Tiềm lực của Louis Holdings - nhóm cổ đông muốn đưa người vào HQC
Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HoSE: HQC) vừa cho biết đã nhận được văn bản ngày 12/3/2022 của nhóm cổ đông về việc bổ sung Thành viên HĐQT.
>>>Vì sao HQC đặt mục tiêu kinh doanh thấp nhất kể từ khi lên sàn?
Cụ thể, nhóm cổ đông ký tên kiến nghị có 42 nhà đầu tư, nắm 48,8 triệu cổ phiếu HQC, tương đương 10,25% vốn điều lệ của HQC. Các cổ đông này muốn đề cử bà Nguyễn Giang Quyên bầu bổ sung vào HĐQT công ty nhiệm kỳ 2020-2024 và kiến nghị này vào chương trình họp để Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2022 xem xét thông qua.
Trong số 42 cổ đông, có 3 cổ đông tổ chức là Dược Lâm Đồng (Ladophar, LDP) – hiện Louis Holdings và Louis Capital là cổ đông lớn, nắm tổng cộng trên 20% ; Công ty CP Chứng khoán APG (Mã: APG), từng có cổ đông lớn là TGG (thành viên trong hệ sinh thái Louis Holding) và Công ty CP Đầu tư SPX.
Được biết, bà Nguyễn Giang Quyên mới được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Louis Land (BII) từ ngày 17/2/2022 thay ông Lục Tấn Huy.
"Với kinh nghiệm dày dặn trong quá trình làm việc tại Coteccons và Louis Land, kết hợp với lợi thế về quỹ đất của Louis Land nói riêng và hệ sinh thái Louis Holdings nói chung sẽ giúp Hoàng Quân phát triển hơn nữa", nhóm cổ đông cho biết.
Trong khi đó, tại văn bản trả lời kiến nghị của nhóm cổ đông, HQC cho rằng, do văn bản của nhóm cổ đông không có đầy đủ chữ ký và con dấu đối với các cổ đông là pháp nhân nên công ty kiến nghị nhóm chỉnh sửa, bổ sung các văn bản có liên quan theo pháp luật.
Được biết, chiều ngày 22/3, HĐQT HQC bất ngờ có Nghị quyết về việc dừng tổ chức ĐHCĐ vào ngày 26/3 tới với lý do “tình hình dịch bệnh phức tạp”. Thời gian tổ chức đại hội dời lại, dự kiến diễn ra trước ngày 30/6/2022. HQC cũng quyết định hủy bỏ danh sách cổ đông chốt quyền tham dự đại hội vào ngày 7/2/2022.
Theo tờ trình ĐHCĐ, HQC dự định phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ của HQC với cá nhân ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT và một số cá nhân lên đến 218 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nếu thành công, sẽ tăng vốn điều lệ HQC từ 4.766 tỷ đồng lên 6.946 tỷ đồng.
Rầm rộ M&A hàng loạt doanh nghiệp
Diễn biến mới nhất này tại HQC đang gây sự quan tâm với giới đầu tư khi bất ngờ xuất hiện thông tin nhóm cổ đông có liên quan đến Louis Holding đã nắm phần lớn cổ phần tại HQC và có ý định đưa người vào nắm quyền điều hành tại HQC.
Louis Holdings có tiền thân là Công ty CP Tập đoàn Louis Rice, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Louis Holding hiện có vốn điều lệ hơn 652 tỷ đồng với khoảng 90 cổ đông, trong đó có 2 cổ đông lớn là ông Vũ Ngọc Lâm - nguyên Tổng Giám đốc công ty và ông Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Louis Holdings có chiến lược phát triển các lĩnh vực cốt lõi gồm nông nghiệp, đầu tư - M&A, bất động sản và sản xuất công nghiệp. Năm 2021 là năm Louis Holdings rầm rộ tiến hành M&A hàng loạt công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Điều đặc biệt là sau khi tham gia hệ sinh thái Louis Holdings, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này đều khởi sắc. Cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái này cũng liên tục tăng điểm một cách khó hiểu, làm dấy lên nghi án thao túng giá cổ phiếu “họ Louis”.
Cụ thể, năm 2021 Công ty CP Louis Capital (HoSE: TGG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 802 tỷ đồng, gấp 78 lần năm 2020; lãi ròng hơn 99,4 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 43 tỷ đồng). Tính tới 31/12/2021, danh mục đầu tư của TGG đang nắm giữ cổ phiếu LDP của Dược Lâm Đồng với giá trị ghi sổ hơn 46 tỷ đồng.
LDP cũng là doanh nghiệp mới nhất tham gia hệ sinh thái Louis Hodings. Báo cáo tài chính quý IV/2021 của LDP cũng cho thấy lợi nhuận cao bất thường sau khi có sự xuất hiện của nhóm cổ đông Louis tại LDP.
Trước đó, LDP đã có 6 quý thua lỗ liên tiếp (kể từ quý II/2020 đến quý III/2021). Tuy nhiên, vào quý IV/2021, sau khi có sự tham gia điều hành của các nhân sự chủ chốt từ Louis Holdings, doanh nghiệp này bất ngờ báo lãi ròng hơn 55 tỷ đồng. Đây là mức lãi cao nhất từ khi Ladophar thành lập đến nay. Nhờ kết quả trong quý IV khởi sắc, LDP xóa lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm và ghi nhận lãi ròng 39 tỷ đồng lãi ròng năm 2021 trong khi năm trước lỗ 26 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp khác như: Xuất nhập khẩu An Giang (HoSE: AGM), CTCP Sametel (HNX: SMT), Louis Land (HNX: BII) đều có kết quả kinh doanh khả quan năm 2021 sau khi gia nhập Hệ sinh thái Louis.
