Áp lực cạnh tranh với BVH
Việc nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chính sách tăng mạnh chi trả hoa hồng, thù lao là một trong những thách thức lớn đối với Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH).
BVH đầu tư vốn vào các Cty con, Cty liên kết, kinh doanh dịch vụ tài chính và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật và kinh doanh bất động sản.
Tăng trưởng nhờ kinh doanh cốt lõi
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2018, tổng doanh thu hợp nhất của BVH đạt 41.799 tỷ đồng, tăng gần 28% so với năm 2017. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm đạt 30.760 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2017, bao gồm phí bảo hiểm gốc đạt 31.349 tỷ đồng, tăng 23% và phí nhận tái bảo hiểm đạt hơn 242 tỷ đồng, giảm 9%.
Trong năm ngoái, doanh thu hoạt động tài chính của BVH tăng 57% so với năm 2017, đạt 9.029 tỷ đồng, cao hơn so với mức tăng của chi phí tài chính, nên lợi nhuận gộp từ hoạt động tài chính đạt 7.327 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của BVH đạt 1.134 tỷ đồng, giảm hơn 29,5% so với năm 2017.
Có thể bạn quan tâm
BVH mạnh tay chi cổ tức 2017
11:01, 20/06/2018
Lý giải "ngôi vương" của BVH trong thị trường bảo hiểm
11:29, 09/06/2018
Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Giá trị vốn hóa đạt 2,5 tỷ USD
10:01, 31/01/2018
Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Khẳng định vị trí số 1 trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ
10:32, 02/11/2017
Trong khi các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản tăng trưởng chậm thì lĩnh vực bảo hiểm vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Đặc biệt, bảo hiểm nhân thọ đang trở thành kênh an toàn được người dân lựa chọn.
Với lợi thế về thương hiệu, thị phần, mạng lưới phân phối quy mô lớn, cơ cấu sản phẩm đa dạng, BVH hiện cung cấp ra thị trường với 80 sản phẩm phi nhân thọ, 50 sản phẩm nhân thọ và các dịch vụ tài chính đa dạng cho khách hàng.
Thách thức trong môi trường cạnh tranh
Trong khi mảng bảo hiểm nhân thọ dễ dàng cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thành lập Cty/chi nhánh mới, thì mảng bảo hiểm phi nhân thọ có vẻ “chật chội” hơn. Bên cạnh đó, thị phần mảng phi nhân thọ đang bị chi phối bởi các Cty “big 5” trong nước đang chiếm 60% thị phần. Vì vậy, các nhà bảo hiểm quốc tế thường tham gia thị trường thông qua hợp tác chiến lược.
1.134 tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất của BVH trong năm 2018, giảm 29,5% so với năm 2017.
Trong khi đó, bancassurance đã và đang được các doanh nghiệp bảo hiểm xem là kênh phân phối tiềm năng bên cạnh các kênh truyền thống. Hiện Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) đang dẫn đầu top cung cấp sản phẩm bancassurance, đây cũng chính là đối thủ đáng gờm của BVH khi phân khúc thị trường này ngày càng hẹp lại.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bảo hiểm đã dẫn đến một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đưa ra mức chi phí lên đến 20% doanh thu, cao hơn nhiều so với hoa hồng cho đại lý. Đáng lo ngại hơn, việc doanh nghiệp bảo hiểm chi trả hoa hồng, thù lao cao đột biến nhằm lôi kéo toàn bộ hệ thống kinh doanh của ngân hàng đang hợp tác với doanh nghiệp bảo hiểm khác về với mình sẽ gây xáo trộn tới hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm hiện hữu. Đây chính là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung và BVH nói riêng.
Cổ phiếu bị loại khỏi rổ VN30
Với sự hỗ trợ của cổ đông chiến lược trước đây là HSBC, nay là Tập đoàn Sumitomo Life, BVH đã xây dựng nền được tảng vững chắc về quản trị, nhằm đảm bảo cơ chế quản trị và quản lý rủi ro. Việc cơ cấu lại mô hình quản trị theo thông lệ quốc tế bước đầu đã giúp BVH tăng cường hiệu quả quản trị điều hành, từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Dù đã đạt được những tiêu chí cao về quản trị, nhưng tại sao cổ phiếu BVH bị loại ra khỏi rổ VN30? Trước hết nói về thanh khoản trong những phiên giao dịch gần đây, đặc biệt là ngày 20/2, giá BVH chạm mức 96.000 đồng/cp, nhưng chỉ 88.000 cổ phiếu được khớp lệnh với trị giá 8.400 tỷ đồng trong phiên. So với các cổ phiếu trong rổ VN30, thì tính thanh khoản cổ phiếu này rất thấp, hiếm khi nào thấy khối lượng giao dịch cổ phiếu BHV đạt trị giá chuyển nhượng trên triệu đơn vị.
Tính đến tháng 10/2018, toàn thị trường có 740 doanh nghiệp niêm yết, với giá trị vốn hóa gần 3.400.000 tỷ đồng, nhưng vốn hóa có khả năng chuyển nhượng chỉ chiếm 1/3. Sở dĩ như vậy là do vốn Nhà nước vẫn chiếm quá lớn tại các doanh nghiệp niêm yết.
Dù là cổ phiếu lớn, nhưng do sở hữu cổ phần Nhà nước lớn (Bộ Tài chính sở hữu tới 68,8% vốn tại BVH), BHV đã và đang không nhận được nhiều quan tâm của các nhà đầu tư.
“Chất xúc tác” cho bảo hiểm Một trong những điểm nổi bật của ngành bảo hiểm trong năm 2018 là thu hút thêm không ít vốn đầu tư nước ngoài. Vốn ngoại góp phần củng cố năng lực tài chính, tăng cường an toàn trong hoạt động, nâng cao quản trị điều hành, phát triển nền tảng công nghệ thông tin, phát triển các kênh khai thác khách hàng, quản trị rủi ro cho doanh nghiệp. Kế hoạch thoái vốn của Chính phủ đối với ngành bảo hiểm dự kiến sẽ tăng tốc vào năm 2019. Đây sẽ là một chất xúc tác cho làn sóng hợp tác đang gia tăng giữa các Cty bảo hiểm trong nước và các đối tác nước ngoài trong việc nâng cao chuyên môn bảo hiểm và trình độ quản lý. Bộ Tài chính hiện đang xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm mới, đặc biệt là phân tích, đánh giá, đề xuất mô hình vốn trên cơ sở rủi ro, cách thức quản trị rủi ro nhằm phù hợp thông lệ quốc tế, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để đáp ứng mô hình vốn và chuẩn mực kế toán, góp phần đưa thị trường bảo hiểm ngày càng phát triển. Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng theo VDSC, ngành bảo hiểm trong thời gian tới sẽ gặp nhiều thách thức khi thiên tai có thể nghiêm trọng hơn dự báo. Thiên tai là rủi ro lớn nhất đối với các Cty bảo hiểm do thiệt hại nghiêm trọng và không thể đoán trước có thể khiến chi phí bồi thường cao hơn dự báo. Ngoài ra, sự cạnh tranh sẽ gia tăng từ chương trình bảo hiểm y tế bắt buộc của Chính phủ có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2018. Điều này có thể khiến nhu cầu bảo hiểm sức khỏe sụt giảm. |