn của Việt Nam cho thống nhất.
Chưa có đầu ra
Một trong những yếu tố quan trọng để các nhà doanh nghiệp quyết định đầu tư là chính sách giá mua điện. Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Việc đầu tư điện áp mái nếu đấu nối vào lưới điện của EVN thì phải có thoả thuận.
Hiện nay chưa có quy định về giá nhưng Dự thảo Quyết định của thủ tướng về phát triển năng lượng tái tạo nói chung trong đó có điện mặt trời đang được soạn thảo sẽ đi vào bản chất, phục vụ sử dụng tại chỗ và các hộ lân cận 80-90% để không tạo thêm áp lực đầu tư lưới điện truyền tải. Phần điện dư có thể bán cho EVN bằng khung giá do Bộ Công Thương ban hành hằng năm để đảm bảo sát với giá thị trường, không phải là giá FIT cố định như trước đây.
Về vấn đề đấu nối với EVN, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban kinh doanh Tập đoàn EVN khẳng định: EVN luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với nhà đầu tư và công khai thủ tục trên mạng, cập nhật hằng ngày. Giao dịch giữa chủ đầu tư và EVN có thể rút gọn 2 ngày. Chúng tôi chưa thấy có ý kiến phàn nàn về ngành từ phía chủ đầu tư.
Ông Dũng cũng khuyến nghị doanh nghiệp lưu ý khả năng truyền tải của lưới điện trong khu vực đầu tư vì có thời điểm doanh nghiệp dư thừa phải phát lên lưới điện. Đồng thời xem xét đối tác mua bán điện là ai, bởi hiện nay có trên 700 tổ chức mua bán điện nhưng theo quy định hiện hành, giá bán điện đều được quy định cho EVN và các dơn vị trực thuộc EVN mà không nhắc đến các đơn vị khác. Vì vậy cần trao đổi với các tổ chức bán điện trung gian xem có phù hợp hay không?.
Ông Đào Du Dương - Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Tại TP Hồ Chí Minh
Thực tế cho thấy, ngành điện chưa chủ động đưa ra được các quy định lien quan đến điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp, trong khi các cơ quan quản lý lung túng, vô tình gây ra khó khăn cho nhà đầu tư. Điều này đi ngược lại chủ trương của Chính phủ là cắt giảm thủ tục hành chính .
Vì vậy, về lâu dài và ngành điện cần chủ động nâng cao khả năng điều tiết, vận hành, và công tác dự báo để điện mặt trời không phải là gánh nặng mà trở thành nguồn lực quan trọng cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Các nhà đầu tư không cần cơ chế khuyến khích mà mong muốn sử dụng cơ chế thúc đẩy phát triển bởi định danh đúng thì mới có giải pháp đúng.
Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung Tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GrrenID):
Doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp đang gặp nhiều rào cản từ pháp luật hiện hành được xây dựng cách đây cả chục năm. Tiềm năng của điện mặt trời rất lớn nhưng để đúng từ chủ trương tới thực hiện, cần lắng nghe doanh nghiệp, xem xét thay đổi để dung dưỡng nguồn đầu tư từ nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Hiện nay sản nhu cầu điện có thể giảm nhưng sau đại dịch chắc chắn sẽ tăng cao. Chính vì vậy sách cần có tính dự báo, ổn định, làm sao người dân và doanh nghiệp được làm những điều pháp luật không cấm.
Có thể bạn quan tâm
Cơ chế hỗ trợ nào cho điện mặt trời mái nhà?
04:15, 01/09/2021
Doanh nghiệp điện mặt trời mái nhà chờ giá FIT 3
02:27, 01/09/2021
Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Thiếu hành lang pháp lý
20:27, 31/08/2021
Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập
17:19, 30/08/2021
Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: "Khoảng trống" giá FIT
15:08, 30/08/2021
Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Nhiều bất cập trong lắp đặt
14:50, 30/08/2021
Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Kiến nghị phương án cấn trừ sản lượng điện
14:37, 30/08/2021
Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Cần quy định rõ ràng về thủ tục lắp đặt
14:15, 30/08/2021