Vì sao kiểm toán lưu ý khoản 2.900 tỷ đồng của Quốc Cường Gia Lai?
Trong BCTC bán niên 2021 của QCG, kiểm toán nhấn mạnh đến khoản nợ tiềm tàng liên quan đến kết quả vụ kiện mà QCG đang khởi kiện Công ty cổ phần Đầu tư Sunny Island tại VIAC.
Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) đã công bố BCTC kiểm toán bán niên 2021, với doanh thu thuần đạt 550 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2020 do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm giảm mạnh sản lượng bán cũng như bàn giao cho khách hàng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế thu về 28 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với nửa đầu năm ngoái.
Đáng chú ý, kiểm toán còn nhấn mạnh đến khoản nợ tiềm tàng liên quan đến kết quả vụ kiện mà QCG đang khởi kiện Công ty CP Đầu tư Sunny Island tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Ghi nhận trên BCTC hợp nhất bán niên soát xét, khoản phải trả cho Sunny Island lên đến gần 2.900 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía QCG, đây là khoản tiền công ty nhận từ đối tác từ nhiều năm trước nhưng chưa thể triển khai dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM) do các thủ tục pháp lý thay đổi. Hiện, QCG đang yêu cầu Sunny Island hoàn trả toàn bộ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ đền bù nhận tại ngân hàng BIDV, toàn bộ hồ sơ đền bù đang nắm giữ.
Cụ thể, trong giai đoạn 2017 - 2018, QCG đã được đối tác muốn mua dự án Phước Kiển là Sunny Island ứng khoản tiền 50 triệu USD. Đến đầu năm 2021, QCG quyết định khởi kiện đối tác đến từ Hồng Kông liên quan đến tranh chấp hợp đồng tại dự án này ra VIAC và đã được thụ lý.
Ban lãnh đạo QCG cũng nhấn mạnh nhận định rủi ro tổn thất từ vụ kiện là thấp, và chưa có kết quả sau cùng. Do đó, Công ty chưa tiến hành trích lập dự phòng cho khoản nợ và chi phí phát sinh liên quan vụ kiện này.
Tính đến 30/6, tổng tài sản QGC đạt 9.933 tỷ đồng, giảm so với con số 10.333 tỷ đầu kỳ. Trong đó, hàng tồn kho tiếp tục chiếm phần lớn tổng tài sản với 7.131 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 72% tổng tài sản. Trong đó, hàng tồn chủ yếu là ghi nhận tại các bất động sản dở dang, đặc biệt là "siêu dự án" Phước Kiển.
Được biết, năm 2015 QGC xúc tiến đền bù và lên kế hoạch phát triển dự án trọng điểm Phước Kiển. Dự án có diện tích 91ha, dự kiến mang lại doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng cho QCG (~60.000 - 70.000 tỷ). Dự án được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư từ 2017, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ tháng 4/2017 tuy nhiên đến nay doanh nghiệp vẫn thể thực hiện.
Đây là dự án mà QCG rất tâm huyết, bỏ rất nhiều công sức, nhưng vẫn chưa thể triển khai do vướng mắc về pháp lý. Trong lần chia sẻ gần nhất của lãnh đạo QCG về dự án này, đến tháng 4/2019, công ty đã nhận được chấp thuận đầu tư hạ tầng (dự án lớn với tổng mức đầu tư 63.000 tỷ đồng, QCG phải ký quỹ 10%, tương ứng với 6.300 tỷ đồng) nhưng từ khi nhận được chấp thuận đến nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Đến đầu tháng 7 năm nay, sau nhiều năm "bám trụ", công ty đã thông qua quyết định giải thể Công ty Bất động sản Quốc Cường Phước Kiển. Công ty này được thành lập từ năm 2015 nhằm mục đích triển khai Dự án Phước Kiển. Tuy nhiên, đến năm 2020, Bất động sản Quốc Cường Phước Kiển vẫn chưa ghi nhận hoạt động doanh thu.
Lãnh đạo QCG cho biết, thời gian qua, rất nhiều lần công ty gửi văn bản đến Sở Tài nguyên Môi trường xin giao đất, như văn bản số 03/QCG ngày 22/4/2019, văn bản số 04/QCG ngày 2/7/2019, văn bản số 16/QCG ngày 19/12/2019, để thực hiện dự án nhưng bị tắc.
Do dự án có quỹ đất hỗn hợp, trong đó có đất nông nghiệp phải chuyển mục đích sử dụng đất, nên QCG phải quay về Sở Kế hoạch Đầu tư để làm lại các bước thủ tục từ đầu, trước hết là thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư”.
Đơn vị này đặt vấn đề nếu tiếp tục các bước thủ tục, liệu đến năm 2022 có được hoàn tất các bước thủ tục để được “chấp thuận đầu tư” hay không. Trong khi thực tế, thủ tục này đã được UBND TP.HCM “chấp thuận đầu tư” từ năm 2017.
Do sự bất cập của các chính sách, QCG đã mất hơn 3 năm vẫn chưa làm xong thủ tục. Công ty này cho biết bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng lãi vay ngân hàng và lãi vay phải trả cho đối tác liên doanh.
“Tất cả ách tắc này chỉ vì sự bất cập của các thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, mà lỗi này hoàn toàn không phải do công ty gây ra”, lãnh đạo QCG cho biết.
Không chỉ bế tắc với pháp lý, QCG còn gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng. Bà Nguyễn Thị Như Loan – khi đó là Chủ tịch QCG đã trong nước mắt tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 rằng, theo quy định thì còn 20% chưa đền bù được sẽ được Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, trên thực tế hiện dự án còn 3ha đất bế tắc không cách nào thỏa thuận đền bù vì chủ đất còn lại không hợp tác.
Mặt khác, muốn đền bù theo mức giá thị trường hiện nay cần phải huy động được 2.000 - 2.500 tỷ đồng nữa. Và mặc dù nợ đầm đìa vì dự án này, bà Loan tiếp tục khẳng định vẫn muốn thực hiện Phước Kiển vì đây là "đứa con tinh thần" và tâm huyết cả đời kinh doanh của bà.
“Dự án quá lớn, tổng doanh thu lên tới 50.000 - 70.000 tỷ đồng, một mình Quốc Cường Gia Lai không thể làm nổi nên phải liên doanh với đối tác ngoại. Nhưng đối tác sau ba năm đồng hành cũng chán nản. Doanh nghiệp lại không đi vay được, giờ các đối tác khác muốn đầu tư nhưng thủ tục pháp lý chưa được tháo gỡ cũng chần chừ”, bà Loan chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Ông Tất Thành Cang bị khởi tố do bán rẻ 32ha đất cho Quốc Cường Gia Lai
02:25, 22/06/2021
Liên quan đến dự án Phước Kiển: Công ty Quốc Cường Gia Lai kiện đối tác ra VIAC
17:00, 18/01/2021
Ai là người thay bà Nguyễn Thị Như Loan làm Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai?
03:06, 12/08/2020
Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai: ‘Không biết dự án Bắc Phước Kiển sẽ đi về đâu?’
03:00, 02/07/2020