[eMagazine] “Ông trùm giải cứu” Mai Hữu Tín và cuộc lột xác TTF
Tài năng và nhạy bén, “ông trùm giải cứu” Mai Hữu Tín đang dần hồi sinh, đưa “con tàu đắm” Gỗ Trường Thành, trở lại với đại dương, khẳng định bản lĩnh của vị thuyền trưởng được nhà đầu tư tin tưởng.
Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) vừa thông qua phương án chào bán riêng lẻ 59,5 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp và phát hành 40,5 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ. Qua đó, vốn điều lệ dự kiến sẽ tăng lên 4.112 tỷ đồng.
Cụ thể, công ty chào bán riêng lẻ gần 59,5 triệu cổ phiếu, tương đương 19% lượng cổ phiếu đang lưu hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Cổ phiếu phát hành là cổ phiếu ưu đãi với mức cổ tức cố định 12%/năm. Giá chào bán cho nhà đầu tư 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về gần 595 tỷ đồng để tái cơ cấu nợ vay, bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mới đây, TTF cũng đã công bố danh sách 19 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong nước đăng ký mua 59,5 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ này. Trong danh sách này chỉ có 01 nhà đầu tư tổ chức là Công ty CP Đầu tư phân phối Satico, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, quản lý kinh doanh với vốn điều lệ 31,8 tỷ đồng, được thành lập vào năm 2017.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, Chủ tịch HĐQT Mai Hữu Tín cho biết sẽ bỏ ra 100 tỷ đồng để mua cổ phiếu ưu đãi cổ tức tỷ lệ 12%/năm. Tuy nhiên, danh sách nhà đầu tư dự kiến không có tên ông cùng những người có liên quan.
Chia sẻ với báo giới mới đây, Chủ tịch Mai Hữu Tín cho rằng, ông có tham gia, nhưng không nhất thiết phải đứng tên. Điều quan trọng là phát hành thành công và ông có đầu tư như đã cam kết. Ông Tín khẳng định sẽ công bố chi tiết sau khi việc phát hành hoàn tất.
Bên cạnh đó, TTF cũng phát hành riêng lẻ 40,5 triệu cổ phiếu. Đây là cổ phiếu ưu đãi hoán đổi nợ liên quan đến Tập đoàn Vingroup, đại diện bởi ông Bùi Hồng Minh. Chủ tịch Mai Hữu Tín cho biết ông đã thuyết phục được phía Vingroup chuyển khoản nợ này thành cổ phần ưu đãi nhận cổ tức 6,5%/năm.
Như vậy, trong đợt này TTF dự kiến sẽ chào bán khoảng 100 triệu cổ phần mới, với giá 10.000 đ/cổ phần, công ty sẽ thu về 1.000 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 600 tỷ hoán đổi nợ với VinGroup, 160 tỷ tất toán nợ quá hạn tại DongABank. Số tiền Công ty thu về để đầu tư vào khoảng 240 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý I/2021, TTF đang bị âm vốn chủ sở hữu 624 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công thì đơn vị sẽ hết bị âm vốn chủ sở hữu, đồng thời sẽ trở thành doanh nghiệp làm ăn có lãi, không vướng nợ xấu và có thể vay thương mại để hoạt động bình thường.
TTF kết thúc thời hoàng kim của mình sau 20 năm đi vào hoạt động. Từ năm 2013, chỉ vì sử dụng đòn bẩy quá lớn để huy động vốn trên sàn chứng khoán, TTF đã phải chịu khoản vay ngân hàng lên tới 1.900 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng. Nhiều khoản vay có lãi suất cao đến 10% và thậm chí 20% đã khiến TTF rơi vào tình trạng hụt vốn.
Cũng đã có thời điểm, giới đầu tư kỳ vọng vào “ông trùm” ngành gỗ TTF sau khi Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (công ty con của Tập đoàn Vingroup) đổ khoảng 1.800 tỷ đồng để mua 72 triệu cổ phiếu TTF, tương ứng sở hữu 49,9% vốn của Gỗ Trường Thành.
Tuy nhiên, tình hình đã không còn tốt đẹp như kỳ vọng. Tân Liên Phát đã công bố việc tạm dừng chuyển đổi khoản vay 1.200 tỷ đồng để nâng sở hữu vì phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng giữa một bên là số liệu mà đại gia sáng lập công ty công bố cho nhà đầu tư và tình hình thực tế mà Tân Liên Phát nắm được. Những sai lệch này chủ yếu liên quan đến hàng tồn kho và công nợ.
