Vụ bản án “bất thường” tại TAND quận Ba Đình (Hà Nội): Ngân hàng không có quyền phản tố
“Thông báo thụ lý đơn yêu cầu phản tố của Ngân hàng MSB ngày 27/12/2021 của TAND Quận Ba Đình vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, thuộc trường hợp phải trả lại đơn theo quy định của BLTTDS…”.
Đây là nhận định của luật sư Tạ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH EMME LAW về vụ án“Yêu cầu tuyên hợp đồng ủy quyền và hợp đồng thế chấp vô hiệu” liên quan đến Công ty Cổ phần An Sinh, Văn phòng công chứng Lạc Việt, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Ngân hàng MSB) và bà Trần Thị Đức.
>>Doanh nghiệp và người dân “khổ sở” bởi một bản án “bất thường”
Có vi phạm thủ tục tố tụng?
Vụ án này đã được TAND quận Ba Đình (TP. Hà Nội) phân công Thẩm phán Đặng Quỳnh Chi làm chủ tọa phiên tòa và đã đưa ra xét xử sơ thẩm tại Bản án dân sự sơ thẩm số 235/2022/DS-ST ngày 05-16/9/2022 và TAND thành phố Hà Nội Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo Quyết định số 171/2023/QĐ-PT ngày 07/4/2023 (hiện đang tạm hoãn bởi lý do khách quan – PV).
Trước đó, như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, bức xúc trước những sự việc được cho là “bất thường” trong quá trình giải quyết vụ án, ông N.V.T (địa chỉ tại 14-T1 Khu đô thị Ciputra, phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP Hà Nội) là người đại diện ủy quyền cho nguyên đơn đã có đơn tố cáo đích danh thẩm phán Đặng Quỳnh Chi – Chủ tọa phiên tòa đã có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, cố tình đưa vào bản án các nội dung thông tin sai sự thật, sửa đổi, thêm vào, bỏ qua tài liệu, chứng cứ làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc.
Đáng chú ý, đại diện nguyên đơn cho biết, sau gần 5 tháng đơn thư tố cáo được gửi đi, TAND thành phố Hà Nội và Viện KSND tối cao cũng đã có Công văn chuyển đơn, yêu cầu TAND quận Ba Đình “xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn “bặt vô âm tín”, không hề có thông báo trả lời nguyên đơn về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo theo khoản 2, khoản 3 Điều 29, Điều 30 Luật Tố cáo năm 2018, điểm c khoản 1 Điều 510 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Quay trở lại nội dung vụ án, theo trình bày của nguyên đơn tại biên bản phiên tòa cho thấy, văn bản công chứng hợp đồng ủy quyền số công chứng 1791.2009/HĐ-GD ký giữa nguyên đơn và bà Trần Thị Đức tại Văn phòng công chứng Lạc Việt ngày 09/11/2009 là vi phạm quy định pháp luật về công chứng với những chứng cứ, tài liệu rõ ràng. Do đó, phía nguyên đơn đề nghị Tòa tuyên hợp đồng ủy quyền vô hiệu; Hợp đồng thế chấp số số 01.0166/09/BĐ, số công chứng 2009.2009/HĐTC được ký giữa Ngân hàng MSB – CN Quảng Ninh, Công ty An Sinh và bà Trần Thị Đức do Văn phòng công chứng Lạc Việt ký ngày 3/12/2009 vô hiệu. Đồng thời, nguyên đơn cũng yêu cầu tòa án giải quyết hậu quả pháp lý do Hợp đồng ủy quyền, hợp đồng thế chấp vô hiệu theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 27/12/2021, Ngân hàng MSB có yêu cầu phản tố, đề nghị Tòa buộc Công ty An Sinh phải thanh toán số tiền theo hợp đồng tín dụng số 0166/09/QN ngày 15/12/2009 (tạm tính đến ngày 22/12/2021) là 106.548.274.664 đồng (trong đó: Nợ gốc là 0 đồng; nợ lãi là 106.548.274.664 đồng; lãi phạt 376.379.931 đồng), và đã được TAND quận Ba Đình thụ lý giải quyết.
MSB không có quyền phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập
Nhận định về vụ án này, luật sư Tạ anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH EMME LAW cho rằng, thông báo thụ lý đơn yêu cầu phản tố của MSB ngày 27/12/2021 của TAND Quận Ba Đình vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, thuộc trường hợp phải trả lại đơn khởi kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS).
Theo luật sư Tạ Anh Tuấn, Ngân hàng MSB không có quyền phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 200 BLTTDS năm 2015 về “Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn” quy định : “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập”. Tuy nhiên, ngày 27/12/2021, MSB nộp đơn yêu cầu phản tố buộc Công ty An Sinh phải thanh toán khoản nợ lãi còn lại của HĐTD số 0166 là 106,924,654,595 nhưng trong vụ án này, công ty An Sinh là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng không có yêu cầu độc lập do tại vụ án trước đó, sự việc MSB phản tố buộc công ty An Sinh phải trả khoản nợ trên đã không được Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật của TAND thành phố Hà Nội chấp nhận.
Do đó, việc TAND quận Ba Đình vẫn thụ lý yêu cầu phản tố của MSB là trái quy định tại khoản 1 Điều 200 BLTTDS năm 2015, thuộc trường hợp phải trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015 do “chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật” – MSB khởi kiện (phản tố) công ty An Sinh là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến Tòa án nhưng thiếu điều kiện do Công ty An Sinh không có yêu cầu độc lập.