Cụ thể, năm 2021, BII đạt 493 tỷ đồng doanh thu thuần (97% doanh thu đến từ bán hàng hóa, thành phẩm), hơn 33 tỷ lãi sau thuế; tăng lần lượt 614% và 120% so với năm 2020. AGM ước tính đạt 3.903 tỷ đồng doanh thu, tăng 99%; lợi nhuận đạt 47,36 tỷ đồng, tăng gần 57% so với năm 2020. Riêng SMT, mặc dù tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế giảm so với 2020 nhưng năm 2021 đơn vị này vẫn kinh doanh có lãi.
Và nghi án thao túng giá cổ phiếu
Liên quan đến nghi án thao túng giá cổ phiếu, năm 2021 cũng là năm các cổ phiếu "họ Louis" đã tăng giá rất mạnh. Nổi bật nhất là TGG với mức tăng gần 4.300%, tức tăng giá khoảng 44 lần so với cuối năm 2020. Thời điểm đó, TGG chỉ có giá 1.170 đồng/cổ phiếu nhưng đến ngày 24/8 giá đã lên tới 52.800 đồng/cổ phiếu. Tính trên cả thị trường chứng khoán Việt Nam, TGG cũng là cổ phiếu tăng mạnh nhất.
Đứng thứ 2 trong top tăng giá của "họ Louis" là BII. Giá cổ phiếu này đã tăng gần 650%, từ 3.600 đồng lên 29.200 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu khác gồm DDV tăng 311%, SMT tăng 225%, AGM và APG tăng gần 200% từ đầu năm.
Tuy nhiên, tới ngày 5/10/2021, AGM và BII bất ngờ đảo chiều mạnh, BII đang giao dịch ở mức giá sàn 13.100 đồng/cổ phiếu đã chuyển sang trạng thái dư mua trần 15.900 đồng/cổ phiếu. Còn những mã như TGG, SMT vẫn trong tình trạng cạn kiệt thanh khoản và giảm sàn, do không có người mua.
Ở thời điểm đó, giới đầu tư cho rằng các cổ phiếu “họ Louis” đang được “lăng xê” nhiệt tình bởi chính Chủ tịch Louis Holdings – Đỗ Thành Nhân. Bởi ông Nhân thường xuyên có những chia sẻ về các cổ phiếu trong “họ Louis” trên Facebook cá nhân và trong group Louis Family.
Cụ thể, vào đầu tháng 9/2021, ông Nhân “tiên tri” trênềacebook cá nhân rằng: "Từ đây đến cuối năm BII không được 3X. Mọi người cứ chửi thoải mái" hay "Từ đây đến cuối năm: BII không được 3X, TGG không được 4X-5X, APG không được 2X, SMT không được 3X, DDV không được 3X, AGM xuống 2X; mọi người cứ chửi thoải mái”.
Giữa tháng 9/2021, ông lại có status trên Facebook: "Nước mắt đã rơi... 1 phiên giao dịch đầy cảm xúc. Chấp nhận hy sinh tất cả vì quyền lợi cổ đông. Như một lời thề: Tiền của bạn là tiền của tôi". Rồi đến đầu tháng 10/2021, sau khi giới đầu tư chứng khoán và truyền thông đồng loạt lên tiếng nghi ngờ Louis Holdings thao túng giá cổ phiếu, ông Đỗ Thành Nhân đã viết một tâm thư thật dài và tuyên bố sẽ xóa sổ nhóm Louis Family.
Sở dĩ xuất hiện nghi ngờ Louis Holdings và ông Đỗ Thành Nhân làm giá cho các cổ phiếu “họ Louis” là bởi sau mỗi status của vị Chủ tịch này, những cổ phiếu nói trên đều có sự tăng giảm tương ứng với nội dung trên Facebook hoặc trong nhóm Louis Family.
Tuy nhiên, đại diện Louis Holdings khẳng định, doanh nghiệp này không dùng biện pháp trực tiếp hay gián tiếp nào để can thiệp vào giá cổ phiếu. Các thương vụ M&A trên thị trường chỉ phục vụ mục đích xây dựng hệ sinh thái, phát triển dài hạn. Giá phụ thuộc vào cung cầu thị trường nên biến động giá cổ phiếu không ảnh hưởng đến lộ trình đầu tư của doanh nghiệp.
Sau khi có thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đánh tiếng sẽ theo dõi sát nhóm cổ phiếu tăng bất thường bao gồm cả họ Louis, các cổ phiếu trong hệ sinh thái Louis như TGG, BII, VKC, SMT... đồng loạt lao dốc không phanh. Nhiều nhà đầu tư đang kêu gào khi bị "kẹp hàng" ở mức giá cao theo lời "tiên tri" của Chủ tịch Đỗ Thành Nhân. Đến đầu tháng 10/ 2021, Lãnh đạo của hệ sinh thái Louis cũng cho biết đang đón đoàn Thanh tra của UBCKNN về tính tuân thủ về công bố thông tin, quản trị công ty, báo cáo tài chính và kết quả sử dụng vốn của các công ty. Thị trường chưa có thông tin công bố sau cùng về kết quả đợt thanh tra này.
Có thể bạn quan tâm