Xây dựng xã hội không tiền mặt nhìn từ thế giới
Có một điều bất ngờ rằng, những quốc gia có tốc độ phát triển thanh toán di động nhanh nhất là các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Kenya, Ấn Độ... và cả Việt Nam.
Ngoài các giải pháp thông thường như phát triển cơ sở hạ tầng, các chính sách khuyến khích từ chính phủ, những yếu tố bất ngờ như lạm phát cao và kinh tế ở mức trung bình góp phần không nhỏ trong phát triển thanh toán di động ở Trung Quốc, Kenya, và Việt Nam.
Trong những ngày đầu năm 2019, chính phủ đã ra nghị quyết yêu cầu tất cả trường học, bệnh viện, công ty điện, nước, viễn thông tại các thành phố phải thu tiền và phí bằng các phương thức không tiền mặt, chậm nhất là cuối năm. Đây là bước tăng tốc trong kế hoạch xây dựng 1 xã hội ít tiền mặt vào năm 2020 - giới hạn lượng tiền mặt lưu thông dưới 10%. Với cơ cấu dân số trẻ và độ phủ sóng rộng khắp của viễn thông, Việt Nam đang có những thuận lợi nhất định để tiến tới 1 xã hội tiên tiến không sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, cột mốc 2020 này vẫn không phải là 1 mục tiêu dễ dàng.
Thanh toán di động thay vì quẹt thẻ
Mỹ là một trong những quốc gia đi đầu về xã hội không tiền mặt, với lượng tiền mặt trong lưu thông chỉ chiếm ít hơn 7%. Tuy nhiên, có một điều họ vẫn luôn thầm ngưỡng mộ Trung Quốc trong xây dựng 1 xã hội không tiền mặt. Đó là thanh toán di động.
Trong khi đa số thanh toán không tiền mặt ở Mỹ là thông qua thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng, thì Trung Quốc, từ một quốc gia có nền tài chính lạc hậu, đã nhảy tắt, chuyển dịch sang xã hội thanh toán di động với tốc độ nhanh nhất thế giới.
Vấn đề của Mỹ là không thể làm người dân đổi từ thẻ ngân hàng và máy POS, sang ví điện tử và mã QR code/công nghệ NFC. Người dân Mỹ đã quá quen thuộc với giải pháp cũ, vốn đã rất tiện lợi, họ không có lý do gì để chuyển sang giải pháp mới.
Tuy nhiên về lâu dài, phương pháp thanh toán di động vượt trội hơn nhiều so với phương pháp thanh toán quẹt thẻ. Bởi thanh toán di động không cần máy POS, thời gian và quy trình nhanh chóng, cũng như rất dễ dàng tích hợp với các hệ sinh thái sau này. Chẳng hạn như các cửa hàng Trung Quốc hiện nay chỉ cần in mã QR của mình ra 1 tờ giấy khổ lớn để khách hàng quét bằng điện thoại sau khi ăn uống xong.
“Ngay cả những người bán hàng trên vỉa hè cũng không muốn tiền mặt”, ông Darren Buckly giám đốc mảng tiêu dùng của CitiBank Trung Quốc nói.
Việt Nam may mắn đang có chiều hướng tạo ra 1 bước nhảy tắt y như Trung Quốc, khi chúng ta cũng xuất phát rất chậm - 2014 chỉ 1/3 người Việt sở hữu tài khoản ngân hàng, nhưng đang tăng tốc rất nhanh trong thanh toán di động với các ví điện tử như Momo, Zalo Pay, Grabpay...
Nhóm giải pháp cổ điển nhưng mang tính quyết định
Để đi lên một nền kinh tế không tiền mặt, qua các kinh nghiệm của thế giới ta có thể đúc kết ra 3 yếu tố chính: cơ sở vật chất, chính sách của chính phủ, và thương mại điện tử.
Cơ sở vật chất là yếu tố tiên quyết. Để thanh toán không tiền mặt, xa hơn là thanh toán di động, mạng viễn thông và điện thoại thông minh là các yếu tố bắt buộc. Các quốc gia muốn phát triển được xã hội không tiền mặt phải đạt được 1 mức độ cơ sở vật chất nhất định.
Tuy nhiên không có tiêu chuẩn chung nào cho mức độ cơ sở vật chất nhất định này. Nếu xây dựng được nền tảng ý thức càng cao, thì mức độ cơ sở vật chất cần thiết lại càng thấp.
Thế giới đã được chứng kiến câu chuyện thần kỳ của hệ thống thanh toán di động M-Pesa ở Kenya (Đông Phi). Tuy chỉ là 1 hệ thống "công nghệ thấp", vận hành thông qua tin nhắn điện thoại. Nhưng nó đã giúp 80% người dân với điện thoại "cục gạch" có thể đóng tiền điện, nước và mua đồ ăn ngoài chợ dễ dàng. Họ đã nâng cao ý thức và thu hút được người dân bằng các chương trình hướng dẫn 24/7.
