"Sập bẫy" lừa “hợp đồng giả cách” - Kỳ 6: Giấy tờ giả “tung hoành”, chưa ai bị xử lý?
Trong nhiều vụ lừa bằng “hợp đồng giả mạo” tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), các đối tượng đều sử dụng giấy tờ giả để hợp thức hóa hợp đồng chuyển nhượng, nhưng đến nay chưa đối tượng nào bị xử lý?
>>"Sập bẫy" lừa “hợp đồng giả cách” - Kỳ 5: Nhân viên ngân hàng có “tiếp tay”?
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trong những bài viết trước, hàng chục hộ gia đình đang sinh sống tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội bỗng chốc bị mất trắng tài sản bởi dính “bẫy” của các đối tượng khi ký vào một loại “hợp đồng giả mạo”. Đây được cho là một loại hợp đồng nhằm để che giấu hoạt động cho vay mượn tiền. Tuy nhiên, trên thực tế lại đều là những dạng hợp đồng chuyển nhượng tài sản hoặc ủy quyền định đoạt tài sản của các nạn nhân cho các đối tượng.
Theo đó, khi có được chữ ký từ các nạn nhân, các đối tượng tiếp tục làm giả các loại giấy tờ để “hợp thức hóa” hợp đồng chuyển nhượng rồi “sang tên đổi chủ” chiếm đoạt tài sản của gia đình nạn nhân, hoặc đem thế chấp cho ngân hàng với khoản vay “trên trời” rồi “bỏ nợ”.
Làm giả các loại giấy xác nhận
Đó là trường hợp gia đình bà Trần Thị Hiền, SN 1962, tại thôn Song Mai Đông, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Trong vụ việc này, sau khi các đối tượng lừa được chồng bà Hiền (ông Đỗ Văn Tuyên) ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà đất, ngay sau đó, các đối tượng đã làm Giấy chứng tử bà Hiền, đồng thời cũng làm Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân giả cho ông Đỗ Văn Tuyên với nội dung “Từ khi bà Hiền chết năm 1993, ông Tuyên không kết hôn với ai”.
Sau đó, bằng các loại giấy xác nhận hoàn toàn “giả mạo” này, các đối tượng lừa đảo đã dễ dàng “hợp thức hóa” hợp đồng chuyển nhượng nhà đất và hoàn thiện thủ tục “sang tên đổi chủ” để chiếm đoạt tài sản của gia đình bà Hiền.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong nhiều văn bản trả lời kết quả xử lý thông tin tố giác tội phạm, được ký bởi Thượng tá Nguyễn Văn Quyền - Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn cho thấy, ngày 08/3/2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội tiếp nhận đơn gửi lần đầu của bà Trần Thị Hiền với nội dung: Đề nghị làm rõ việc giả mạo giấy tờ, hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất (thửa đất số 88, tờ bản đồ số 9 tại địa chỉ xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), số công chứng 120/2015/HĐCNQSDĐ, quyển số 01 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 02/02/2015 do Văn phòng Công chứng Bắc Thăng Long lập.
Sau khi tiếp nhận, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội đã tiến hành xác minh, kết quả xác định: Ông Đỗ Văn Tuyên, SN 1956, trú tại thôn Song Mai Đông, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội (chồng bà Hiền) hoàn toàn tự nguyện và trực tiếp ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Hà Văn Kiên (SN 1972, trú tại thôn Sáp Mai, xã Võng La, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, ông Kiên cũng đã thế chấp để vay vốn Ngân hàng.
“Căn cứ vào tình tiết trên, vụ việc không có sự việc phạm tội, ngày 6/6/2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 226, đã thông báo cho bà Trần Thị Hiền”, Văn bản trả lời của Công an huyện Sóc Sơn nêu.
Không đồng ý với kết luận của Cơ quan Công an, gia đình bà Hiền tiếp tục gửi đơn tố giác tội phạm tới các cơ quan cấp trên. Ngày 19/12/2022, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn, Thượng tá Phạm Đăng Khôi bất ngờ ký quyết định số 01/QĐ-CQCSĐT-ĐTTH hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự số: 226, ngày 6/6/2019 của Cơ quan CSĐT, Công an huyện Sóc Sơn.
