Kêu trời vì lệnh cấm Quảng Nam - Bài 3: Liệu có lãng phí trong đầu tư công?

NGUYỄN HOÀNG 03/08/2023 03:30

Nhiều người cho rằng lệnh cấm xe tải trọng trên 5 tấn trên tuyến đường ven biển 129 (Võ Chí Công) của Quảng Nam sẽ dẫn đến mất nhiều hơn được và vô cùng lãng phí trong đầu tư công.

>Hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam: Nên bắt đầu từ đâu?

Tuyến giao thông huyết mạch đường 129 (Võ Chí Công) được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước là tuyến đường nối hai cảng biển và sân bay 2 tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng. Khi đường hoàn thành với 4 làn xe, nhưng chính quyền Quảng Nam giới hạn tải trọng trên 5 tấn là vô cùng lãng phí.

Chiến lược phát triển kinh tế của Quảng Nam định hướng trong đầu tư công là tập trung mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng khung chiến lược. Đặc biệt là giao thông để tạo bước đột phá phát triển kinh tế vùng Đông của tỉnh như Nghị quyết của Đảng bộ Quảng Nam kỳ vọng.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Anh Khoa trong một lần trò chuyện mới đây khi hay tin tuyến đường ven biển 129 được chính quyền địa phương cấm tải trọng trên 5 tấn đã khiến ông khá bất ngờ. Theo dõi tại nhiều hội thảo khoa học ông đã hết lời ca ngợi lãnh đạo Quảng Nam đã biết nhìn xa trông rộng khi tập trung đầu tư công vào lĩnh vực giao thông khớp nối cảng biển, cảng hàng không và các tuyến đường ngang từ biển xuyên biên giới trên hành lang kinh tế Đông Tây là chiến lược đầu tư khôn ngoan và phát triển bền vững lâu dài.

a

Vì lệnh cấm, tuyến đường nghìn tỷ đến nay vẫn vắng vẻ.

Tuy nhiên, như lời ông nói trong tiếng thở dài và lắc đầu là không hiểu vì sao hạ tầng khung chiến lược giao thông như đường 129 được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách hàng nghìn tỷ đồng lại cấm xe tải trọng trên 5 tấn là không hợp lý. Theo vị này, đây là sự lãng phí rất lớn trong đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách. Bởi đây là tuyến đường đa mục tiêu: cứu nạn cứu hộ mùa mưa lũ và tuyến đường phát triển kinh tế, du lịch, thương mại dịch vụ.

"Trên thế giới cũng như ở Việt Nam chưa thấy nơi nào như Quảng Nam, vốn đầu tư công xây dựng đường 4 làn xe lại đi cấm tải trọng trên 5 tấn. Phải chăng tuyến đường 129 ven biển đầu tư hàng nghìn tỷ đồng giống như đường giao thông nông thôn. Mà giao thông nông thôn nếu rộng 7m chỉ cấm tải trọng trên 10 tấn", TS Nguyễn Anh Khoa nhấn mạnh.

Hàng trăm doanh nghiệp và người dân đã nhắn tin, gọi điện và đặt câu hỏi: Liệu tuyến đường 129 Võ Chí Công đầu tư hàng nghìn tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước khi hoàn thành đưa vào sử dụng, tỉnh Quảng Nam ban bố lệnh cấm tải trọng trên 5 tấn liệu có lãng phí đầu tư công? Và lệnh cấm này mang lại lợi ích gì cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp?

Câu trả lời không hề giản đơn, xin nhường lại cho các nhà kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và chính quyền địa phương Quảng Nam. Tuy nhiên, theo người dân sinh sống dọc theo hai bên tuyến đường và hàng nghìn doanh nghiệp vận tải tính toán bằng con số cộng trừ rằng sau khi lệnh cấm tải trọng trên tuyến đường này, tất cả vật tư thiết yếu từ xăng dầu (khi chưa có giấy phép vận chuyển), vật liệu xây dựng đã đồng loạt tăng giá gấp 2 lần và người dân lãnh đủ.

