Quyền lợi của trái chủ trái phiếu Tân Hoàng Minh sắp được giải quyết theo hướng nào?
Về việc hoàn trả tiền cho các trái chủ liên quan đến vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh, UBCKNN đã có văn bản đề nghị các công ty liên hệ làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để giải quyết.
>>Tân Hoàng Minh sẽ làm gì để hoàn trả tiền cho nhà đầu tư?
Liên quan vụ việc ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tân Hoàng Minh), cùng 6 bị can khác bị khởi tố, bắt tạm giam, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan này phối hợp chặt chẽ, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan có thẩm quyền để xem xét.
Đối với 9 đợt phát hành trái phiếu của nhóm công ty thuộc Tân Hoàng Minh, kết quả xác minh của cơ quan có thẩm quyền cho thấy đã có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ đối với 9 đợt chào bán với tổng trị giá hơn 10.000 tỉ đồng.
Về thủ tục hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư, UBCKNN đã có văn bản đề nghị các công ty liên hệ làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để giải quyết. UBCKNN đề nghị các nhà đầu tư liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Địa chỉ: Số 47 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội, số điện thoại: 0793.688.688 hoặc 055.993.3333) để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trước đó, từ nhiều ngày nay, nhà đầu tư đã đến trụ sở công ty con và Tập đoàn Tân Hoàng Minh để đòi lại khoản tiền đã đầu tư trái phiếu vào tập đoàn này nhưng họ vẫn chưa nhận lại đồng nào.
Theo LS. Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, trong trường hợp cụ thể này, luật sư Hải cho rằng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu cũng chưa tìm hiểu rõ, đủ kỹ càng về năng lực tài chính, phương án kinh doanh, tài sản bảo đảm của công ty phát hành. Do vậy, khi doanh nghiệp không trả được nợ, người mua trái phiếu sẽ gặp không ít khó khăn. "Trong lúc này, các nhà đầu tư cần sớm cung cấp thông tin cho phía doanh nghiệp và yêu cầu họ thực thi việc trả lại tiền. Sau đó, tùy theo diễn biến vụ việc, sẽ có các bước tiếp theo để nhận lại tiền một cách nhanh nhất”.
>>TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Ai mua lại dự án của Tân Hoàng Minh?
Buổi gặp gỡ giữa nhà đầu tư trái phiếu và lãnh đạo thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa kết thúc vào tối nay 20-4, tại trụ sở tập đoàn ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Sau khi nhận được hàng loạt câu hỏi của các nhà đầu tư, ông Vũ Đình Luyện, phó tổng giám đốc Công ty TNHH TMDV khách sạn Tân Hoàng Minh cho biết, các thủ tục để ông Đỗ Hoàng Minh (con trai cả của ông Đỗ Anh Dũng) trở thành người đại diện theo pháp luật và thực hiện các công việc liên quan hiện vẫn đang trong quá trình tiến hành, do đó quyền tiếp cận và thanh lý tài sản chưa thể thực hiện xong.
Theo ông Luyện, một khó khăn là nhiều lãnh đạo cấp cao liên quan đến 9 lô trái phiếu vừa bị UBCKNN hủy bỏ hiện đang bị tạm giam ở nhiều nơi, trong khi những người này lại thạo về dòng tiền và các vấn đề liên quan đến trái phiếu.
Về các nguồn thu được chi vào dự án phát triển của tập đoàn, ông Luyện cho biết hiện đã tạm dừng việc thi công, và M&A (sáp nhập và mua lại) các dự án để không sử dụng thêm tiền huy động được từ nhà đầu tư.
Theo dự tính, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ xử lý một số dự án của tập đoàn để giải quyết quyền lợi cho các nhà đầu tư, bao gồm: dự án tòa nhà cao ốc văn phòng tại đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP.HCM), dự án Hoàng Hải - Phú Quốc, dự án Thiên Bảo - Phú Quốc. Tuy nhiên hiện tại tập đoàn gặp khó khăn trong việc thanh lý tài sản, đồng thời gặp khó trong việc tìm kiếm khách hàng mua dự án. Trong trường hợp nhà đầu tư mong muốn hoán đổi sang tài sản khác, thì có thể đề xuất để xin ý kiến người có thẩm quyền quyết định.
Về vấn đề xử lý quyền lợi cho các trái chủ, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế chia sẻ đã có báo cáo gửi cấp cao về cách xử lý các vấn đề trên thị trường chứng khoán. Như tại vụ việc Tân Hoàng Minh, nhất định phải sử dụng tài sản của Tân Hoàng Minh để trả lại cho nhà đầu tư và phải làm bằng được điều đó. “Chúng ta phải làm như vậy để ổn định thị trường tài chính, không làm mất đi niềm tin của nhà đầu tư vĩnh viễn trong tương lai và để khẳng định rằng, Chính phủ luôn ở bên cạnh, đồng hành vì sự phát triển chung”.
Từ trường hợp Tân Hoàng Minh để thấy, việc các trái chủ, những người mua trái phiếu riêng lẻ không có tài sản đảm bảo, không được bảo lãnh thanh toán, lại không xem xét và đánh giá đầy đủ năng lực tài chính của chủ đầu tư, nếu rơi vào trường hợp phải đi đòi tiền các chủ thể phát hành, phải yêu cầu chủ thể doanh nghiệp thực thi các cam kết có thể có trong hợp đồng như mua lại trái phiếu trước hạn hoặc trả lại tiền + lãi khi phát sinh rủi ro, sẽ rất... cam go. Đó là chưa xét trong trường hợp doanh nghiệp vỡ nợ, thì việc thanh lý, xử lý tài sản của doanh nghiệp để trả nợ còn phải tuân thủ thứ tự chủ nợ theo quy định pháp luật.
Có thể bạn quan tâm