Yếu tố thứ 2 là lực đẩy từ trên xuống - chính sách của chính phủ. Đó là ở Thuỵ Điển, chính phủ đã cấm tiền mặt và tiền xu trên xe buýt, cũng như cho phép các cửa hàng không nhận tiền mặt. Chỉ vài năm sau, thanh toán bằng tiền mặt chỉ chiếm 1/5 tổng số thanh toán và 1,3% tổng GDP của Thuỵ Điển. Nhiều cửa hàng còn treo trước cửa "Không tiền mặt, làm ơn", người dân không còn cách nào khác ngoài thay đổi.
Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ triển khai ví điện tử UPI cho phép người dân tích hợp mọi tài khoản ngân hàng, ra mắt India Stack để lưu trữ và chia sẻ dữ liệu cá nhân tập trung, ra lệnh cấm trao đổi tiền mặt cá nhân có giá trị từ 300.000 Rupi (100 triệu đồng)/ngày, xoá bỏ 2 tờ tiền có mệnh giá cao nhất...
Rất nhiều quyết định gây tranh cãi, nhưng cực kỳ hiệu quả - đến nay 99% công dân có dữ liệu sinh trắc học số, không chỉ cho thanh toán di động, mà còn để quản lý hành chính. Tốc độ phát triển không tiền mặt ở Ấn Độ nhanh chỉ thua mỗi Trung Quốc.
Yếu tố cuối cùng là động lực từ dưới lên - thương mại điện tử. Không có gì thúc đẩy sử dụng ví điện tử hay thẻ ngân hàng hơn việc mua bán trực tuyến: người dùng muốn thanh toán tiện lợi, người bán muốn nhận tiền trước, còn các nền tảng muốn kiểm soát dòng tiền.
Với mong muốn như vậy, điều dễ thấy ở Việt Nam là các trang thương mại điện tử liên kết chặt chẽ với các dịch vụ ví điện tử và ngân hàng để chạy các chương trình khuyến mãi khi thanh toán trực tuyến.
Có thể bạn quan tâm
"Chìa khóa" phát triển thanh toán điện tử
01:00, 19/09/2018
Đâu là rào cản với thanh toán điện tử xuyên biên giới?
04:17, 06/11/2018
Bùng nổ ứng dụng thanh toán điện tử hỗ trợ tiêu dùng mua sắm Tết
12:56, 09/02/2018
Thanh toán điện tử mang đến lợi ích ròng cho nền kinh tế
08:13, 20/11/2017
Những lợi thế bất ngờ
Trên thực tế, những quốc gia có tốc độ phát triển thanh toán di động nhanh nhất là các quốc gia đang phát triển. Bởi những quốc gia này có dân số rất trẻ. Giới trẻ không chỉ sẵn sàng thay đổi thói quen của mình, mà còn thường chủ động tìm tòi những xu hướng mới để trải nghiệm và tiếp thu.
Bên cạnh đó, những quốc gia đang phát triển cũng có lạm phát khá cao - điều này tác động lớn đến ý thức của người dân về tiền bạc.
Khi lạm phát Trung Quốc bùng nổ trong thập kỷ trước, người Trung Quốc có quan niệm rằng: "Vay ngân hàng không phải nợ mà là tài sản. Tiền trong tay không phải tài sản mà là nợ. Vì lạm phát cao hơn lãi ngân hàng". Do đó, họ tích cực tiêu xài và đầu tư. Khi tích cực tiêu xài, các sàn thương mại điện tử lẫn các nền tảng trực tuyến có rất nhiều cơ hội phát triển. Khi tích cực đầu tư, 2 ông lớn ví điện tử Alipay và Wechat Pay thu hút số lượng khổng lồ người dùng với chính sách lãi suất cao hơn ngân hàng. Lạm phát cao góp phần lớn trong hành trình xây dựng xã hội không tiền mặt ở Trung Quốc.
Và cuối cùng, những quốc gia đang phát triển thường có hệ thống tài chính chưa phát triển. Vì vậy họ có lợi thế trong việc xây dựng 1 hệ thống tài chính hoàn toàn mới. Trong khi những quốc gia đã có hệ thống tài chính gần như hoàn hảo như Mỹ, Anh... rất khó để đập mọi thứ đi xây lại từ đầu, và cũng rất khó để thuyết phục người dân lẫn doanh nghiệp phải thay đổi khi họ thấy hệ thống cũ vốn đã quá tốt. Những bước nhảy tắt vì vậy xảy ra ở những quốc gia kém phát triển hơn, và vượt mặt những quốc gia đã phát triển.
Từ các trường hợp trên thế giới quay lại so sánh với nước ta, ta có thể thấy Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc phát triển xã hội không tiền mặt - đến nay, cả nước đã có gần 18.300 cây ATM, hơn 289.000 POS, 76 dịch vụ thanh toán trực tuyến các loại, và 5.000 điểm giao dịch QR code. Tuy nhiên, nước ta vẫn còn cả 1 chặng đường dài để đạt được mục tiêu xã hội ít tiền mặt năm 2020, và mục tiêu xã hội không tiền mặt sau này.