Cũng trong ngày 19/12/2022, Cơ quan này tiếp tục ban hành Quyết định số 07/QĐ-CQCSĐT-ĐTTH Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức phát hiện tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội”.
Tuy nhiên, ngày 20/6/2023, Thượng Tá Nguyễn Văn Quyền – Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an huyện Sóc Sơn đã ký Quyết định số 44/QĐ-CQCSĐT-ĐTTH về việc tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự. “Sau khi tiến hành điều tra, xét thấy: Chưa xác định được bị can”, Quyết định nêu.
>>"Sập bẫy" lừa “hợp đồng giả cách” - Kỳ 1: Gian nan xin xác nhận..."mình chưa chết"
Cần xử nghiêm để răn đe
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vụ việc này, luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng Văn phòng luật Bách Gia Luật và Liên danh cho rằng, vụ việc các đối tượng lừa đảo gia đình bà Trần Thị Hiền phải xử lý hình sự, cần phải xử nghiêm để răn đe cũng như lấy lại niềm tin cho người dân.
Theo luật sư Tuấn, việc làm giả những loại giấy tờ xác nhận này là một hành vi vi phạm pháp luật khi nó được dùng để lừa dối, che mắt các cơ quan, tổ chức, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các cơ quan tổ chức, công dân, nhất là trong các giao dịch mua bán, thế chấp nhà, đất…
Trong vụ việc gia đình bà Hiền, luật sư Tuấn cho biết, các đối tượng đã làm giả giấy chứng tử, làm giả giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Có thể hiểu đây là những loại giấy tờ không theo đúng quy trình, trình tự, thủ tục, điều kiện mà pháp luật quy định, không do cơ quan có thẩm quyền cấp một cách hợp pháp mà được làm ra với bề ngoài giống như thật, nhằm lừa dối các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để phục vụ các mục đích vụ lợi.
“Ở vụ việc này, các đối tượng làm giả giấy tờ trên để bổ sung vào hồ sơ chuyển nhượng nhà đất nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do vậy sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Điều 174 và Điều 341 (Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức) của Bộ Luật hình sự hiện hành”, luật sư Tạ Anh Tuấn cho biết.
Trở lại thông tin ngày 20/6/2023, Cơ quan Công an huyện Sóc Sơn đã ban hành Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức phát hiện năm 2018 tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội do “chưa xác định được bị can” khiến dư luận hết sức khó hiểu và hoài nghi về năng lực của những cán bộ điều tra tại cơ quan này (?)
Trước đó, quá trình thực hiện loạt bài viết về các chiêu trò lừa đảo bằng “hợp đồng giả cách” trong hoạt động vay mượn tiền, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã nhận được rất nhiều đơn thư cầu cứu khẩn cấp của người dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Theo quy trình xử lý đơn thư, Tòa soạn đã có Công văn chuyển đơn thư bạn đọc tới Cơ quan Công an huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cho đến nay, Tòa soạn cũng không nhận được văn bản phản hồi từ cơ quan này.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm
"Sập bẫy" lừa “hợp đồng giả cách” - Kỳ 5: Nhân viên ngân hàng có “tiếp tay”?
00:20, 07/09/2023
"Sập bẫy" lừa “hợp đồng giả cách” - Kỳ 4: Trách nhiệm của công chứng viên?
03:00, 27/08/2023
"Sập bẫy" lừa “hợp đồng giả cách” - Kỳ 3: Nâng “khống” tài sản, “rút ruột” ngân hàng
03:30, 26/08/2023
"Sập bẫy" lừa “hợp đồng giả cách” - Kỳ 2: “Phù phép” giấy tờ, “chiếm đoạt” tài sản
03:50, 14/08/2023
"Sập bẫy" lừa “hợp đồng giả cách” - Kỳ 1: Gian nan xin xác nhận..."mình chưa chết"
03:30, 11/08/2023