Ngay khi thông tin này được công bố, cổ phiếu TTF đã có chuỗi giảm sàn kỷ lục tới 24 phiên liên tiếp, bốc hơi hơn 80% giá trị từ 43.600 đồng xuống 8.100 đồng. Sau đó, khi công bố BCTC quý II/2016, TTF đã giáng một đòn choáng váng vào các cổ đông với khoản lỗ bất ngờ lên đến 1.081 tỷ đồng.
Vấn đề khiến nhà đầu tư “chết lặng” là việc kiểm kê phát hiện thiếu tới gần 980 tỷ đồng hàng tồn kho trong giá vốn hàng bán, khiến cho giá vốn trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng vọt lên mức 1.690 tỷ đồng, cao gấp đôi doanh thu. Đó là chưa kể đến hàng loạt những giao dịch với các công ty có liên quan bị nghi ngờ để tạo doanh thu khống và doanh nghiệp chưa trích lập dự phòng đối với khoản phải thu khó đòi.
Sau khi SAM Holdings và Tân Liên Phát lần lượt rút khỏi TTF, mọi chuyện tưởng như đã an bài theo chiều phá sản đối với thương hiệu gỗ vang bóng một thời này. Đúng vào lúc khó khăn nhất thì nhân tố mới xuất hiện, Công ty CP Xây dựng U&I của Doanh nhân Mai Hữu Tín bắt đầu mua gom cổ phiếu TTF.
Sau khi mua thành công 20% vốn điều lệ của TTF, doanh nhân Mai Hữu Tín chính thức trở thành Tổng Giám đốc của TTF từ tháng 4/2017. Từ đây ông cùng với U&I và sau này là Sứ Thiên Thanh bắt đầu hành trình vực dậy thương hiệu “Gỗ Trường Thành” trở thành công ty nội thất số một Đông Nam Á, dưới thương hiệu mới Total Furniture.
Tại ĐHĐCĐ năm 2019, dù tình hình kinh doanh cũng như giao dịch TTF trên thị trường còn kém sắc, ông Tín tự tin khẳng định: "Chúng tôi cũng mất 2 năm để tìm ra con số lỗ khủng tại Công ty. Đến nay, chúng tôi đã có câu trả lời cho cổ đông, và để có được câu trả lời này TTF đã cùng với đơn vị kiểm toán để truy được tất cả những con số lỗ đã giấu rất nhiều năm".
Đến tháng 6/2020, TTF chính thức ra thông báo ông Võ Trường Thành và ông Võ Văn Diệp Tuấn đã thực hiện hoàn tất việc chuyển giao tài sản theo thỏa thuận khắc phục hậu quả với TTF. Như vậy, sau 3 năm ban lãnh đạo mới do ông Mai Hữu Tín đứng đầu tiếp nhận TTF, đến nay những vấn đề liên quan lùm xùm năm 2016 cơ bản dứt điểm.
Được điều hành bởi “người cầm cương” Mai Hữu Tín cùng Ban lãnh đạo mới, kết quả kinh doanh của TTF qua các năm đều đã có dấu hiệu cải thiện hơn. Cụ thể, TTF lỗ ròng 715 tỷ đồng trong năm 2018 và 897 tỷ đồng vào năm 2019, nhưng đến năm 2020, TTF đã ghi nhận lãi ròng 35 tỷ đồng.
Không hẳn quá khi giới đầu tư gán cho doanh nhân Mai Hữu Tín biệt danh “ông trùm” giải cứu, ngoài thương vụ được cho là “liều” nhất với TTF kể trên. Bởi ông Tín còn được biết đến với nhiều thương vụ “giải cứu” nổi tiếng một thời. Thương vụ M&A nổi tiếng đầu tiên của ông Mai Hữu Tín chính là mua lại Công ty Sản xuất bồn nước Toàn Mỹ vào năm 2007. Nhờ khả năng quản lý của ông Tín và các cộng sự, Tập đoàn U&I đã đưa Toàn Mỹ đi lên, trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành tại khu vực miền Nam.