Anh Nguyễn Tấn Trung, tài xế xe tải cũng như hàng trăm người dân khác bảo: "Thấy đường to, bà con cứ tưởng rồi đây quê mình đổi đời, hàng hóa dịch được lưu thông chắc đời sống sẽ khá hơn nhờ vào tuyến đường này. Ai ngờ, lệnh cấm tải trọng trên 5 tấn hôm đầu năm đến nay đã khiến bà con tui mất công ăn việc làm".

Không chỉ mất công ăn việc làm của một bộ phận người dân, mà ngay cả sản xuất, kinh doanh đều gặp khó. Bởi nhiều đơn hàng xuất khẩu sản xuất tại địa phương muốn đưa về cảng phải trung chuyển bằng xe nhỏ khiến đội giá thành.

Doanh nghiệp, người dân lao đao vì lệnh cấm của địa phương.

Doanh nghiệp, người dân lao đao vì lệnh cấm của địa phương.

Vậy với lệnh cấm tải trọng trên 5 tấn qua đường 129 Võ Chí Công ai được, ai mất? Câu hỏi được người dân và doanh nghiệp trả lời ngay: Người dân và doanh nghiệp mất nhiều hơn được hưởng lợi vì đình trệ sản xuất kinh doanh, giá vật liệu tăng cao. Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Còn Nhà nước thiệt hại lớn vì lãng phí đầu tư công, sản xuất, lưu thông đình trệ, và tuyến QL 1A sẽ tăng lưu lượng xe tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và kỳ vọng tuyến đường khai mở phát triển kinh tế đa mục tiêu đã không thành hiện thực nếu không bỏ lệnh cấm tải trọng này".

Còn ai được lợi sau lệnh cấm này? Hầu hết doanh nghiệp và người dân được hỏi đều chỉ rõ và có cùng chung câu trả lời: "Người được lợi nhiều nhất là chủ đầu tư dự án này không phải tốn tiền duy tu bảo dưỡng vì đường sẽ không hư hỏng khi tải trọng dưới 5 tấn. Người được lợi thứ hai là hai doanh nghiệp BOT thu phí trên QL 1A tại Thị xã Điện Bàn và Núi Thành".

Số liệu báo cáo của Cảnh sát giao thông - Công an Quảng Nam cho biết từ đầu năm 2022 đến thời điểm này, trên tuyến đường 129 Võ Chí Công dài 90 km qua Quảng Nam đã xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông chủ yếu là xe gắn máy làm 9 người chết, 5 người bị thương. Vì vậy, với số vụ tai nạn giao thông này, nếu tăng cường công tác tuần tra kiểm soát và hạn chế tốc độ, tuyến đường huyết mạch này sẽ không mất an toàn giao thông như lệnh cấm tải trọng của tỉnh viện dẫn.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Nam: Khát vọng nguồn thu tỷ USD từ vùng sâm Ngọc Linh

    Quảng Nam: Khát vọng nguồn thu tỷ USD từ vùng sâm Ngọc Linh

    10:18, 02/08/2023

  • Hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam: Nên bắt đầu từ đâu?

    Hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam: Nên bắt đầu từ đâu?

    03:14, 02/08/2023

  • Kêu trời vì lệnh cấm Quảng Nam - Bài 2: Doanh nghiệp vận tải lao đao chạy

    Kêu trời vì lệnh cấm Quảng Nam - Bài 2: Doanh nghiệp vận tải lao đao chạy "giấy phép con"

    00:33, 02/08/2023

  • Kêu trời vì lệnh cấm Quảng Nam - Bài 1: Doanh nghiệp vận tải điêu đứng

    Kêu trời vì lệnh cấm Quảng Nam - Bài 1: Doanh nghiệp vận tải điêu đứng

    08:00, 01/08/2023

NGUYỄN HOÀNG