Nguy cơ chiến tranh tiền tệ
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc các NHTW đồng loạt nới lỏng chính sách tiền tệ có nguy cơ dẫn đến cuộc chiến tranh tiền tệ trên phạm vi toàn cầu.
Theo TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM), cho rằng có một số nguyên nhân khiến Mỹ, Trung Quốc, một số nước châu Âu… nới lỏng chính sách tiền tệ và/hoặc phá giá tiền tệ.
Thứ nhất, kinh tế thế giới đang có chiều hướng giảm tốc, thậm chí suy thoái do tác động của chiến tranh thương mại, nên các quốc gia nói trên tiến hành kích thích kinh tế hoặc nới lỏng tiền tệ. Nới lỏng tiền tệ dù cố tình hay vô tình đều làm giảm giá đồng tiền vì lãi suất giảm khiến cung tiền tăng.
Thứ hai, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thanh khoản đã tăng rất mạnh và thế giới chưa kịp quay lại một chính sách tiền tệ bình thường, thì nay một số nền kinh tế phát triển lại tiếp tục nới lỏng tiền tệ. Điều này có nguy cơ kéo theo nhiều quốc gia khác cũng thực hiện chính sách này, tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt bằng chính sách tiền tệ.
Thứ ba, lãnh đạo nhiều nước phát triển, như Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn đồng tiền của mình phải yếu, chứ không phải mạnh, hoặc tại một số nước có chế độ tỷ giá chưa đủ linh hoạt, thì trước áp lực cạnh tranh, họ phải cố tình giảm giá đồng tiền của mình để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
Chiến tranh tiền tệ đang tiến gần?
11:50, 21/07/2019
Phá giá tiền: Nguồn cơn của "chiến tranh tiền tệ"
11:00, 17/05/2019
Chiến tranh tiền tệ- “cú hích” mạnh đối với giá vàng
10:45, 26/01/2018
Đông Nam Á: Nguy cơ chiến tranh tiền tệ?
01:09, 06/09/2015
Thực tế trên cho thấy, nguy cơ chiến tranh tiền tệ là có thật, nhưng trong thời gian trước mắt các quốc gia vẫn đang kiểm soát chặt chẽ động thái điều chỉnh sách tiền tệ của mình, nên nguy cơ này chưa đáng ngại. Tuy nhiên, nếu nhiều quốc gia trên thế giới đều đồng loạt thực hiện nới lỏng tiền tệ và/ hoặc phá giá tiền tệ, thì chiến tranh tiền tệ sẽ bùng nổ.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, trong trường hợp xảy ra chiến tranh tiền tệ, có lẽ Việt Nam cũng phải phá giá VND, nếu không sẽ thiệt hại nặng cho hoạt động xuất khẩu khi VND cao hơn so với các đồng khác như USD, CNY, EUR… Tuy nhiên, việc phá giá đồng nội tệ sẽ làm tăng lạm phát, tăng nợ công và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô. Do đó, Việt Nam cần ưu tiên các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng cường dự trữ ngoại tệ, dự trữ vàng… để tăng nội lực của kinh tế tế và tạo vùng đệm an toàn trước những cú sốc từ bên ngoài.