Masan liên tục dẫn đầu về giá trị vốn hóa trên TTCKVN mảng tiêu dùng, nhờ đâu?
The CrownX của Masan đặt mục tiêu doanh thu lên đến 76 nghìn tỷ đồng trong năm 2022, góp phần nâng tỉ trọng doanh thu mảng kinh doanh phục vụ người tiêu dùng lên 85% tổng doanh thu Tập đoàn.
Dù trải qua không ít khó khăn do tác động của dịch COVID-19, năm 2021, The CrownX (TCX) vẫn đạt được kết quả kinh doanh khả quan. Là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất 2 công ty đầu ngành là WinCommerce (“WCM”) và Masan Consumer Holdings (“MCH”), TCX đã tận dụng tốt sức mạnh hiệp lực của 2 công ty và đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2021. Kết thúc năm, Masan báo cáo doanh thu TCX đạt 58.000 tỷ đồng, tăng trưởng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng doanh thu từ sức mạnh hiệp lực
MCH là công ty hàng đầu trong ngành hàng tiêu dùng, với các mặt hàng chủ chốt là nước mắm, gia vị, mì ăn liền, cà phê, nước tăng lực... Masan Consumer đạt mức tăng trưởng vượt trội so với thị trường nhờ các phát kiến mới và tăng trưởng mạnh từ kênh thương mại hiện đại (MT). Các sáng kiến như Bộ sưu tập 7 bữa sáng CHIN-SU, CHIN-SU Cá Cơm Biển Đông giảm mặn… dẫn dắt xu hướng tiêu dùng hiện đại, được đông đảo người tiêu dùng ủng hộ, đóng góp 2.686 tỷ đồng, tương đương 9,3% doanh thu MCH năm 2021. Kênh MT tăng trưởng mạnh, đạt mức 34% trong năm 2021.
Nhờ hiệp lực tốt với WCM, doanh số các sản phẩm MCH thông qua mạng lưới điểm bán của WCM tăng 80%. Doanh thu thuần MCH tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt trong Q4/2021. Quý cuối cùng của năm, doanh thu MCH tăng trưởng 32,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 10.070 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu cả năm 2021 lên 28.764 tỷ đồng.
WCM là doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu, nắm giữ 20% thị phần của thị trường nhu yếu phẩm hiện đại trị giá 7 tỉ USD của Việt Nam theo đánh giá của Bank of America. Doanh thu thuần của WCM trong năm 2021 đạt 30,9 ngàn tỷ đồng. Kết quả đạt được nhờ nỗ lực tinh gọn hóa cửa hàng, đóng cửa các cửa hàng hoạt động chưa hiệu quả. Tập đoàn cũng tập trung đàm phán với các nhà cung cấp để giảm chi phí hậu cần và tăng hiệu quả chuỗi cung ứng. Đồng thời, Masan cũng thay đổi cách thức bài trí cửa hàng, tập trung vào các sản phẩm tươi sống và tối ưu hóa danh mục hàng bán tại từng địa phương.
Sau khi mua lại 20% cổ phần của chuỗi trà và cà phê Phúc Long, tập đoàn cũng thiết lập các kiosk Phúc Long tại các cửa hàng WinMart+ và phục vụ giới hạn 15 – 20 mặt hàng bán chạy nhất. Tập đoàn cũng tìm ra mô hình cửa hàng phù hợp nhất: Mini-mall – "con chiến mã" giúp Masan chinh phục thị trường bán lẻ toàn quốc. Được triển khai thí điểm từ tháng 6/2021, Mini-mall đã chứng minh được hiệu quả khi gia tăng 30% lưu lượng khách hàng đồng thời giúp mỗi điểm bán giảm 44% mức doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn mỗi ngày. Tháng 1/2022, Masan đã mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỉ lệ sở hữu lên 51%.
