BCG giải trình biến động lợi nhuận trong quý III/2021

AN ĐỊNH 30/10/2021 04:00

CTCP Bamboo Capital (HoSE: BCG) vừa báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ quý 3/2021, cùng với công văn giải trình về kết quả biến động, gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE.

Theo BCTC, Công ty ghi nhận doanh thu thuần quý III/2021 đạt 457,4 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 221,2 tỷ đồng; lần lượt giảm 41,5% và 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. 

BCTC riêng lẻ công ty mẹ của BCG ghi nhận lãi giảm mạnh, nhưng BCTC hợp nhất cho lãi cao từ lãi hợp nhất các công ty, trong đó có đóng góp từ năng lượng tái tạo

BCTC riêng lẻ công ty mẹ của BCG ghi nhận lãi giảm mạnh, nhưng BCTC hợp nhất cho lãi cao đột biến từ lãi hợp nhất các công ty, trong đó có đóng góp từ năng lượng tái tạo

Doanh thu hoạt động tài chính trong quý tăng lên 596,3 tỷ đồng (tăng hơn 493 tỷ đồng). Chi phí tài chính tăng từ 145,1 tỷ đồng lên xấp xỉ 435 tỷ đồng; trong đó, chi phí lãi vay là 318,3 tỷ đồng.  

Chi phí bán hàng chỉ bằng 64% so với quý III/2020 trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 82%, với 77,5 tỷ đồng. 

Sau khi trừ các chi phí khác, doanh nghiệp báo lãi ròng 217,9 tỷ đồng trong khi quý III/2020 chỉ lãi xấp xỉ 76,2 tỷ đồng; tương đương tăng gần 186%. Theo đó, luỹ kế 9 tháng, BCG lãi ròng hơn 701 tỷ đồng.

Giải trình kết quả lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp, Ban lãnh đạo BCG cho biết, đối với báo cáo riêng lẻ của Công ty, việc sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ chủ yếu là do Công ty mẹ không còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư và chia sẻ lợi nhuận với các đối tác nước ngoài.

Biến động riêng lẻ và hợp nhất của BCG theo công văn giải trình

Biến động riêng lẻ và hợp nhất của BCG theo công văn giải trình (nguồn: HSX)

Trong khi đó, với BCTC hợp nhất, lợi nhuận ròng tăng mạnh so với cùng kỳ được Công ty lý giải là lợi nhuận hợp nhất đến từ công ty con. Trong đó, nổi bật là việc chuyển nhượng một số dự án; doanh thu từ hoạt động thi công, xây lắp; đồng thời ghi nhận dòng tiền từ các dự án năng lượng tái tạo đã đóng điện thời điểm cuối năm 2020. 

Cũng theo BCTC, tổng tài sản đến cuối tháng 9/2021 của Bamboo Capital tăng mạnh so với hồi đầu năm, từ mức 24.136 tỷ đồng lên hơn 35.370 tỷ đồng (tăng 11.235 tỷ đồng). Trong đó, tài sản dài hạn tăng gần 80% lên hơn 22.956 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ghi nhận các khoản phải thu dài hạn tăng gấp đôi so với đầu năm. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (chủ yếu là chứng khoán kinh doanh) cũng tăng mạnh trong kỳ, lên hơn 1.730 tỷ đồng. Cụ thể, trong kỳ phát sinh 2 khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh vào Ngân hàng TMCP Tiên Phong và Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex với giá trị gốc lần lượt là 990 tỷ đồng và 113,3 tỷ đồng. 

Tiền và các khoản tương đương tiền đến cuối tháng 9/2021 của công ty giảm gần 24% so với đầu năm nay, chỉ còn 689 tỷ đồng.

Trong đó, khoản tiền gửi ngân hàng đã giảm từ 790,8 tỷ đồng xuống còn 397,4 tỷ đồng; lượng tiền mặt cũng bị giảm hơn 6 tỷ đồng và các khoản tương đương tiền tăng từ 87,1 tỷ đồng lên hơn 271 tỷ đồng. 

Bamboo Capital có khoản nợ phải trả đến cuối tháng 9 là hơn 29.000 tỷ đồng, tăng 37% so với hồi đầu năm. Cụ thể, nợ dài hạn đã tăng từ 10.564 tỷ đồng lên 22.351 tỷ đồng bao gồm khoản vay, nợ thuê tài chính dài hạn tăng hơn 4 lần (từ 2.549 tỷ đồng lên 10.950 tỷ đồng). Nợ dài hạn tăng đã được dự báo trước khi BCG gây chú ý trên thị trường thời gian qua với hàng loạt các khoản đầu tư dự án, năng lượng tái tạo và cả bao gồm M&A trên thị trường tài chính. 

Trong đó, gần nhất vào trung tuần tháng 10, BCG góp 300 tỷ đồng để thành lập Phoenix Mountain có trụ sở chính tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, tương đương 75% vốn điều lệ, tiếp tục đẩy sâu hướng phát triển khách sạn, dịch vụ.

Trước đó cuối tháng 9/2021, BCG có Nghị quyết thông qua góp vốn đầu tư vào Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA. Thỏa thuận góp vốn này hiện đang chờ Bộ Tài chính phê duyệt. Với vốn điều lệ của 1.122 tỷ đồng của Bảo hiểm AAA, BCG ước tính sẽ dự chi để sở hữu khoảng 71% cổ phần tại Công ty.

Trong năm nay, BCG cũng hoàn tất đầu tư Công ty Bamboo Financial Corp (BFC) với tỷ lệ sở hữu 80%. BFC được biết là Công ty sẽ chuyên về lĩnh vực cung cấp dịch vụ tài chính (trừ bảo hiểm và bảo hiểm xã hội), cụ thể là hoạt động mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ, môi giới mua bán nợ. Việc đầu tư vào BFC qua đó thúc đẩy các mảng đầu tư tài chính của BCG hé lộ tham vọng trở lại với thị trường tài chính của Công ty mẹ.

Có thể bạn quan tâm

  • BCG Land – Tracodi – Vinahud ký kết hợp tác phát triển các dự án

    BCG Land – Tracodi – Vinahud ký kết hợp tác phát triển các dự án

    17:03, 28/08/2021

  • BCG xoay xở vốn đầu tư

    BCG xoay xở vốn đầu tư

    10:59, 19/05/2021

  • BCG “lấn sân” mảng tài chính

    BCG “lấn sân” mảng tài chính

    11:00, 11/10/2021

  • Động lực tăng trưởng của BCG đến từ đâu?

    Động lực tăng trưởng của BCG đến từ đâu?

    05:00, 23/11/2020

AN ĐỊNH