Doanh nghiệp có nhu cầu được lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà đang gặp nhiều vướng mắc khi triển khai mô hình này, đặc biệt là nhà đầu tư trong các khu công nghiệp.
Phát biểu tại Toạ đàm, đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhận định rằng nguồn điện từ năng lượng tái tạo góp phần quan trọng để đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Trong vài năm qua, rất nhiều doanh nghiệp đã sử dụng điện mặt trời mái nhà trong hoạt động kinh doanh sản xuất, nhằm giảm chi phí sử dụng điện, cũng như góp phần tạo lợi thế về xuất khẩu và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp có nhu cầu được lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà đang gặp nhiều vướng mắc khi triển khai mô hình này, đặc biệt là nhà đầu tư trong các khu công nghiệp.
Các khó khăn có thể kể đến: việc EVN ngừng mua điện dư thừa phát lên lưới do chưa có chính sách giá mua mới của Chính phủ (gọi tắt là FiT3) thì hiện tại, triển khai thi công hệ thống điện áp mái trong khu công nghiệp, đang gặp rất nhiều khó khăn vì các yêu cầu liên quan đến thủ tục cấp phép đầu tư và xây dựng; yêu cầu báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với ngành nghề sản xuất điện…
Tại phần Thảo luận của Toạ đàm "Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và GreenID tổ chức chiều nay (30/8), đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia đã có đưa ý kiến nhằm tháo gỡ những bất cập cho doanh nghiệp.
- Cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà đều hết hiệu lực, các doanh nghiệp xây dựng pin mặt trời để tự cung cấp cho doanh nghiệp mà không bán điện cho EVN thì có được không? Và các doanh nghiệp có được bán điện cho hộ dân lân cận hay cùng khu công nghiệp hay không?
Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương):
Việc đầu tư điện áp mái nếu đấu nối vào lưới điện của EVN thì phải có thoả thuận. Về các chính sách thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và tận dụng tối đa hạ tầng lắp đặt điện mặt trời áp mái và phù hợp với nhu cầu sử dụng tại chỗ. Phần chênh lệch đó có thể bán cho lưới điện thì phần giá điện chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu làm sao có cơ chế để tận dụng tốt, hài hoà với việc mua điện của EVN hoặc đơn vị khác. Tránh tình trạng lợi dụng chính sách, làm rõ và khích lệ cho các nhà đầu tư khai thác tốt trên hạ tầng có sẵn.
- Khi nào cơ chế hỗ trợ cho điện mặt trời mái nhà có và khi nào có giá FIT 3?
Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương)
Về giá FIT chúng tôi đang xây dựng quy định. Ngoài đảm bảo nhu cầu của chính nhà đầu tư thì đảm bảo nguyên lý phân tán không phải lên lưới EVN tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.
Giá bán sẽ không cố định và nếu có sẽ cho bán điện dư với giá bán theo khung giá khác. Chúng tôi đang nghiên cứu khung giá này và Bộ Công Thương sẽ ban hành khung giá hàng năm. Chúng tôi sẽ không đi theo cơ chế bù trừ trong năm.
- Khu công nghiệp có báo cáo tác động môi trường (ĐTM) nhưng khi xây dựng điện mặt trời áp mái vẫn phải làm lại báo cáo theo Nghị định 40/2019?
Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương):
Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải có các ngành nghề đầu tư trong khu công nghiệp, các ngành này có thể phát sinh ô nhiễm và có tính tác động lẫn nhau khi được xây dựng trong cùng khu, do đó, trong đề xuất xây dựng điện mặt trời áp mái khu công nghiệp thì chủ đầu tư khu công nghiệp phải lập lại báo cáo tác động môi trường và liệt kê các ngành nghề dự kiến tại khu công nghiệp. Chúng tôi rất chia sẻ với doanh nghiệp.
Theo Luật Đầu tư, khi các chủ đầu tư công nghiệp thực hiện dự án điện mặt trời áp mái phải bổ sung ngành nghề kinh doanh điện, do đó, phải bổ sung ĐTM bổ sung.
Ông Đoàn Tự Lập - Trưởng phòng thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy - Cục Cảnh sát PCCC Cứu nạn cứu hộ:
Tính chất nguy hiểm cháy với dự án điện mặt trời mái nhà thường có trong các vị trí đấu nối và phát sinh cháy nổ trong quá trình sản xuất điện. Hiện chưa có quy chuẩn, quy định với các dự án điện mặt trời mái nhà. Do đó, gây khó khăn cho các cơ quan thẩm định, địa phương, kiểm tra an toàn khi nhiệm thu hoặc kiểm tra trong quá trình vận hành dự án điện mặt trời mái nhà.
Tuy nhiên, Cục Cảnh sát PCCC Cứu nạn cứu hộ đã chủ động lấy căn cứ để áp dụng. Cụ thể, về đối tượng kiểm duyệt dù đã có quy định như trong Nghị định 136/2020 về kiểm duyệt với các dự án nhà máy điện mặt trời, còn điện mặt trời áp mái đã có thống nhất khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà phải nhiệm thu theo phụ lục 5 thì phải kiểm duyệt. Còn nếu không lắp đặt trên các thiết bị thuộc phụ lục 5 thì không phải kiểm duyệt.
Các giải pháp lưu ý, trong các quy trình với nhà công nghiệp, nhà sản xuất phải có các giải pháp tiếp cận để xử lý nếu xảy ra sự cố cháy nổ thiết bị trên phần mái.
Khi chủ đầu tư xây dựng điện mặt trời mái nhà thì mua thiết bị kèm theo các nhà cung cấp theo tiêu chuẩn đó. Việt Nam chưa ban hành riêng của Việt Nam cũng gây ra lúng túng cho doanh nghiệp thực hiện. Bộ Công Thương, Bộ KHCN sớm ban hành tiêu chuẩn của Việt Nam cho thống nhất.
- Việc cấp phép đấu nối với dự án điện mặt trời mái nhà như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực VN (EVN):
Chính phủ chưa có chính sách mua điện với các dự án điện mặt trời áp mái sử dụng cho các khu công nghiệp nên chúng tôi chưa biết trả tiền như thế nào. Do đó đối với các khu công nghiệp đấu nối vào lưới thì sẽ có trường hợp chúng ta phát lên lưới. Với thời điểm công suất sử dụng thấp như hiện nay thì việc phát lên lưới sẽ gây nguy hiểm cho an ninh lưới điện. Còn nhà dân phát lên rất nhỏ nên mức độ ảnh hưởng không cao. Do đó, chúng tôi vẫn đang chờ hướng dẫn.
Nhu cầu năng lượng tăng rất cao, sức ép về năng lượng và an ninh năng lượng rất lớn. Việc phát triển năng lượng sạch năng lượng tái tạo là vô cùng quan trọng, giải quyết được nguồn năng lượng hiện nay, nâng cao sự cạnh tranh cho các doanh nghiệp. EVN luôn công khai minh bạch với các nhà đầu tư. Các thủ tục đều được hướng dẫn chi tiết đầy đủ và giải quyết nhanh chóng liên quan tới thoả thuận đấu nối. Tập đoàn sẵn sàng hỗ trợ những đấu nối cho các nhà đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: "Khoảng trống" giá FIT
15:08, 30/08/2021
Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Nhiều bất cập trong lắp đặt
14:50, 30/08/2021
Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Kiến nghị phương án cấn trừ sản lượng điện
14:37, 30/08/2021
Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Cần quy định rõ ràng về thủ tục lắp đặt
14:15, 30/08/2021
[TRỰC TIẾP] Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt
14:00, 30/08/2021
"Gỡ vướng" cho điện mặt trời mái nhà tại khu công nghiệp
06:00, 30/08/2021
Điện mặt trời mái nhà cần "khơi thông" về thủ tục
05:00, 27/08/2021
30/08: Tọa đàm "Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt"
06:00, 24/08/2021