2022: Tăng tốc nhân rộng mô hình
Cuối năm 2021, TCX đã nhận thêm 350 triệu USD, hoàn tất vòng huy động vốn cuối cùng vào hệ sinh thái này. Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, trong năm 2022, Masan sẽ số hóa nền tảng từ sản xuất, hậu cần cho đến phân phối để phục vụ 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Thỏa thuận hợp tác với Lazada và việc mua lại mạng di động Reddi chính là bước đi chiến lược giúp Masan đẩy nhanh tiến trình này.
Với định vị “Sóng khỏe – Giá rẻ - Vui vẻ”, Reddi là nhà mạng mới có nhiều ưu điểm vượt trội: Truy cập internet tốc độ cao không giới hạn dung lượng chỉ từ 99.000 đồng/tháng; được tích điểm 1-3% khi mua sắm tại WinMart/WinMart+, Phúc Long… Khi tích hợp vào hệ sinh thái Masan, Reddi sẽ mang đến nhiều giá trị gia tăng cho người dùng. Theo kế hoạch, trong năm 2022, Masan sẽ triển khai giới thiệu Reddi tại các cửa hàng - siêu thị WCM trên toàn quốc và đặt mục tiêu thu hút từ 500.000 - 1.000.000 thuê bao.
Trong năm 2022, Masan đặt mục tiêu số hóa nền tảng từ sản xuất, hậu cần cho đến phân phối để phục vụ 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Bước đi này không chỉ giúp tối ưu 10% chi phí hoạt động mà còn vận dụng hiệu quả công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và machine learning (máy học) để nâng cao hiểu biết về khách hàng nhằm phục vụ các sản phẩm dịch vụ tốt nhất.
Song song đó, Masan cho biết sẽ nhân rộng mô hình mini-mall và đặt mục tiêu 2.000 cửa hàng theo mô hình này trong năm 2022. Đặc biệt, tập đoàn chú trọng phân tích đặc trưng của từng khu vực ngoại ô, hay thành phố mà sẽ triển khai 5 hình thức khác nhau, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng từng địa phương. Kế hoạch kinh doanh này dự kiến sẽ giúp WCM tăng trưởng doanh thu trong khoảng từ 23 – 29%, đạt mức 38 nghìn tỷ đồng – 40 nghìn tỷ đồng trong năm 2022. Sức mạnh hiệp lực giữa WCM và MCH cũng sẽ tiếp tục được phát huy song song với chiến lược cao cấp hóa sản phẩm và tăng trưởng ngành hàng và đem đến mưc doanh thu dự báo lên đến 40 nghìn tỷ đồng cho MCH.
Triển vọng của doanh nghiệp tiêu dùng – công nghệ hàng đầu
TCX đặt mục tiêu doanh thu lên đến 76 nghìn tỷ đồng trong năm 2022, góp phần nâng tỉ trọng doanh thu mảng kinh doanh phục vụ người tiêu dùng lên 85% tổng doanh thu Tập đoàn.
Chiến lược chặt chẽ, bài bản của Masan được các chuyên gia phân tích tài chính đánh giá cao. Vốn hóa thị trường của Masan trong năm 2021 liên tục tăng và trở nền tảng tiêu dùng có giá trị vốn hóa lớn nhất tại Việt Nam, thuộc vượt trên cả ông lớn ngành sữa Vinamilk.
Bank of America (BofA) nhận định Masan chính là doanh nghiệp tiêu dùng – công nghệ hàng đầu khu vực ASEAN. Đơn vị này cũng khuyến nghị giá mục tiêu cổ phiếu MSN ở mức 198.000 VND và ước tính ROE (tỉ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của Masan sẽ tăng từ 8% (năm 2019) lên 18% năm 2025. Không chỉ BofA, các công ty chứng khoán đều đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của cổ phiếu MSN, dự phóng giá mục tiêu cao và khuyến nghị mua như: VietCapital Securities (186.000 VND), Japan Securities (195.000 VND), PetroVietnam Securities (197.000 VND). Đặc biệt, HSBC ngày 9/2/2022 tiếp tục khẳng định giá mục tiêu của MSN ở mức 200.000 VND.
Có thể bạn quan tâm