Xu hướng siết chặt tăng trưởng tín dụng đã và đang khiến các ngân hàng chuyển từ huy động để cho vay sang làm “cầu nối” giúp doanh nghiệp huy động vốn thông qua bảo lãnh phát hành trái phiếu.
Làn sóng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ mạnh mẽ từ 1-2 năm nay với sự góp sức của các ngân hàng thông qua các Cty chứng khoán trực thuộc.
Bùng nổ bảo lãnh trái phiếu
Điển hình cho xu hướng trên là Cty Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities - TCBS). Năm 2018 đã ghi nhận một kỷ lục mới trên thị trường trái phiếu khi TCBS phát hành thành công hơn 61.992 tỷ đồng trái phiếu cho các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, tăng 79% so với năm 2017. Theo một lãnh đạo của TCBS, để đạt được thành công này, TCBS đã bán cho các khách hàng cá nhân và tổ chức thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có việc “tận dụng” tối đa 284 chi nhánh của Techcombank.
Có thể nói thúc đẩy phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang là một điểm nhấn quan trọng trong quan điểm kinh doanh của Techcombank. Thay vì đẩy mạnh các khoản cho vay trung dài hạn, ngân hàng này chuyển sang tư vấn và phối hợp với doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn trung dài hạn. Theo đó, Techcombank kết nối sự tham gia của lực lượng lớn các nhà đầu tư cá nhân- những khách hàng có những khoản tiền gửi lớn trung dài hạn. Thậm chí để khuyến khích khách hàng tham gia đầu tư trái phiếu iBond, Techcombank còn cho phép khách hàng cầm cố trái phiếu để vay vốn tại Techcombank.
Có thể bạn quan tâm
11:01, 11/03/2019
11:20, 19/04/2018
11:10, 01/11/2017
10:39, 09/09/2017
03:45, 30/08/2017
05:21, 19/08/2017
Trên thực tế, doanh thu và lợi nhuận từ mảng dịch vụ của một số ngân hàng tăng mạnh do có sự đóng góp không nhỏ từ hoạt động bán trái phiếu doanh nghiệp. Điều đó là hoàn toàn có lý khi mà mảng kinh doanh này đã làm nên kết quả hết sức khả quan của các Cty chứng khoán trực thuộc các nhà băng trong năm qua. Đơn cử trong 2018, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của TCBS đạt lần lượt 1.872 tỷ đồng và 1.532 tỷ đồng, tăng 72% và 68% so với năm 2017. Trong đó, doanh thu tư vấn doanh nghiệp đạt 1.228 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm trước.
Cẩn trọng rủi ro
Theo một chuyên gia ngân hàng, sự bùng nổ hoạt động bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các nhà băng xuất phát từ một số lý do: Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng đang có xu hướng được thắt chặt lại khi mà hiện dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đã lên tới 130% GDP.
Thứ hai, tín dụng trung dài hạn bị siết chặt hơn khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 40% từ đầu năm nay. Vì thế, các ngân hàng không thể đẩy mạnh cho vay trung dài hạn đối với doanh nghiệp như trước kia, trong khi hiện nhu cầu vốn trung dài hạn của doanh nghiệp là rất lớn.
Trước đây, các nhà băng thường lách hạn mức tăng trưởng tín dụng bằng chiêu mua trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên từ mấy năm nay, “chiêu” này đã không còn tác dụng khi mà theo quy định hiện hành của NHNN, mua trái phiếu cũng phải tính vào hạn mức tín dụng.
“Trong bối cảnh đó, chỉ có bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp xem ra là hợp lý hơn cả vì vừa thu được phí lại không bị tính vào hạn mức tín dụng, và ngân hàng không phải phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro”, vị chuyên gia trên phân tích.
Trên thực tế, không ít người gửi tiền đã tham gia vào trào lưu này vì có thể được hưởng lãi suất cao hơn tới 3-4%/năm so với lãi suất tiết kiệm và người mua chỉ cần nắm giữ một thời gian nhất định. Sau đó, nếu muốn bán lại, ngân hàng sẽ mua.
Với các doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu giúp doanh nghiệp nhanh chóng có được nguồn vốn với thời hạn phù hợp, trong bối cảnh nguồn tín dụng trung dài hạn bị siết lại. Điều đó cũng có nghĩa, doanh nghiệp không phải lo thiếu vốn dù tăng trưởng tín dụng bị siết chặt hơn. Tuy nhiên, cái giá phải trả là doanh nghiệp phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn lãi vay ngân hàng, cộng thêm chi phí tư vấn, bảo lãnh phát hành của các nhà băng.
Trong khi đó, việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cũng không phải không có rủi ro. Bởi nếu việc đầu tư nhầm vào trái phiếu của những doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ hay thậm chí có nguy cơ phá sản, khoản đầu tư đó sẽ gặp rủi ro. Cũng chính bởi vậy, các ngân hàng sẽ phải chịu “rủi ro kép” từ phía doanh nghiệp và cả nhà đầu tư khi cho phép nhà đầu tư được cầm cố trái phiếu để vay vốn.
Đó chính là lý do khi đầu tư vào trái phiếu, các chuyên gia thường khuyên nhà đầu tư phải quan tâm đến hệ số tín nhiệm của các doanh nghiệp phát hành. Thế nhưng đây lại đang là một khó khăn khi hiện nay Việt Nam vẫn chưa có hệ thống đánh giá tín nhiệm đạt chuẩn quốc tế.