3 yếu tố sẽ tác động chính sách tiền tệ của các quốc gia năm 2022
Dù các Ngân hàng Trung ương (NHTW) sẽ có định hướng và chính sách điều hành khác nhau phù hợp với vĩ mô tại quốc gia mình, nhưng vẫn chịu chi phối bởi những yếu tố khách quan chung...
>>> Linh hoạt nới lỏng tiền tệ
Trao đổi của Diễn đàn Doanh nghiệp với nhiều chuyên gia Kinh tế, Tài chính đã đưa ra nhận định về những yếu tố chính có sức chi phối lớn chính sách tiền tệ, thậm chí chính sách tài khóa các quốc gia trong năm mới 2022. Các yếu tố cụ thể như sau:
1. Dịch COVID-19
Dịch COVID-19 đã kéo dài suốt 2 năm qua, từ 2020-nay gây tổn thất vô cùng to lớn cho kinh tế toàn cầu. Tuy đến cuối 2021, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã có sự phục hồi tăng trưởng, song đại dịch vẫn là biến số mà chưa ai có thể dự đoán được chính xác điểm kết thúc hoặc những biến số mới bất ngờ, theo chiều không mong đợi của nó.
Trong 2022, với sự xuất hiện của biến chủng Omicron có mặt từ cuối 2021 và đang lan nhanh ở nhiều quốc gia với tốc độ lây lan mạnh nhưng mức độ nguy hiểm giảm thấp, các nhà khoa học đã đặt kỳ vọng đây có thể sẽ là điểm kết thúc để đưa dịch COVID-19 chuyển sang dạng cúm mùa. Nếu đúng như vậy, kinh tế toàn cầu sẽ trở về bình thường và chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia cũng sẽ có nhiều thay đổi theo hướng siết chặt tiền tệ, không phải san sẻ “gánh” kích cầu cùng với tài khóa để kích thích phục hồi kinh tế như trong đại dịch.
Tuy nhiên, trong trường hợp dịch COVID-19 vẫn kéo dài và thậm chí xuất hiện biến chủng mới có nguy cơ “phớt lờ” vaccine để nguy hiểm hơn về cả mức độ lây lan lẫn đe dọa tính mạng, gây quá tải y tế, làm tái giãn cách, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đè ép triển vọng tăng trưởng thì nới lỏng tiền tệ có thể sẽ phải được lặp lại để hỗ trợ các nền kinh tế vượt khó khăn.
Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận và tiêm phủ vaccine cho người dân cũng là yếu tố quyết định mức độ lẫn giữ vững sự phục hồi ổn định của các nền kinh tế trước đợt tấn công của làn sóng dịch lần thứ 5 (nếu có xảy ra). Qua đó, tác động và chi phối đến chính sách tiền tệ của quốc gia đó.
2. Lạm phát
“Từ khóa” này đang và dự kiến sẽ chi phối chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia lớn lẫn cả các nền kinh tế đang phát triển, kém phát triển... Trong cuối 2021, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố kế hoạch rút sớm gói nới lỏng định lượng (QE) và lên lộ trình tăng lãi suất 3 lần trong 2022 để ứng phó với lạm phát đang tăng cao. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng đã lần đầu điều chỉnh lãi suất sau 2 năm COVID do lạm phát tăng nhanh hơn dự báo và thị trường lao động ở Anh có vẻ khởi sắc, với đỉnh lạm phát dự báo có thể chạm tới 6% vào tháng 4/2022. Trước đó, ngân hàng Trung ương của Hàn Quốc (BoK) đã trở thành ngân hàng đầu tiên nâng lãi suất trong đại dịch nhằm kiềm chế lạm phát và điều chỉnh dự báo lạm phát, tuy nhiên BoK vẫn để ngỏ chính sách tiền tệ phụ thuộc vào triển vọng tăng trưởng ở 2022.
Chuyên gia của HSBC nhận định, khi các nền kinh tế lớn điều chỉnh lãi suất, cụ thể ở đây là Fed “cất cánh”, chắc chắn sẽ để lại những “nhiễu động” nhất định. Nhưng trong kế hoạch điều chỉnh lần này, nếu Fed thực thi, HSBC cho rằng tác động đối với khu vực châu Á lại khá nhẹ nhàng.
Cũng theo HSBC, xa hơn, vẫn sẽ có nhiều quốc gia như Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Malaysia và Phillipnes, kỳ vọng sẽ có điều chỉnh tăng lãi suất ở mức 25-50 điểm cơ sở xuyên suốt năm 2023 so với trước đây; Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam, cũng được HSBC điều chỉnh dự báo thời điểm điều chỉnh sớm lên một hai tuần, mặc dù không thay đổi mức độ thắt chặt cho tới cuối 2023; Indonesia, dù đã lược bớt một đợt điều chỉnh tăng lãi suất do lạm phát giảm đáng kể, mặc dù vậy, vẫn thêm 100 điểm cơ sở trong các kỳ điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc; Trong khi đó, ở Trung Quốc đại lục và Nhật Bản, lãi suất điều hành trong năm 2023 nhiều khả năng không có thay đổi hay bị tác động bởi Fed, nhiều khả năng sẽ áp dụng các biện pháp nới lỏng mục tiêu, nhất là tại Trung Quốc...