>>"Sập bẫy" lừa “hợp đồng giả cách” - Kỳ 1: Gian nan xin xác nhận..."mình chưa chết"
MSB không có quyền phản tố yêu cầu Tòa án giải quyết một sự việc đã được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực
Bên cạnh đó, vị luật sư cũng cho biết, Ngân hàng MSB không có quyền phản tố yêu cầu Tòa án giải quyết sự việc đã được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Theo vị luật sư phân tích, điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015 quy định “1.Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây :c) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.
Tại Bản án sơ thẩm số 56/2020/DS-ST ngày 04/11/2021 của TAND quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, không có gì khác về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, Tòa cấp sơ thẩm xác định : “Căn cứ Điều 427 BLDS năm 2005 xác định thời hiệu khởi kiện HĐTD đã hết. Căn cứ Điều 383 BLDS 2005, Nghị quyết số 03/2012/NQ- HĐTP ngày 03/12/2012 của HĐTP Tòa án nhân dân tối cao, nghĩa vụ của Công ty cổ phần An Sinh đối với Ngân hàng MSB chấm dứt”, đồng thời, do MSB “không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí” nên Tòa án không xét yêu cầu phản tố của MSB. Quyết định của Bản án sơ thẩm tại Điểm 4 Xử : “không chấp nhận các yêu cầu khác của các bên đương sự”.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 11/3/2021, ý kiến của đại diện VKSND TP.Hà Nội nêu: “Về nội dung : MSB không có văn bản đối chiếu công nợ hoặc đôn đốc CTCP An Sinh trả nợ kể từ sau khi đã thanh toán khoản nợ gốc và hơn 71 tỷ đồng nợ lãi. Do đó HĐTD số 0166/09/QN đã chấm dứt nên nghĩa vụ HĐTC số 01.0166/09/BĐ cũng chấm dứt do thời hiệu khởi kiện đã hết. Cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là phù hợp pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 : Bác yêu cầu kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm”.
Tại Bản án Phúc thẩm số 84/DS-ST ngày 11/03/2021 của TAND thành phố Hà Nội, với nội dung này, Tòa cấp phúc thẩm chấp nhận với giải quyết của Toà cấp sơ thẩm và xác định : “Đối với yêu cầu kháng cáo về nội dung buộc CTCP An Sinh phải thanh toán toàn bộ khoản nợ lãi và được đề nghị phát mãi tài sản bảo đảm đã thế chấp tại HĐTC số 01.0166. Hội đồng xét xử thấy…Tuy nhiên bị đơn (MSB) không nộp, không xuất trình Biên lai nộp tạm ứng án phí đối với yêu cầu phản tố là không tuân thủ quy định tại Điều 202 BLTTDS. Cấp sơ thẩm xác định: “Nội dung này bị đơn không có yêu cầu phản tố; không thuộc phạm vi khởi kiện của nguyên đơn hoặc yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không xem xét và không quyết định về yêu cầu này của bị đơn là có căn cứ pháp luật. Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận nội dung kháng cáo này của bị đơn”. Tại phần quyết định, Bản án phúc thẩm không sửa nội dung này của Bản án sơ thẩm số 56/2020/DS-ST của TAND quận Đống Đa.
“Rõ ràng, với nhận định và kết luận trên, sự việc MSB yêu cầu Công ty An Sinh phải trả khoản nợ lãi còn lại và đề nghị được phát mại TSBĐ căn nhà NV B35 đã không được bản án đã có hiệu lực pháp luật chấp nhận do MSB không nộp án phí phản tố và do phản tố của MSB không thuộc phạm vi “yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” là công ty An Sinh không có yêu cầu độc lập, theo quy định tại điểm b khoản 1 và điểm c khoản 3 Điều 192 BLTTDS năm 2015, Thẩm phán phải trả lại đơn khởi kiện (phản tố) của MSB”, vị luật sư phân tích.
Cũng theo luật sư Tạ Anh Tuấn, Bản án sơ thẩm của TAND quận Ba Đình (tại trang 21) nhận định yêu cầu đòi khoản nợ lãi của MSB đối với Công ty An Sinh “chưa được giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật” là hoàn toàn sai lệch với nhận định, kết luận của bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Do đó, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 200, điểm b. c khoản 1 và điểm c khoản 3 Điều 192 BLTTDS năm 2015, MSB không có quyền phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập, sự việc đã được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật.
“Việc thẩm phán TAND quận Ba Đình không trả lại đơn, vẫn ra thông báo thụ lý yêu cầu phản tố của MSB là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, được quy định tại khoản 2 Điều 310 BLTTDS năm 2015”, luật sư Tạ Anh Tuấn cho biết.
Trong vụ án này, câu hỏi được đặt ra là vì sao với một vụ việc phức tạp, liên quan đến các hợp đồng kinh tế và thế chấp tài sản có giá trị lớn mà trong cùng một ngày 27/12/2021, với việc ký, gửi đơn và nộp án phí phản tố của MSB, Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện có thể thực hiện toàn bộ các thủ tục về tố tụng được quy định cụ thể tại Điều 190 BLTTDS 2015 về “Gửi đơn khiếu kiện đến Tòa án”, Điều 191 BLTTDS 2015 về “Thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện”, Điều 195 BLTTDS 2015 về “Thụ lý vụ án”và Điều 196 BLTTDS 2015 về “Thông báo thụ lý vụ án” năm 2015. Vậy, có điều gì bất thường ở trong trường hợp này?
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm