Nguồn điện mặt trời đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Trong đó nguồn năng lượng từ hệ thống điện mái nhà đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sang năm 2021, bên cạnh việc chờ đợi các chính sách mới, cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp gặp một số vướng mắc khi triển khai mô hình này, đặc biệt trong các khu công nghiệp.
Để rõ hơn về những bất cập trong việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại một số khu công nghiệp không được lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Trung, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Phát triển Dự án của Nami Solar về vấn đề này.
- Thưa ông, sử dụng điện mặt trời mái nhà trong hoạt động kinh doanh và sản xuất đã đem lại những lợi ích như thế nào cho doanh nghiệp?
Điện mặt trời mái nhà không chỉ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí sử dụng điện, mà còn đảm bảo về lợi thế hỗ trợ xuất khẩu và bảo vệ môi trường. Thời gian tới tiêu thụ năng lượng sạch còn nằm trong mục tiêu thực hiện "chứng chỉ xanh" trong khu công nghiệp.
Đối với doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư nhà máy, để đạt “chứng chỉ xanh” theo tiêu chuẩn quốc tế LEED, LOTUS hay EDGE, doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần có định hướng ngay từ khâu phát triển dự án về sử dụng năng lượng, nguồn nước và nguyên vật liệu sản xuất...
Đối với các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh, mô hình điện mặt trời mái nhà là lựa chọn nhanh và đơn giản nhất để hướng đến mục tiêu “xanh hóa” vì các lợi thế sau: Thứ nhất, doanh nghiệp tận dụng mặt bằng mái có sẵn, không chiếm đất, không phát sinh chi phí cơ sở hạ tầng. Thứ hai, điện mặt trời được phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về sử dụng năng lượng sạch mà các thương hiệu lớn và các thị trường xuất khẩu lớn đang đặt ra cho chuỗi cung ứng của mình.
Thứ ba, thời gian lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống điện mặt trời mái nhà chỉ khoảng 2 tháng, việc vận hành đơn giản và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất chính của doanh nghiệp. Thứ tư, điện mặt trời mái nhà có giá thấp hơn giá điện doanh nghiệp mua của EVN. Thứ năm, doanh nghiệp áp dụng một hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất 1MWp có thể giúp giảm 1.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm, tương đương việc trồng mới 33.000 cây xanh. Và lợi ích lớn cuối cùng, điện mặt trời mái nhà góp phần đảm bảo nguồn cung cấp điện tại chỗ cho các trung tâm phụ tải lớn như các khu công nghiệp, nơi hay phải đối diện với nguy cơ thiếu điện và gián đoạn sản xuất.
- Việc lắp đặt điện mặt trời mái nhàtrong khu công nghiệp hiện đang gặp một số vướng mắc xung quanh vấn đề lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Thậm chí, có tỉnh đã ra chỉ thị yêu cầu doanh nghiệp trong khu công nghiệp ngừng lắp đặt điện mặt trời mái nhànếu chưa có ĐTM. Yêu cầu này đã và đang tác động thế nào tới hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, thưa ông?
Như tôi đã nói ở trên, nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp buộc phải sử dụng năng lượng sạch để tiếp tục xuất khẩu. Lựa chọn duy nhất của các doanh nghiệp ở thời điểm này và trong thời gian tới là mục đích được lắp điện mặt trời mái nhà.
Tuy nhiên hiện một vài địa phương có cách hiểu chưa thống nhất và chưa cho phép lắp đặt điện mặt trời mái nhà khi chưa có ĐTM toàn khu. Rào cản này gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu và cản trở các doanh nghiệp trong việc tiếp các các lợi ích mà điện mặt trời mái nhà có thể mang lại.
Trong thực tế, các dự án điện mặt trời mái nhà có quy mô nhỏ, được lắp đặt trên mái các công trình nhà xưởng đã được hình thành trong phạm vi khu công nghiệp. Điện mặt trời mái nhà thực chất mang lại rất nhiều lợi ích về môi trường như đã trình bày ở trên. Theo Luật Bảo vệ Môi trường hiện hành, điện mặt trời mái nhà cũng không thuộc bất kỳ phân loại nhóm nào có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo quy định chung về danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Do đó, yêu cầu lập lại ĐTM toàn khu đối với khu công nghiệp chỉ vì có hoạt động phát điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà là chưa phù hợp.
- Được biết Bộ Tài Nguyên Môi trường đang gấp rút soạn thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi 2020. Doanh nghiệp sẽ cần những hướng dẫn cụ thể như thế nào để có thể triển khai điện mặt trời mái nhàtại khu công nghiệp, thưa ông?
Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi 2020 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Cộng đồng doanh nghiệp rất mong muốn các vấn đề còn tồn đọng từ Nghị định 40/2019/NĐ-CP sẽ được tháo gỡ thông qua Nghị định mới. Cụ thể, doanh nghiệp kiến nghị Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi 2020 quy định rõ chủ đầu tư khu công nghiệp chỉ có nghĩa vụ tiến hành lập lại ĐTM trong trường hợp khu công nghiệp bổ sung những ngành nghề, dự án thuộc danh mục có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
Nói cách khác, nghĩa vụ lập lại ĐTM không nên áp dụng cho việc bổ sung các ngành nghề không thuộc danh mục tác động xấu đến môi trường như điện mặt trời mái nhà. Quy định càng cụ thể, càng hạn chế được tình trạng bất cập về việc diễn giải áp dụng thực hiện tại các địa phương.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
30/08: Tọa đàm "Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt"
06:00, 24/08/2021
Điện mặt trời mái nhà "ngóng" hướng dẫn mới
04:00, 29/06/2021
Rà soát, thanh tra về điện mặt trời mái nhà
11:00, 18/02/2021
Bùng nổ điện mặt trời mái nhà: Khó khăn trong vận hành hệ thống điện
02:30, 02/01/2021
Vì sao EVN dừng mua điện mặt trời mái nhà?
11:00, 28/12/2020