Vì sao tỷ giá trong nước “ngược dòng” thế giới?
Tỷ giá trung tâm tiếp tục tăng mạnh trong sáng ngày 2/8, giá mua bán USD tại các nhà băng và cả thị trường tự do cũng tăng theo. , bất chấp USD trên thị trường thế giới quay đầu giảm trở lại.
Thiết lập đỉnh mới
Tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng 11 điểm cơ bản lên 23.090 đồng/USD trong sáng ngày 2/8/2019. Đây là phiên thứ 2 liên tiếp kể từ đầu tháng 8/2019, NHNN đưa tỷ giá trung tâm lên mức cao nhất kể từ khi cơ chế này được đưa vào vận hành vào đầu năm 2016. So với cuối năm 2018, tỷ giá trung tâm đã tăng 265 đồng/USD, tương đương tăng 1,16%.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần trong phiên giao dịch ngày 2/8 đã được nâng lên 23.783 đồng/USD, tỷ giá sàn cũng được nâng lên tương ứng là 22.397 đồng/USD. Giá bán ra USD tại Sở Giao dịch NHNN cũng được nâng lên mức 23.733 đồng/USD, thấp hơn tỷ giá trần 50 đồng; trong khi giá mua vào vẫn được giữ ở mức 23.200 đồng/USD.
Động thái này của NHNN không khỏi khiến thị trường bất ngờ. Bởi vì, đây là mức tăng khá mạnh, trong khi đồng USD trên thị trường quốc tế quay đầu giảm so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có xu hướng leo thang mạnh hơn sau khi ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% lên hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 1/9 tới.
Có thể bạn quan tâm
Tỷ giá USD/VND tiếp tục giảm mạnh
14:15, 16/07/2019
Yếu tố nào tác động mạnh đến tỷ giá cuối năm 2019?
04:30, 06/07/2019
Áp lực tỷ giá dịu bớt
04:30, 12/07/2019
Tỷ giá USD/VND có trở thành “con tin” của tương lai?
08:00, 11/06/2019
Cách ly hai “ngòi nổ”, tỷ giá USD/VND đang khác biệt
09:00, 10/06/2019
Kịch bản tệ nhất có thể xảy ra với tỷ giá nửa cuối năm 2019 là gì?
11:12, 27/05/2019
"Bom thuế" 300 tỷ USD: Mỹ - Trung lên đỉnh căng thẳng!
11:40, 02/08/2019
Cụ thể, tuyên bố này của ông Trump đã khiến chỉ số đồng USD giảm từ mức đỉnh 2 năm là 98,52 điểm xuống quanh 98,40 điểm trong phiên giao dịch sáng 2/8 vừa qua trong bối cảnh các nhà đầu tư gia tăng kỳ vọng FED có thể sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn lãi suất do lo ngại những bất ổn thương mại sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Mỹ.
Không chỉ tỷ giá trung tâm mà giá mua bán USD cũng được các ngân hàng tăng thêm 30 đồng trong sáng 2/8. Theo đó, giá mua vào USD được các nhà băng niêm yết phổ biến trong khoảng 23.160 – 23.170 đồng/USD, trong khi giá bán ra được nâng lên mức 23.280 – 23.290 đồng/USD. Tuy nhiên so với cuối năm 2018, giá mua vào USD của các ngân hàng mới tăng có 30 đồng/USD, trong khi giá bán ra tăng khoảng 50 – 60 đồng/USD.
Giá USD chợ đen cũng tăng 20 đồng ở chiều mua vào lên 23.200 đồng/USD, song giá bán ra vẫn được giữ ở mức 23.220 đồng/USD.
Khó khăn với bài toán đô- đồng
Sở dĩ tỷ giá trong nước lại có chuyển động ngược chiều với thế giới là do một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, mặc dù đồng USD trên thị trường thế giới đảo chiều giảm, song hiện vẫn đứng ở mức rất cao, gần sát mức đỉnh 2 năm là 98,52 điểm thiết lập hôm 31/7 vừa qua. Trong khi đó, tính chung trong 2 phiên đầu tháng 8, tỷ giá trung tâm mới chỉ tăng 17 điểm, tương đương mức tăng vỏn vẹn 0,07%. Thứ hai, lãi suất liên ngân hàng giảm thấp khiến chênh lệch lãi suất VND - USD bị thu hẹp cũng tạo nhiều sức ép lên tỷ giá.
Quả vậy, thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào, khiến lãi suất liên ngân hàng giảm liên tục kể từ đầu tháng 7 đến nay. Sự dồi dào này chủ yếu do hoạt động mua vào ngoại tệ của NHNN. Còn nhớ, tại thời điểm cuối tháng 4 vừa qua, NHNN tuyên bố đã mua vào được 8,35 tỷ USD bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối.
Tuy nhiên sau đó, không thấy cơ quan quản lý công bố thông tin gì tiếp theo về hoạt động này. Nhưng theo một số công ty chứng khoán, hoạt động mua vào ngoại tệ có thể được nối lại trong tháng 7 vừa qua trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế đang rất dồi dào nhờ nguồn giải ngân FDI, vốn FII vào ròng tăng mạnh so với cùng kỳ; trong khi cán cân thương mại cũng thặng dư khoảng 1,8 tỷ USD sau 7 tháng đầu năm … Ngoài ra, còn nguồn ngoại tệ không nhỏ từ việc KEB Hana Bank mua 15% vốn của BDIV, VPBank phát hành thành công 300 triệu USD trái phiếu…
Bên cạnh thanh khoản dồi dào, theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc NHNN giảm 0,25% lãi suất tín phiếu kỳ hạn 7 ngày từ mức 3% về mức 2,75% cũng góp phần kéo giảm mặt bằng lãi suất liên ngân hàng. “Lãi suất tín phiếu 7 ngày của NHNN vốn có tính chất như một mức “lãi suất sàn”, mang tính tham chiếu cho lãi suất liên ngân hàng. Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, kết hợp với động thái giảm lãi suất tín phiếu của NHNN đã đẩy lãi suất liên ngân hàng giảm khá mạnh, lùi sâu xuống dưới mức 3% vào thời điểm cuối tháng 7”, BVSC cho biết.
Điều đó cho thấy, NHNN đang đứng trước những lựa chọn khá khó khăn đối với bài toán đô – đồng. Hay nói cách khác, muốn hỗ trợ động thái giảm lãi suất của các NHTM Nhà nước lan tỏa rộng trong toàn hệ thống, lại lo sẽ tạo áp lực lên tỷ giá.
Còn nhớ trong một Báo cáo tiền tệ được phát hành hồi cuối tháng 5 vừa qua, Công ty chứng khoán SSI từng khuyến nghị: “Trong bối cảnh áp lực tỷ giá từ diễn biến quốc tế đang gia tăng, việc duy trì ổn định lãi suất trên liên ngân hàng để đảm bảo chênh lệch lãi suất VND-USD ở mức 1,0-1,5%/năm sẽ là yếu tố quan trọng để bình ổn thị trường ngoại hối”.