Huy động vốn trên thị trường nợ: Cần nâng xếp hạng tín nhiệm thành Luật

TS. LÊ ĐẠT CHÍ – Đại học Kinh tế TP HCM (UEH) 20/04/2022 05:00

Với hơn 850 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động và nhiều doanh nghiệp vẫn dựa vào tín dụng, xây dựng Luật xếp hạng tín nhiệm để có thị trường nợ (Debt market) phát triển là vô cùng quan trọng.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 cần bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của Công ty xếp hạng tín nhiệm và tiến tới cần được nâng lên thành luật

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 cần bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của Công ty xếp hạng tín nhiệm và tiến tới cần được nâng lên thành Luật

>> Minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Trăn trở xếp hạng tín nhiệm

Ở các nước có thị trường tài chính phát triển phải nhắc đến là thị trường nợ. Tuy nhiên, để có một thị trường phát triển các nước trên thế giới họ cũng phải trải qua rất nhiều quá trình điều chỉnh quy định pháp luật. Do đó, việc điều chỉnh quy phạm pháp luật của chúng ta hiện nay là cần thiết để điều chỉnh những rủi ro và chưa hoàn chỉnh trên thị trường.

Trước đây, ít thấy doanh nghiệp sử dụng công cụ trái phiếu để huy động vốn nhưng kể từ sau Nghị định 81 của Chính phủ sửa đổi các quy định trước đó thì quy mô của thị trường này tăng trưởng mạnh mẽ. Đáng lưu ý, trái phiếu tài trợ cho doanh nghiệp bất động sản chiếm phần lớn trong tổng tài sản của các doanh nghiệp lớn ở thị trường Việt Nam. Nhưng rủi ro xuất hiện khi doanh nghiệp sử dụng đâu đó một số công ty con, công ty liên kết… để huy động vốn qua kênh trái phiếu.

TS. Lê Đạt Chí

TS. Lê Đạt Chí

Ở góc độ khác, khoảng 60% người mua trái phiếu doanh nghiệp là ngân hàng. Và trong quá trình triển khai các gói chính sách, gói hỗ trợ kinh tế cần kiểm soát dòng vốn này để tránh hạn chế chảy vào trái phiếu doanh nghiệp, tránh bài học về nợ xấu trong quá khứ.

Thực tế, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản hướng dẫn hệ thống ngân hàng trong vấn đề nắm giữ trái phiếu của doanh nghiệp, bởi nhà đầu tư nắm giữ phần lớn lượng trái phiếu doanh nghiệp là ngân hàng sẽ rất rủi ro.

Nếu Chính phủ muốn phát triển thị trường nợ như kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế thì khi sửa đổi Nghị định 153 phải lưu ý ngoài chủ thể là thị trường sơ cấp, và người mua trái phiếu phát hành riêng lẻ thì khi công cụ này được giao dịch, mua bán trên thị trường thứ cấp sau đó, ai sẽ mua đi bán lại, rủi ro thế nào, cần phải được làm rõ…?

Để tạo động lực tăng trưởng kinh tế, Chính phủ thời gian qua đã có một số động thái và chúng ta kỳ vọng trong lần sửa đổi này sẽ khắc phục những rủi ro, nguy cơ hiện nay.

Về giải pháp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ở thị trường sơ cấp, chúng ta có nói về việc sử dụng vốn có đúng với mục đích phát hành và đề cập thời gian qua có một số đơn vị sử dụng vốn không đúng mục đích, theo tôi việc này không thể đặt hết lên vai của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mà doanh nghiệp phải tự chịu, cơ quan quản lý cần giám sát chặt.

Đơn cử, ngay cả một trang tin về các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng tôi là nhà đầu tư cá nhân tìm thấy rất ít thông tin về các doanh nghiệp phát hành. Do đó, cần phải có kênh để cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư bởi họ là người giám sát tốt nhất quá trình sử dụng vốn của doanh nghiệp.

Do đó, trong quá trình sửa đổi Nghị định 153 cần quy định rõ thời hạn doanh nghiệp nộp hồ sơ tối đa là 14 ngày hay bao nhiêu ngày cơ quan quản lý phải trả lời hồ sơ có đúng quy định không…

Với xếp hạng tín nhiệm là yếu tố quan trọng nhưng không phải tất cả các nước đều bắt buộc, còn nếu khuyến khích thì ai là người trả phí, cũng cần cân nhắc khi sửa đổi quy định. Cũng liên quan đến xếp hạng tín nhiệm, quy định Nghị định 153 hiện nay ở chưa đủ, chưa đặt nặng vai trò trách nhiệm, chuẩn mực, đạo đức trong hành nghề đánh giá tín nhiệm. Do đó, cần phải có Luật, để nhà đầu tư có thể khiếu nại, khởi kiện đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong trường hợp họ làm không đúng chuẩn mực. Muốn phát triển thị trường nợ thì phải nâng lên thành Luật.

Trong lộ trình phát triển kinh tế của Việt Nam và TP HCM đều nói rất nhiều về các trung tâm tài chính quốc tế, nên việc siết chặt thị trường nợ không phù hợp với xu hướng của nền kinh tế. Chúng ta cần nhìn thấy rủi ro để điều chỉnh, kiện toàn và Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp đang thu hút sự quan tâm của dư luận và thị trường sau những sự vụ "nóng" vừa qua. Điều này cho thấy việc hoàn thiện chính sách là hết sức cần thiết. Việc phát triển xếp hạng tín nhiệm theo mô hình nào, theo các hãng tín nhiệm phương Tây hay mô hình của Trung Quốc cũng là câu chuyện cần bàn trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

  • “Siết” trái phiếu doanh nghiệp: Cần có… lộ trình

    “Siết” trái phiếu doanh nghiệp: Cần có… lộ trình

    17:44, 19/04/2022

  • Vỡ nợ trái phiếu có nguy cơ xảy ra?

    Vỡ nợ trái phiếu có nguy cơ xảy ra?

    11:00, 19/04/2022

  • Doanh nghiệp bất động sản vừa huy động thành công 2.000 tỷ đồng từ trái phiếu là ai?

    Doanh nghiệp bất động sản vừa huy động thành công 2.000 tỷ đồng từ trái phiếu là ai?

    10:00, 19/04/2022

TS. LÊ ĐẠT CHÍ – Đại học Kinh tế TP HCM (UEH)