Năm 2017, tức 10 năm sau, ông Tín đã bán lại Toàn Mỹ cho Tập đoàn Sơn Hà. Mặc dù giá trị hợp đồng M&A không được tiết lộ, nhưng chắc chắn U&I đã thu được nhiều lợi nhuận từ thương vụ đầu tư này.
Một thương vụ M&A khác cũng đã khiến cho tên tuổi của “ông trùm” giải cứu Mai Hữu Tín được nâng tầm và giới đầu tư cũng phải ngả mũ thán phục trước độ “mát tay” của “ông trùm”, đó chính là thương vụ “giải cứu” Giấy Sài Gòn vào năm 2013.
Ông Tín nhớ lại: "Câu chuyện của Giấy Sài Gòn đơn giản chỉ là thiếu vốn. Sau giai đoạn tăng trưởng vượt bậc, năm 2007, Giấy Sài Gòn rơi vào thời kỳ khó khăn khi suy thoái kinh tế ập đến, các nhà đầu tư rút vốn. Năm 2011, đối tác Daio Paper Nhật Bản cũng muốn thoái lui do khó khăn tài chính từ tập đoàn mẹ.
Cùng với đó là chi phí lãi vay đến thời điểm đáo hạn, khi lãi suất ngân hàng lên đến 20%/năm. Năm 2013, tôi mua lại toàn bộ cổ phần và nợ của Daio Paper, với tỉ lệ sở hữu 42,3%, tương đương 416 tỷ đồng mệnh giá. Khi cấp đủ vốn, Giấy Sài Gòn lại hoạt động bình thường, vì đã có sẵn chiến lược đầu tư nền tảng công nghệ rất bài bản, tầm nhìn xa...”
Đến năm 2015, Giấy Sài Gòn cơ bản đi vào hoạt động ổn định, doanh thu đạt hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm và dự kiến có lợi nhuận sau một giai đoạn dài khó khăn. Thậm chí, ông Tín tự tin rằng Giấy Sài Gòn đã có thể cạnh tranh ngang hàng với các doanh nghiệp FDI như Vinacraft của SCG Thái Lan, Chính Dư của Trung Quốc hay Toyo Pulppy của Nhật
Năm 2018, Tập đoàn Sojitz, một Tập đoàn đa ngành của Nhật Bản đã bỏ ra 91,2 triệu USD để mua 90% cổ phần của Giấy Sài Gòn. Theo đó, định giá của doanh nghiệp này lúc bấy giờ vào khoảng 101,3 triệu USD, tương đương 2.320 tỷ đồng. Với mức giá này, rõ ràng khoảng đầu tư của ông Tín đã có lời tốt.
Được mệnh danh là nhà đầu tư "mát tay" trên thương trường, nhưng ông Tín lại cho rằng, ông không phải là người mát tay. Ông quan niệm, nếu mình sống chết với một công ty thì công ty đó sẽ mang gene của mình và ngược lại, mình cũng sẽ mang gene của công ty đó. Một công ty chung một bộ gene, đó chính là văn hoá công ty. Nếu gene đó là gene trội thì công ty sẽ hoạt động tốt và tăng trưởng.
Quay trở lại với kế hoạch phát hành 59,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ của TTF, nếu kế hoạch này thành công thì đây sẽ lại là một dấu ấn nữa của “ông trùm giải cứu” Mai Hữu Tín. Việc có đến 19 nhà đầu tư “tranh mua” cổ phiếu TTF, trong khi giá phát hành cao hơn thị giá thực của cổ phiếu trên thị trường cho thấy rằng, nhà đầu tư đã tin tưởng vào sự hồi phục của doanh nghiệp đã từng một thời đứng đầu ngành gỗ này. Nhưng quan trọng hơn hết là họ tin tưởng vào “linh hồn” của doanh nghiệp, tin vào “người thuyền trưởng”, vào giá trị cổ phần sẽ lại đến những thời điểm TTF nằm đỉnh với thị giá 43.000 đ/cổ phiếu, thanh khoản có phiên lên đến trên 30 triệu đơn vị cổ phiếu được sang tay. Và với chiến lược mà “ông trùm giải cứu” Mai Hữu Tín cùng các cộng sự của mình đã vạch ra, thì sự trở lại của thương hiệu gỗ một thời này hẳn sẽ không còn xa.
Có thể bạn quan tâm