Nguy cơ sụp đổ của Evergrande: Thời khắc Lehman Brothers của Trung Quốc

DIỄM NGỌC 20/09/2021 04:40

Mặc dù khoản nợ hơn 300 tỷ USD của Evergrande ở Trung Quốc chỉ bằng khoảng một nửa của Lehman Brothers của Mỹ thời khủng hoảng trước đây, nhưng nó đang tạo ra mối lo nghiêm trọng...

Mối nguy với các ngân hàng

Cuộc khủng hoảng tại Evergrande, công ty bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc được xem là một thử thách lớn cho nỗ lực của nước này trong việc cải cách nền kinh tế. Trong những tuần gần đây, xuất hiện nhiều người biểu tình giận dữ trước trụ sở của Evergrande. Một số nhà phân tích đã mô tả cuộc khủng hoảng này là “Thời khắc Lehman Brothers của Trung Quốc”.

Trung tâm China Evergrande ở Wan Chai, với tầm nhìn ra Cảng Victoria. Công ty Chinese Estates Holdings, công ty đã bán tòa nhà cho Evergrande vào năm 2015, vẫn chiếm giữ tầng cao nhất của tòa nhà (ảnh: Edmond So)

Trung tâm China Evergrande ở Wan Chai, với tầm nhìn ra Cảng Victoria. Công ty Chinese Estates Holdings, công ty đã bán tòa nhà cho Evergrande vào năm 2015, vẫn chiếm giữ tầng cao nhất của tòa nhà (ảnh: Edmond So)

Mặc dù có thể có một số điểm tương đồng, nhưng họ cũng có giả định rằng, Bắc Kinh sẽ bước vào và cứu trợ Evergrande để đảm bảo hậu quả từ sự sụp đổ của gã khổng lồ bất động sản và các lĩnh vực khác của nền kinh tế Trung Quốc.

Theo nguồn tin từ The Guardian, Giáo sư tài chính Michael Pettis tại Đại học Bắc Kinh cho biết, khi nguy cơ mất khả năng thanh toán tăng lên, hành vi của các đại lý bán hàng, người mua nhà, nhà cung cấp và các bên liên quan khác sẽ thay đổi theo hướng làm suy yếu hơn nữa doanh thu và tăng chi phí. Một khi quá trình đó bắt đầu, mọi tình huống xấu sẽ nhanh chóng diễn ra,  trừ khi Chính phủ bước vào để đảm bảo các khoản thanh toán.

Tuy nhiên,đó là một vấn đề khó cứu vãn. Nếu vì lý do chính trị, Bắc Kinh chọn các mục tiêu tăng trưởng GDP vượt quá tốc độ tăng trưởng cơ bản của nền kinh tế, thì họ cần nợ tăng để đạt được các mục tiêu đó và khoản nợ tăng này đòi hỏi phải có sự đảm bảo ngầm”, Giáo sư Pettis nói.

Khi tình trạng hỗn loạn của Evergrande tiếp tục gia tăng, áp lực lên lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc cũng gia tăng. Dữ liệu tháng 8 được công bố mới đây cho thấy, doanh số bán nhà trên toàn quốc theo giá trị đã giảm 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2020. Tăng trưởng giá nhà cũng chậm lại.

Evergrande đã gây chấn động thị trường trong khi thừa nhận rằng, họ không thể giảm bớt tài sản của mình đủ nhanh để ngăn chặn dòng chảy. Giá cổ phiếu đang giảm và giao dịch trái phiếu cũng đã bị đình chỉ. Càng lúc, mọi vấn đề càng trở nên lộn xộn và bế tắc.

Gabriel Wildau, một chuyên gia về rủi ro chính trị tại Trung Quốc nhận xét, kịch bản xấu có thể xảy ra là một vụ bán tháo tài sản của Evergrande sẽ biến một đợt điều chỉnh lớn của thị trường thành một xu hướng.

Thực tế, quả bom hẹn giờ đã được kích hoạt trong một số năm nhất định. Cho đến khi thị trường nhà ở của Trung Quốc trở nên quá căng thẳng, do tín dụng giá rẻ trong nhiều năm và được ước tính thận trọng là chiếm 16% GDP, mặc dù một số ước tính đưa ra con số đó là 25%, cao hơn nhiều so với tỷ trọng ở các nền kinh tế phương Tây”, vị chuyên gia nhận định.

Đây có lẽ là vấn đề đau đầu nhất đối với Bắc Kinh trong hiện tại, khi nước này cố gắng làm cho một mô hình kinh tế cải cách có hiệu quả. Ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2013, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã nói rằng, Trung Quốc cần chuyển trọng tâm sang cải thiện chất lượng và lợi nhuận của tăng trưởng kinh tế và theo đuổi tăng trưởng GDP thực sự thay vì lạm phát.

Cuối cùng, “bóng ma vỡ nợ” đã xảy ra đối với Evergrande vì giá bất động sản bắt đầu hạ nhiệt sau các trấn áp về quy định, công ty không còn có thể vay quá nhiều để bù lỗ.

James Shi và Simon Lee tại công ty phân tích dữ liệu Hồng Kông Reorg cho biết, ưu tiên của Bắc Kinh là giữ cho Evergrande hoạt động ngay cả khi nó ở dạng “xác sống”, để hoàn thành 1,4 triệu ngôi nhà theo ước tính mà công ty đã bán trước đó.

Đây là ưu tiên hàng đầu của Evergrande và Chính phủ. Không ai muốn hàng nghìn người tức giận đòi lại tiền. Đồng nghĩa với việc, các chủ nợ trực tiếp khác như nhà cung cấp sẽ không được thanh toán ngay lập tức. Thậm chí Evergrande đã phảithanh toán cho các nhà cung cấp và nhà thầu bằng các căn hộ”.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là, quy trình như vậy có thể giữ được các chủ nợ trong bao lâu, trong khi công ty tiếp tục hoạt động và đáp ứng các nghĩa vụ xây dựng của mình?

Damien Klassen, nhà quản lý quỹ tại Melbourne, Australia nói rằng, Trung Quốc đã cố gắng tạo ra sự thay đổi lớn đối với một nền kinh tế mất cân bằng. Nhưng vấn đề là nó có thể vượt khỏi tầm kiểm soát ban đầu. “Các ngân hàng đã cho mọi nhà phát triển vay theo cùng một cách và hậu quả khủng hoảng nợ sẽ lây lan trên mọi lĩnh vực. Không chỉ Evergrande, không ai biết công ty bất động sản nào sẽ sụp đổ tiếp theo”.

Vị chuyên gia về rủi ro chính trị tại Trung Quốc, Wildau chỉ ra rằng, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc đã trải qua một cuộc kiểm tra căng thẳng trong tháng này, bởi các cơ quan quản lý đã tính đến những khoản nợ với thế chấp nhà và các khoản cho vay của nhà phát triển, vượt quá tác động có thể xảy ra trước sự sụp đổ Evergrande. Khoản nợ hơn 300 tỷ USD của Evergrande chỉ bằng khoảng một nửa của Lehman và trước đó, phương Tây không có sự kiểm soát nào để xoa dịu tình hình. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Trung Quốc nói chung đã rơi vào khủng hoảng khi các công ty chạy đua để giảm bớt nợ.

Vào tháng 8/ 2020, các nhà quản lý Trung Quốc đã đưa ra chính sách "ba lằn ranh đỏ", hạn chế số tiền các nhà phát triển được phép vay. Các chủ đầu tư phải duy trì tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản dưới 70%, tỷ lệ nợ ròng dưới 100% và tỷ lệ tiền mặt trên nợ ngắn hạn hơn 1 lần.

S&P chỉ ra, tại thời điểm đó, chỉ có 6,3% nhà phát triển Trung Quốc có thể đáp ứng cả ba ranh giới đỏ. Riêng Evergrande không thể đáp ứng điều gì, buộc họ phải hủy bỏ khi kế hoạch kinh doanh đòi hỏi mức vay lớn. Còn Fitch tính toán, Evergrande đã cắt giảm tỷ lệ đòn bẩy từ 35% vào năm 2020 xuống 27%, về nợ ròng so với hàng tồn kho đã điều chỉnh, nhưng vẫn bị siết chặt do thiếu thanh khoản.

Những đối tác trung thành cũng quay lưng

Vừa qua, nhà sáng lập Chinese Estates Holdings Limited, Joseph Lau Luen-hung và vợ, bà Chan Hoi-wan, đã bán 138 triệu cổ phiếu Evergrande nhiều lần với tổng giá trị khoảng 500 triệu đô la Hồng Kông (64 triệu USD), theo hồ sơ trao đổi. Lau và Chan đã giảm tỷ lệ nắm giữ của họ tại Evergrande xuống còn 7,96%, chỉ đứng sau cổ phần kiểm soát của Chủ tịch tập đoàn Hui Ka-yan là 70,7%.

Nhà sáng lập Hui Ka-yan (giữa) trong một cuộc họp báo với giới truyền thông ở Hồng Kông năm 2015. Ông trùm bất động sản Thâm Quyến đang chiến đấu để cứu lấy con tàu của mình trong bối cảnh thanh khoản bị suy giảm (ảnh: Internet)

Nhà sáng lập Evergrande Hui Ka-yan, ông trùm bất động sản Thâm Quyến đang chiến đấu để cứu lấy con tàu của mình trong bối cảnh thanh khoản bị suy giảm (ảnh: Internet)

Việc giải chấp trên đã khiến giá cổ phiếu và giá trị thị trường của Evergrande sụt giảm 85% trong năm qua, khi nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ tài chính ước tính hơn 300 tỷ USD.

Trong hơn một thập kỷ qua, Lau là nhà đầu tư nền tảng và là người đăng ký 50 triệu USD cổ phiếu của Evergrande, trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng năm 2009. Chinese Estates đã tham gia với tư cách là người mua hoặc người bán trong hầu hết các giao dịch tài chính của Evergrande, kể từ khi Hui niêm yết công ty bất động sản của mình với giá 6,5 tỷ đô la Hong Kong.

Thực tế, Lau và Chan không phải là đồng minh duy nhất đang tìm lối thoát, như Evergrande thừa nhận trong một tuyên bố rằng họ đã "gặp phải những khó khăn chưa từng có."

Xia Haijun, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Evergrande từ năm 2014, đã bán 115,6 triệu đô la Hồng Kông cổ phiếu thuộc đơn vị ô tô điện của nhà phát triển và chi nhánh quản lý tài sản vào tháng 8.

Theo dữ liệu được tổng hợp bởi Bloomberg, Evergrande cũng phải đối mặt với một cuộc kiểm tra tính thanh khoản quan trọng vào tuần tới khi phải trả 83,5 triệu USD tiền lãi vào ngày 23/ 9 tới đây. Đồng thời, S&P Global đã dồn dập hạ điểm tín dụng của Evergrande xuống trạng thái "CC", ngụ ý rằng, trái phiếu của công ty có rủi ro rất cao.

S&P cho biết: “Khả năng thanh khoản và khả năng tiếp cận nguồn vốn của Evergrande đang bị thu hẹp nghiêm trọng, thể hiện qua việc doanh số bán vật liệu đã được công bố, số dư tiền mặt giảm và việc tiếp tục sử dụng các tài sản vật chất để thanh toán. Công ty có thể không trả nợ kịp thời, điều này sẽ dẫn đến một kịch bản vỡ nợ bao gồm khả năng tái cơ cấu nợ.

Thêm vào đó, ngân hàng HSBC, ngân hàng ICBC (Châu Á) và một loạt các ngân hàng khác ở Hồng Kông đã ngừng phê duyệt các khoản vay thế chấp cho những người mua căn hộ tại vịnh Emerald Bay của Evergrande, trong bối cảnh lo ngại về khả năng hoàn thành dự án đầu tiên của chủ đầu tư trong thành phố.

Evergrande có thể đã vay quá nhiều, nhưng điều đó cũng đã tạo nên thành công của ông trùm bất động sản, trước khi nguy cơ đổ vỡ lộ ra. Vị trí tiếp theo của Evergrande có thể gợi ý về hướng đi của ngành bất động sản và bằng cách mở rộng nền kinh tế Trung Quốc nói chung.

Có thể bạn quan tâm

  • China Evergrande và lời cảnh tỉnh với các đại gia bất động sản Việt Nam?

    China Evergrande và lời cảnh tỉnh với các đại gia bất động sản Việt Nam?

    05:09, 17/09/2021

  • Hệ lụy “bom nợ” Evergrande và kinh nghiệm cho Việt Nam

    Hệ lụy “bom nợ” Evergrande và kinh nghiệm cho Việt Nam

    05:00, 16/09/2021

  • China Evergrande khi “nước đã đến chân”!

    China Evergrande khi “nước đã đến chân”!

    05:22, 15/09/2021

  • Ba kịch bản tái cấu trúc tài chính của

    Ba kịch bản tái cấu trúc tài chính của "bom nợ" Evergrande

    04:30, 15/09/2021

DIỄM NGỌC