Thế kẹt ở CII
Trong khi nhiều doanh nghiệp làm hạ tầng và liên quan đầu tư công được đánh giá giàu triển vọng, thì Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE:CII) lại rơi vào tình trạng bết bát.
Vụ đấu giá đất Thủ Thiêm: Hai doanh nghiệp còn lại có "bỏ cọc chạy lấy người"?
CII bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 30/3/2022 do công ty này có lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2021 âm 332,4 tỷ đồng.
Lên đỉnh- Xuống đáy
Trước khi Công ty Ngôi sao Việt thuộc nhóm Tân Hoàng Minh và Công ty Bình Minh bỏ cọc đất Thủ Thiêm, thông tin từ vụ đấu giá đất khủng trên trời đã khiến cổ phiếu bất động sản “vụt sáng”, trong đó CII là cổ phiếu sáng giá nhất. Dòng tiền liên tục đổ vào CII, khiến cổ phiếu này tăng trần 10 phiên liên tục ngay sau vụ đấu giá, vì CII là đơn vị được nhận giao, thuê đất từ dự án của TP. HCM.
Giá cổ phiếu CII được đẩy lên cao, giúp doanh nghiệp này được hưởng lợi khi bán ra cổ phiếu quỹ với giá gần gấp đôi so với giá mua vào trước đó. Cùng với đó, là hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp bán ra cổ phiếu CII.
Tuy nhiên sau đó, dòng tiền hoảng loạn tháo chạy khỏi CII khi các doanh nghiệp bỏ cọc đất Thủ Thiêm. Từ mức đỉnh khoảng 56.000đ/cp vào giữa tháng 3, thị giá CII nay chỉ còn 30.800đ/cp vào ngày 28/3. Nhiều nhà đầu tư còn sở hữu cổ phiếu CII, hiện càng khó khăn hơn sau khi HoSE tiếp tục đưa CII vào diện cảnh báo vì kinh doanh lỗ.
332,4 tỷ đồng là khoản lỗ ròng của Công ty mẹ CII năm 2021, khiến Công ty bị đưa vào diện cảnh báo.
Theo báo cáo tài chính năm 2021, CII hoạt động kém hiệu quả ở nhiều mảng hoạt động chính gồm các dự án hạ tầng lẫn bất động sản. Bởi vì việc giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19 đã làm giảm doanh thu thu phí các dự án cầu đường của CII. Các dự án xây dựng cũng tạm ngừng hoạt động khiến doanh thu bất động sản... cũng giảm. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng khiến tiến độ thu tiền, trả nợ của CII gặp khó khăn, do đó, chi phí lãi vay tăng mạnh so với cùng kỳ. Đây chính là những nguyên khiến lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ CII năm 2021 bị âm 332,4 tỷ đồng.
Tân Hoàng Minh phải chịu trách nhiệm với các trái chủ như thế nào?
Lạm dụng đòn bẩy tài chính
Trên thực tế, CII thua lỗ còn do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn để đầu tư, khiến chi phí lãi vay cao. Chỉ tính riêng quý IV/2021- quý mà Công ty có mức thua lỗ cao nhất, chi phí lãi vay đã tăng lên mức 391 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, chi phí lãi vay cả năm 2021 cũng đã tăng lên mức 1.279 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
CII có tổng giá trị nợ phải trả cuối năm 2021 là 22.491 tỷ đồng, lớn gấp khoảng 2,7 lần so với vốn chủ sở hữu. Riêng các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lên tới 3.861 tỷ đồng, trong khi các khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 13.178 tỷ đồng, trong đó có tới 6.776 tỷ đồng là giá trị trái phiếu do CII phát hành.
Trong 4 năm gần đây, dòng tiền đầu tư của CII tăng nhanh, nhưng một phần được tài trợ với chi phí lãi vay từ phát hành trái phiếu đảo nợ và đầu tư mới. Điều này khiến CII phải trả lãi cao hơn nếu muốn gọi vốn tiếp.
Dù CII thoái vốn ở một loạt công ty con và chưa hạch toán khoản bán vốn tại NBB, nhưng CII vẫn đang ở thế kẹt, chưa tìm ra giải pháp thoát khỏi khó khăn hiện nay.
Do thua lỗ trong 2021 nên tài liệu ĐHĐCĐ 2022 của CII không đề xuất kế hoạch chia cổ tức năm 2021, tuy nhiên dự kiến sẽ chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 12%. Theo đó, HĐQT CII sẽ trình cổ đông thông qua phương án chia thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 14% bao gồm 2% cổ tức còn lại của năm 2019 và 12% cổ tức của năm 2020. Công ty dự kiến sẽ phát hành 33,9 triệu cổ phiếu qua đó nâng vốn điều lệ từ 2.833 tỷ đồng lên 3.173 tỷ đồng. Cổ phiếu thưởng không bị hạn chế chuyển nhượng.
CII cũng đặt mục tiêu kinh doanh cao năm 2022 với tổng doanh thu 8.011 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông mẹ 756,8 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch, con số lợi nhuận sẽ khả quan hơn nhiều khoản lỗ 332 tỷ đồng năm trước. Cùng với đó là kế hoạch phát hành ESOP trong trường hợp hoàn thành kế hoạch tài chính năm 2022. Phương án dự kiến là CII sẽ phát hành 5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2023 và cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm. Hiện cổ đông, nhà đầu tư CII chưa "thông tỏ" được nguồn nào để HĐQT lên kế hoạch kinh doanh như vậy. Cùng với đó, việc phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn lẫn ESOP, vốn là kế hoạch mà các công ty bất động sản, hạ tầng đều đang dự kiến xúc tiến trong năm nay, với trường hợp CII vẫn bị e ngại là "phát giấy lấy tiền" vì lịch sử tăng trưởng vốn mạnh nhưng mức sinh lợi thấp, có thể làm suy giảm giá trị của cổ đông.
Có thể bạn quan tâm