Thách thức trụ hạng VNM ETF của GEX
Trong đợt cơ cấu định kỳ vừa qua, quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) thêm Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (HoSE: GEX) vào danh mục đầu tư của mình.
Áp lực cạnh tranh, nợ phải trả... là những thách thức lớn đối với GEX trụ hạng trong rổ VNM ETF.
Tiềm năng tăng trưởng
GEX hiện đang hoạt động theo mô hình tập đoàn với 10 Cty con thuộc 4 phân khúc chính, bao gồm thiết bị điện, điện năng, logistics và bất động sản. Trong đó, thiết bị điện hiện đang là mảng kinh doanh cốt lõi của GEX, chiếm 89% doanh thu.
Có thể bạn quan tâm
GEX đang muốn gì ở CADIVI?
10:30, 16/04/2018
Cổ phiếu GEX có gì hấp dẫn?
10:13, 18/01/2018
GEX sẽ nâng tỷ lệ sở hữu CAV lên gần 80%
06:15, 01/12/2017
Trong thời gian tới, GEX có thể hưởng lợi từ tăng trưởng ổn định của ngành điện. Bởi theo quy hoạch tổng thể phát triển điện quốc gia VII, nhu cầu điện năng ở Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng hàng năm đáng khích lệ là 9% từ nay đến năm 2025 và 8% đến năm 2030.
Doanh thu và lợi nhuận ròng hợp nhất của GEX trong năm 2018 dự kiến đạt lần lượt 14,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23% và 1,1 nghìn tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2017, nhờ sự tăng trưởng của cáp và kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu của GEX tại các cty con trong mảng thiết bị điện.
Ở mức giá hiện tại 23.200 đồng/cp, GEX đang giao dịch tại mức PE 2018 là 9,3 lần. Mức định giá này vẫn có tiềm năng tăng trưởng nếu tính đến tốc độ tăng trưởng ngành khoảng 10% trong vài năm tới và giá trị tài sản bất động sản tiềm ẩn của doanh nghiệp này.
Tái cấu trúc mảng thiết bị điện
Theo Ban lãnh đạo GEX, có được kết quả tăng trưởng ổn định trong năm 2018 là nhờ Tcty đã bước đầu tái cơ cấu thành công mảng thiết bị điện, mở rộng đầu tư sang lĩnh vực tiện ích.
Đầu năm 2018, GEX đã tiến trình tái cấu trúc mảng logistics, là mảng có mức tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, GEX cũng định hướng phát triển thêm các hạ tầng logistics như các cảng sông, biển, các trung tâm phân phối tại các thành phố lớn, đón đầu xu thế tất yếu là trung tâm phân phối khu vực, phục vụ dịch vụ thương mại điện tử.
952 tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất của GEX trong 9 tháng đầu năm 2018, tăng 51,3%- so với cùng kỳ năm 2017.
Từ nguồn lực có được từ các mảng hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững là thiết bị điện và logistics, GEX tập trung đầu tư dài hạn vào mảng tiện ích (bao gồm năng lượng và nước sạch). Đây là mảng hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm thiết yếu cho người dân và cho phát triển nền kinh tế với độ an toàn rất cao cho thu nhập ổn định. Định hướng từ nay đến năm 2025, GEX sẽ phát triển 800 Mw điện tái tạo, trong đó tập trung vào điện mặt trời và điện gió.
Đối với mảng BĐS, GEX hiện đang hoàn thiện thủ tục pháp lý cần thiết cho các dự án được hình thành trên cơ sở quỹ đất của Tcty và các doanh nghiệp thành viên nên không sử dụng nhiều nguồn lực. Theo kế hoạch, mảng BĐS sẽ bắt đầu phát triển mạnh trong giai đoạn 2020-2025, đóng góp nguồn thu lớn cho GEX trong giai đoạn này.
Áp lực trả nợ lớn
Với GEX, dù hoạt động đa ngành với thế mạnh là mảng thiết bị điện, nhưng vẫn đang chịu áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành.
Dù đã lọt vào rổ MVIS Vietnam Index, nhưng GEX vẫn cần nỗ lực thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu không, trong bất kỳ đợt cơ cấu tiếp theo sẽ bị loại khỏi rổ chỉ số này.
Theo chuyên viên kiểm toán Nguyễn Hữu Hùng, với đặc thù ngành thiết bị điện đòi hỏi đầu tư lớn và 65% nguồn vốn đầu tư đều phải đi vay, thì lãi vay hiện đang là một trong những áp lực lớn đối với doanh nghiệp ngành thiết bị điện nói chung và GEX nói riêng, nhất là khi lãi suất cho vay đang có xu hướng gia tăng.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng chi phí lãi vay của GEX hơn 336 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 22% lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này. Trong kỳ, GEX phải trả nợ gốc vay 5.617 tỷ đồng.
Ngoài ra, GEX đã chuyển đổi sang kinh doanh 95% các sản phẩm mới (công tơ điện tử..) và chỉ còn lại 5% các sản phẩm truyền thống đã có thương hiệu (công tơ cơ khí và máy biến áp…). Theo đó, GEX không còn độc quyền như đối với các sản phẩm truyền thống mà phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn từ những đối thủ cạnh tranh có quy mô vốn lớn và trình độ công nghệ hiện đại, đặc biệt là Viettel.
Chiến lược đầu tư theo VNM ETF Với quy mô tài sản hàng trăm triệu USD, những đợt cơ cấu danh mục của quỹ VNM ETF thường ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Chiến thuật mua, bán ngược lại VNM ETF không mới, song nhiều khả năng vẫn còn giá trị. Bởi lẽ, những cổ phiếu được quỹ này dự kiến mua vào thường tăng giá từ trước nên khi nhà đầu tư mua vào theo các quỹ có thể không mang lợi nhuận tốt trong ngắn hạn. Ngược lại, những cổ phiếu bị quỹ này bán ra thường có diễn biến giảm, trở về mức giá hấp dẫn và dễ trở thành khoản đầu tư sinh lời trong thời gian sau đó. Một số nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm cho rằng, ở giai đoạn quỹ VNM ETF thực hiện tái cơ cấu, nhà đầu tư nên thận trọng quan sát và đánh giá kỹ các cơ hội đầu tư, nhiều khi cơ hội đến từ nhóm cổ phiếu do quỹ này bán ra. Việc FED tăng lãi suất lên 2,5% sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến dòng vốn của quỹ VNM ETF tại các thị trường mới nổi và cận biên. Tuy vậy, đối hoạt động tái cơ cấu của quỹ VNM ETF tại Việt Nam, biến động tỷ giá USD/VND gần như không có ảnh hưởng, bởi đây là hoạt động định kỳ và họ thực hiện theo đúng nguyên tắc quản lý danh mục đã được xây dựng từ đầu. |