Thấy gì từ việc ngân hàng bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp?

Theo baodauthau 25/04/2019 10:33

Trái phiếu doanh nghiệp đã đắt hàng hơn trước nhờ vai trò bảo lãnh phát hành của các ngân hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải chịu chi phí phát hành cao hơn, ngân hàng cũng chịu rủi ro về nguồn vốn.

Ngân hàng có nghiệp vụ và có mạng lưới khách hàng tiềm năng nên có thể hỗ trợ để đợt phát hành trái phiếu DN đạt hiệu quả tối ưu. Ảnh: Lê Tiên

Ngân hàng có nghiệp vụ và có mạng lưới khách hàng tiềm năng nên có thể hỗ trợ để đợt phát hành trái phiếu DN đạt hiệu quả tối ưu. Ảnh: Lê Tiên

Phải kiểm soát chặt nguồn thu

Khách hàng gửi tiết kiệm tại nhiều ngân hàng thương mại cổ phần thường được mời chào mua trái phiếu DN do ngân hàng hoặc công ty chứng khoán của ngân hàng bảo lãnh phát hành. Các loại trái phiếu này thường có kỳ hạn từ 1 - 3 năm và lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Trong trường hợp người mua trái phiếu muốn rút tiền trước hạn, ngân hàng có thể hỗ trợ chi trả, và người nắm giữ trái phiếu phải chấp nhận giảm một phần lãi suất so với lãi suất của trái phiếu.

Với vai trò là nhà tạo lập thị trường, các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ nhiều DN phát hành trái phiếu thành công, qua đó huy động được nguồn vốn trung - dài hạn cho các dự án kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm

  • “Rộng cửa” cho trái phiếu doanh nghiệp

    “Rộng cửa” cho trái phiếu doanh nghiệp

    09:00, 15/04/2019

  • “Nâng đời” trái phiếu doanh nghiệp

    “Nâng đời” trái phiếu doanh nghiệp

    11:01, 11/03/2019

  • Trái phiếu doanh nghiệp: Mảng kém sáng của thị trường vốn

    Trái phiếu doanh nghiệp: Mảng kém sáng của thị trường vốn

    11:01, 31/08/2018

  • Lại

    Lại "nóng" chuyện phát hành trái phiếu doanh nghiệp

    11:20, 19/04/2018

Chuyên viên tư vấn phát hành trái phiếu DN của một ngân hàng thương mại cho biết, thông thường, các ngân hàng thu xếp bảo lãnh phát hành trái phiếu cho từng dự án cụ thể của DN. Khi đó, ngân hàng và DN sẽ có thỏa thuận bằng văn bản về tài sản thế chấp, kiểm soát dòng tiền của dự án, chẳng hạn, các khoản thanh toán của khách hàng mua sản phẩm dự án chỉ được chuyển khoản vào một tài khoản nhất định của ngân hàng bảo lãnh phát hành.

“Dù thỏa thuận như vậy nhưng trong nhiều trường hợp, nhân viên ngân hàng phải đến ngồi tại dự án để có thể thu tiền của khách hàng mua sản phẩm dự án. Nói chung, ngân hàng sẽ kiểm soát nguồn thu của dự án chặt nhất có thể”, chuyên viên tư vấn cho biết.

Phân tích về cách thức phát hành như trên, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng: “Các ngân hàng thương mại có chức năng tư vấn về dịch vụ tài chính, trong đó có chức năng liên quan đến tư vấn phát hành trái phiếu cho DN. Các ngân hàng thương mại có thể trực tiếp làm hoặc ủy quyền cho công ty chứng khoán là công ty “con” của ngân hàng làm. Đây cũng là một nghiệp vụ của ngân hàng để đa dạng hóa sản phẩm, tận dụng nguồn lực và mang thêm nguồn thu nhập cho hoạt động kinh doanh. Mặt khác, ngân hàng có nghiệp vụ và có mạng lưới khách hàng tiềm năng nên có thể hỗ trợ thực hiện để đợt phát hành đạt hiệu quả tối ưu”. 

Kế hoạch kinh doanh tín dụng có thể bị xáo trộn

Đồng tình với quan điểm về mặt tích cực của cách thức phát hành trên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, diễn biến trên thị trường trái phiếu DN gần đây với số đợt phát hành và quy mô các đợt phát hành ngày càng lớn cho thấy thị trường đã có bước tiến nhất định.

Tuy nhiên, theo vị Phó Chủ tịch VAFI, việc thuê tư vấn và bảo lãnh phát hành khiến chi phí phát hành trái phiếu của DN tăng đáng kể và giảm hiệu quả của khoản nợ này.

“Do thị trường trái phiếu DN của Việt Nam chưa phát triển mạnh nên DN phải thông qua ngân hàng hoặc công ty chứng khoán thuộc ngân hàng để phát hành công cụ nợ. Hiện tại, việc DN tự phát hành sẽ khó khăn hơn cách thuê tư vấn và bảo lãnh phát hành”, ông Hải nói.

Xem xét từ góc độ rủi ro với ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ: “Khi thực hiện bảo lãnh phát hành, ngân hàng phải bao tiêu toàn bộ. Trong trường hợp bộ phận thẩm định dự án và tư vấn làm việc không tốt, trái phiếu DN không bán được thì ngân hàng sẽ chịu rủi ro. Khi đó, ngân hàng từ vai trò tư vấn phát hành lại trở thành bên cho vay hoặc nhà đầu tư, và như vậy, mục tiêu tư vấn đã không còn đúng bản chất, nguồn vốn của ngân hàng bị ảnh hưởng và làm xáo trộn kế hoạch kinh doanh tín dụng”.

Bên cạnh đó, theo ông Lực, việc ngân hàng bảo lãnh phát hành trái phiếu có thể gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc đánh giá, theo dõi hoạt động của ngân hàng xem khoản nào là khoản vay và khoản nào là đầu tư.

Bàn về cách thức thúc đẩy thị trường trái phiếu DN trong thời gian tới, ông Hải cho rằng, cùng với nỗ lực tạo dựng đầy đủ hành lang pháp lý cho thị trường, cần tăng khả năng cạnh tranh cho trái phiếu DN so với trái phiếu chính phủ.

“Thị trường đang có sự cạnh tranh khá quyết liệt giữa hai sản phẩm trái phiếu này. Trái phiếu DN đang có phần kém hấp dẫn hơn bởi trái phiếu chính phủ được phát hành quá nhiều và lãi suất khá cao”, ông Hải nói.

Từ khía cạnh khác, vị Phó Chủ tịch VAFI cho biết, một trong những nguyên nhân khiến DN không dễ dàng phát hành trái phiếu là do thông tin trên thị trường chưa đủ minh bạch. Do đó, cần tăng cường bắt buộc DN áp dụng các chuẩn mực tài chính quốc tế để tăng độ tin cậy với nhà đầu tư.

“Mặt khác, nên thúc đẩy hoạt động xếp hạng tín nhiệm của DN và  ngân hàng để nhà đầu tư trái phiếu DN định mức được rủi ro khi đầu tư. Thị trường công ty định mức tín nhiệm của Việt Nam gần như chưa có dấu hiệu hoạt động, ngoại trừ một vài văn bản đã được ban hành”, ông Hải nói.

Theo baodauthau