>>> Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lần đầu tiên cắt giảm lãi suất chuẩn kể từ đại dịch
Trên thực tế, Trung Quốc vào cuối 2021 đúng là đã phát tín hiệu nới lỏng tiền để kích thích phục hồi tăng trưởng có dấu hiệu suy yếu với các chính sách cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại lớn, và lần đầu tiên hạ lãi suất cơ bản chuẩn; tuy nhiên sự nới lỏng vẫn được cho sẽ là thận trọng, từng bước.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng mặc dù trên toàn cầu, nhiều quốc gia đã và đang thừa nhận lạm phát cao gia tăng khắp nơi, song môi trường lạm phát đình đốn bởi giá hàng hóa leo thang nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn, tăng trưởng kinh tế vẫn có nguy cơ chững lại. Các NHTW vừa phải thận trọng với lạm phát, vừa phải co kéo dư địa, phối hợp cân bằng với tài khóa trong chính sách nâng đỡ thị trường. Có thể nói là vào lúc này, nhiều NHTW cũng... mắc kẹt bởi lạm phát đình đốn và điều này đang đẩy nhiều chính sách tiền tệ vào thế tiến thoái lưỡng nan.
3. Tiền kỹ thuật số
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia, Kinh tế trưởng của BIDV, dưới tác động của lạm phát, những kế hoạch điều chỉnh lãi suất từ Fed hay BoE còn có thể tác động lên tỷ giá và thị trường vốn, khi xu hướng dịch chuyển vốn về Mỹ và châu Âu để hưởng lãi suất cao diễn ra.
Song ngoài những tác động “truyền thống” đối với nhiều quốc gia có chính sách “neo tỷ giá”, thì tiền kỹ thuật số sẽ là biến số chung chi phối tỷ giá hối đoái, với một số cặp ngoại tệ và rất đáng được quan tâm.
Theo đó, tiền kỹ thuật số tư nhân với các diễn biến giao dịch trên thị trường ngày càng rộng lớn cả về giá trị vốn hóa, số lượng lẫn tầm ảnh hưởng trong các giao địch điện tử xuyên quốc gia, tiềm ẩn đe dọa một số chức năng của tiền tệ truyền thống. Một ví dụ đơn giản là khi các đồng tiền kỹ thuật số có biến động, sẽ ảnh hưởng đến tiền tệ thực theo hướng: Giá của đồng tiền ảo chủ chốt (Bitcoin) tăng, nhiều nhà đầu tư sẽ chuyển sang tiền tệ thực và tỷ giá hối đoái qua đó sẽ được đánh giá cao hơn; hoặc nếu có diễn biến ngược lại, tỷ giá hối đoái sẽ bị đánh giá thấp (điều này có thể mở rộng tương quan với diễn biến giá dầu, vàng, chứng khoán...)
Ngày nay, một chuyên gia cho biết, trong quan điểm của nhà đầu tư, Bitcoin thậm chí còn được xem như “vàng 2.0”. Còn trong định hướng của một số quốc gia chẳng hạn như El Salvador đã tiên phong, Bitcoin thậm chí còn được xác định là tiền pháp định. Với sự chi phối của tiền kỹ thuật số, các NHTW theo đó sẽ không chỉ phải có chính sách giám sát biến động của tiền kỹ thuật số và tỷ giá hối đoái có cơ sở để đưa ra những kế hoạch phù hợp, còn phải lên kế hoạch cho chương trình tiền tệ kỹ thuật số quốc gia (CBDC). Đây không chỉ là cuộc đua của những “siêu cường tiền tệ” mà còn có thể là một “chìa khóa” để các NHTW tích hợp vào một chính sách tiền tệ phù hợp, tạo cơ chế tiền tệ lý tưởng, dù điều đó cho đến tận cuối 2021, cơ bản vẫn đang trên lý thuyết.
Có thể bạn quan tâm
Đầu tư 1.000 USD vào top 4 tiền kỹ thuật số từ đầu năm 2021, bạn sẽ được gì?
04:39, 30/12/2021
[eMagazine] Top 10 sự kiện nổi bật thế giới do Diễn đàn Doanh nghiệp bình chọn
11:00, 29/12/2021
[eMagazine] Ngân hàng Việt 2021 - Một năm nhìn lại
05:30, 31/12/2021
Trung Quốc tiếp tục tham vọng quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ
11:00, 30/12/2021
Tiền kỹ thuật số hưởng lợi từ chính sách “diều hâu” của Fed
14:30, 17/12/2021
Fed thu hẹp chính sách tiền tệ, Việt Nam thận trọng trước nguy cơ lỡ nhịp
16:00, 16/12/2021