HĐQT Tập đoàn Bảo Việt sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch chi trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 10%, tương đương với số tiền dự kiến chia cổ tức là hơn 700 tỷ đồng, bằng 68,3% lợi nhuận sau thuế của năm.
Kế hoạch kinh doanh năm 2018
Ngày 27/6 tới, BVH sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018. Tại đại hội lần này, BHV sẽ tiến hành bầu thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2018-2023 với số lượng thành viên HĐQT là 9 thành viên và số lượng BKS là 3 người. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, danh sách các ứng viên vào HĐQT và BKS vẫn chưa được công bố.
Theo tài liệu gửi trước cho cổ đông, trong năm 2018, BVH đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 36.799 tỷ đồng, tăng trưởng 12,4% so với năm 2017; lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 1.348 tỷ đồng.
Tổng doanh thu của công ty mẹ năm 2018 dự kiến đạt 1.428 tỷ đồng, tăng trưởng 3,1% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 1.050 tỷ đồng.
Lãnh đạo BVH cũng cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2018 được xây dựng dựa trên cơ sở lãi suất trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhận thọ là 4%, bằng lãi suất trích lập năm 2017.
Trong điều kiện thị trường lãi suất trái phiếu chính phủ biến động như hiện nay, căn cứ lãi suất trích lập dự phòng thực tế theo quy định và tình hình thị trường, HĐQT sẽ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2018 của tập đoàn tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019.
Về phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế năm 2017 và năm 2018, HĐQT BVH trình cổ đông thông qua kế hoạch chi trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 10%, tương đương với số tiền dự kiến để chia cổ tức là hơn 700 tỷ đồng, bằng 68,3% lợi nhuận sau thuế của năm.
Tương tự, kế hoạch chia cổ tức năm 2018 dự kiến cũng là 10%, với giả định lãi suất trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ là 4%. Tuy nhiên, lãnh đạo BVH cũng cho hay, tỷ lệ cổ tức chính thức sẽ được nghiên cứu, trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 biểu quyết thông qua trên cơ sở kết quả kinh doanh, tình hình tài chính năm 2018 và nhu cầu đầu tư tiếp theo của tập đoàn.
Vị trí của BVH trên thị trường bảo hiểm
Hiện nay, BVH đang dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm lẫn doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới trong vòng hơn 1 năm trở lại đây. Đây là một quá trình không dễ dàng gì với BVH khi trước đó 2 năm, BVH vẫn còn đứng sau PVI trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT). Còn trên thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT), BVH cũng chỉ đứng thứ 2, là doanh nghiệp nội duy nhất, phải cạnh tranh suýt soát về thị phần với 4 ông lớn nước ngoài là Prudential, Manulife, AIA, Dai-ichi.
Có thể bạn quan tâm
|
Theo báo cáo của Cục quản lý giám sát bảo hiểm- Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 2 tháng đầu năm 2018 ước đạt 16.587 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó doanh thu phí BHPNT ước đạt 7.271 tỷ đồng, tăng 17,55% so với cùng kỳ năm 2017 và doanh thu phí BHNT ước đạt 9.316 tỷ đồng, tăng 33,34% so với cùng kỳ năm 2017.
Đối với BHPNT, dẫn đầu thị trường về doanh thu phí gốc là BVH với doanh thu ước đạt 1.682 tỷ đồng, tăng 34,46%, chiếm thị phần 23,13%. Tiếp đến là PVI (1.137 tỷ đồng, tăng 13,89%, chiếm thị phần 15,64%), PTI (588 tỷ đồng, tăng 16,41%, chiếm thị phần 8,09%), Bảo Minh (545 tỷ đồng, tăng 5,14%, chiếm thị phần 7,50%), PJICO (395 tỷ đồng, tăng 3,48%, chiếm thị phần 5,43%).
Mảng BHNT được đánh giá vẫn còn nhiều dư địa, việc khai thác bảo hiểm qua kênh Bancassurance hiện cũng mới chỉ mới đạt 6% tổng doanh thu của ngành trong khi trên thế giới tỷ lệ này là 70%. Do đó, sự tham gia hợp tác của các ngân hàng lớn được dự báo sẽ vừa thúc đẩy, đồng thời tác động không nhỏ tới thị phần của thị trường bảo hiểm. Trong khi BVH gần đây đã ký kết với OCB thì trước đó Prudential hợp tác với VIB, Maritime Bank; Dai-ichi hợp tác với Sacombank, SHB; Manulife hợp tác với Techcombank; AIA với VPBank và DongA Bank,...
Ở thị trường BHPNT, sự bứt phá của BVH đến từ sự tăng trưởng của mảng bán lẻ, đồng thời đối thủ hàng đầu là PVI chậm lại do khó khăn ở ngành dầu khí. Tuy nhiên, vị trí của BVH có duy trì được lâu hay không khi PVI sẽ không dễ từ bỏ vị trí dẫn đầu, trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng đã bắt đầu gia tăng kinh doanh mảng bán lẻ, đặc biệt ở sản phẩm bảo hiểm cơ giới và bảo hiểm sức khỏe.
Kết thúc quý I/2018, BVH cho biết ghi nhận tổng doanh thu ước đạt 7.170 tỷ đồng (tăng 53,1%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 4.623 tỷ đồng (tăng 28,7%). Trong khi đó, ở lĩnh vực BHPNT, BVH cho biết tổng doanh thu đạt 2.783 tỷ đồng, tăng 31%. Doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng 31,7% so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 37,9% kế hoạch năm, tăng trưởng 18,8%.
Trong 1 năm qua, giá cổ phiếu BVH đã tăng mạnh từ mức 59.000 đồng/cổ phiếu lên 82.000 đồng/cổ phiếu, đạt mức tăng 39%. Mới đây, Tập đoàn đã phát hành hơn 20,4 triệu cổ phiếu BVH theo chương trình ESOP với mức giá 35.900 đồng/cp. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của BVH tăng từ gần 6.805 tỷ đồng lên gần 7.009 tỷ đồng.
Dự kiến trong tháng 6/2018, số cổ phiếu này được vào giao dịch sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch theo quy định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM.