DNP xoay xở dòng tiền

HÀ PHƯƠNG 17/10/2021 11:00

Với qui mô vốn hàng ngàn tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai (HNX: DNP) giảm mạnh do gánh nặng từ các thương vụ M&A.

Trước thực trạng trên, DNP đã đẩy mạnh tăng vốn bằng phát hành trái phiếu, cổ phiếu để bổ sung dòng tiền cho đầu tư tài chính, sản xuất kinh doanh…

 Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư của DNP luôn âm nặng.

Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư của DNP luôn âm nặng.

Lãi ròng teo tóp

DNP vừa công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm với một số khoản mục thay đổi so với báo cáo tự lập. Doanh thu đạt 2.048 tỷ đồng, tăng nhẹ 3 tỷ đồng so với báo cáo trước đó. Doanh thu tài chính của DNP tăng vọt nhờ ghi nhận thêm hơn 73 tỷ đồng lợi nhuận từ hợp nhất kinh doanh. Khoản lãi này đến từ việc mua lại Công ty CMC thông qua mua gom cổ phần CVT trên sàn hồi đầu năm 2021.

Tuy vậy, chi phí lãi vay tăng tới gần 57%, “ăn mòn” gần hết khoản lãi gộp. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh. Điều này đã khiến lợi nhuận sau thuế của DNP chỉ đạt 5,33 tỷ đồng, chỉ bằng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2020.

Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh cũng kéo tỷ suất sinh lời của DNP rơi sâu. Theo đó, thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu đạt vỏn vẹn 12,7 đồng.

Gánh nặng lãi vay

Theo BCTC, nguyên nhân khiến chi phí lãi vay tăng mạnh của DNP do nguồn vốn đi vay qua kênh trái phiếu dài hạn đã tăng đáng kể. Đến cuối quý II/2021, giá trị trái phiếu phát hành của DNP đã tăng lên 1.577 tỷ đồng, tăng hơn 1.270 tỷ đồng chỉ trong nửa đầu năm. Các khoản trái phiếu chủ yếu có kỳ hạn 3 năm với lãi suất dao động trong khoảng 9,5-11%/năm. Đây là gánh nặng tài chính lớn cho DNP.

Nhựa Đồng Nai đang xoay xở nguồn vốn đi vay qua kênh trái phiếu

Nhựa Đồng Nai đang xoay xở nguồn vốn đi vay qua kênh trái phiếu (ảnh: DNP)

- 991 tỷ đồng là lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động đầu tư của DNP tính đến cuối quý 2/2021.

Đa phần các khoản nợ của DNP được đảm bảo bằng cổ phiếu công ty con, công ty liên kết hoặc cổ phiếu của cổ đông tại chính DNP. Một trong những thương vụ M&A lớn nhất mà DNP thực hiện từ đầu năm đến nay là mua lại cổ phần của Công ty CP CMC. Theo đó, DNP đã mua 18,76 triệu cổ phiếu CVT, tương đương 51,1% vốn điều lệ của doanh nghiệp này với số tiền đầu tư 979 tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh doanh của CMC giảm sút, gây thêm gánh nặng cho DNP.

Thách thức huy động vốn

Để cải thiện dòng tiền đầu tư, kinh doanh, DNP sẽ phát hành hơn 10,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 10:1) với mức giá 20.698 đồng/cp. Mức giá này được Hội đồng quản trị DNP đề xuất căn cứ theo giá trị sổ sách, giá thị trường và tiềm năng phát triển của Công ty.

Nếu chào bán thành công, DNP có thể thu về hơn 225,9 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này sẽ được sử dụng để bổ sung nhu cầu vốn lưu động của Công ty. Tuy nhiên, với tình hình kinh doanh kém khả quan, việc phát hành huy động vốn của DNP sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, việc tiếp tục lạm dụng phát hành trái phiếu, cổ phiếu để huy động vốn của DNP cho thấy dòng tiền ở Công ty đang thiếu hụt nghiêm trọng và nguy cơ bong bóng luôn thường trực hiện hữu ở DNP.

Có thể bạn quan tâm

  • Đại học Tân Tạo tạo

    Đại học Tân Tạo tạo "đòn bẩy" cho cổ phiếu ITA

    04:50, 16/10/2021

  • Thời điểm cân nhắc chốt lãi cổ phiếu

    Thời điểm cân nhắc chốt lãi cổ phiếu

    05:05, 14/10/2021

  • Chịu phạt hơn nửa tỷ USD, cổ phiếu Meituan vẫn

    Chịu phạt hơn nửa tỷ USD, cổ phiếu Meituan vẫn "tươi"

    05:00, 12/10/2021

  • Masan thêm thương vụ M&A mới: Mua lại Nhà khai thác mạng di động ảo

    Masan thêm thương vụ M&A mới: Mua lại Nhà khai thác mạng di động ảo

    10:23, 21/09/2021

  • Khối ngoại chiếm lĩnh giá trị thương vụ M&A bất động sản

    Khối ngoại chiếm lĩnh giá trị thương vụ M&A bất động sản

    14:51, 31/08/2021

So với cuối năm 2013, quy mô vốn điều lệ đã cao gấp 32 lần sau hàng loạt các đợt phát hành tăng vốn mới. Tuy nhiên, lợi nhuận chưa gia tăng tương ứng đang khiến thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu bị pha loãng ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

HÀ PHƯƠNG