Cần giải pháp bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp

GIA NGUYỄN 28/04/2022 04:00

Sau hàng loạt vụ việc tiêu cực được đưa ra ánh sáng thời gian qua, chuyên gia cho rằng, cùng với việc sửa đổi khung pháp lý, cần sớm có giải pháp bình ổn lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp…

>> Sớm bịt “kẽ hở” để đưa trái phiếu doanh nghiệp vào… khuôn khổ

Việc xử lý nghiêm một số tổ chức phát hành trái phiếu không tuân thủ các yêu cầu của pháp luật, điển hình như vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho thấy, các cơ quan chức năng đang quyết tâm lập lại trật tự trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Cần giải pháp bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Cần giải pháp bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Thực tế, sau vụ việc này, các cơ quan quản lý đã có những động thái vào cuộc quyết liệt, với mục tiêu để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh và minh bạch, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và trình Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, về lâu dài bên cạnh việc sửa đổi, thay thế hành lang pháp lý cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trước mắt cần bình ổn lại thị trường, có biện pháp khuyến khích và bảo vệ doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

>> “Siết” trái phiếu doanh nghiệp: Cần có… lộ trình

Cụ thể, thông tin tại Hội nghị mới đây, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, liên quan tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây, một số tổ chức phát hành và tổ chức trung gian đã không tuân thủ các yêu cầu của pháp luật. Cùng đó, các tin tức không tích cực về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trên thông tin đại chúng, khiến tâm lý các nhà đầu tư hoang mang và nhiều nhà đầu tư cá nhân có động thái bán lại các trái phiếu đã đầu tư, bao gồm cả những trái phiếu có chất lượng tốt, giảm đầu tư mới... khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp và thứ cấp gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt, với các doanh nghiệp bất động sản thì đây có thể được coi là khó khăn “kép” khi bị hạn chế cả việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Việc này có thể dẫn tới mất thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, gây những hệ lụy khó lường cho thị trường tài chính nói chung.

Do đó, VBMA cho rằng, cần có các biện pháp để bình ổn thị trường từ phía Chính phủ, cơ quan quản lý và mọi chủ thể tham gia thị trường để thị trường trái phiếu doanh nghiệp sớm ổn định trở lại.

Rất nhiều tổ chức phát hành, nhà tư vấn khác trên thị trường vẫn được đánh giá tích cực, an toàn và chuyên nghiệp - Ảnh minh họa

Rất nhiều tổ chức phát hành, nhà tư vấn khác trên thị trường vẫn được đánh giá tích cực, an toàn và chuyên nghiệp - Ảnh minh họa

Theo ông Phạm Phú Khôi - Phó Chủ tịch VBMA, những trường hợp tiêu cực vừa qua không phải là đại diện của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như là đại diện các tổ chức hay nhà tư vấn phát hành, mà đó là những trường hợp vi phạm pháp luật mang tính cá biệt, riêng lẻ, sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Rất nhiều tổ chức phát hành, nhà tư vấn khác trên thị trường vẫn được đánh giá tích cực, an toàn và chuyên nghiệp.

VBMA mong muốn Chính phủ và Bộ Tài chính sẽ có các tiêu chí xếp hạng tín nhiệm cho các tổ chức phát hành, tránh các nhà đầu tư đánh đồng và bán tháo các trái phiếu doanh nghiệp khi có sự khủng hoảng nào đó, cũng như đảm bảo được tính minh bạch của tổ chức phát hành. Bên cạnh đó, về vấn đề tin đồn không chính xác, tiêu cực đang lan truyền trên thị trường khiến cho tâm lý các nhà đầu tư hoang mang, cần có tiếng nói chính thức từ cơ quan có thẩm quyền để bình ổn tâm lý nhà đầu tư.

“Về chính sách bình ổn thị trường, đối với ngân hàng và Công ty chứng khoán, cần có các biện pháp để có thể trong thời gian ngắn tạo thanh khoản cho thị trường. Ví dụ như lùi lại thời gian hiệu lực của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp; có chính sách để tạo thanh khoản cho các Công ty chứng khoán”, ông Khôi kiến nghị.

Còn theo ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), việc cơ quan chức năng thời gian qua xử lý nghiêm những sai phạm trên thị trường trái phiếu là các giải pháp để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, chứ không phải là tạo ra khung khổ quá khó khăn. Bởi trên thực tế, hành vi vi phạm pháp luật chỉ là số nhỏ, trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật.

Ông Ngọc cho rằng, đây là hoạt động cần thiết trong giai đoạn thị trường hiện nay, bởi việc giám sát chặt chẽ sẽ giúp thị trường phát triển mạnh về mặt quy mô trong dài hạn, đảm bảo được yếu tố chất lượng phát hành. Qua đó, bảo vệ được trái chủ khi thị trường trái phiếu đã minh bạch an toàn.

Từ đó, ông Ngọc đề xuất, trong tương lai khung khổ pháp lý cần làm chặt chẽ hơn, tăng thêm các điều kiện khi phát hành. Ví dụ như điều kiện tổ chức tư vấn phát hành có thể tham gia mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp, hay tài sản đảm bảo bắt buộc phải được quản lý bởi một bên thứ 3 là bên tư vấn hoặc ngân hàng, mục đích sử dụng vốn cũng phải được giám sát chặt chẽ.

“Tôi tin là khi thực hiện các việc này sẽ nâng cao niềm tin của nhà đầu tư với thị trường trái phiếu trong dài hạn”, ông Ngọc nêu quan điểm.

Ngoài ra, các chuyên gia đều cho rằng, dư địa phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn rất lớn, khi hiện nay quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất nhỏ so với kênh tín dụng (so với 10.500 nghìn tỷ đồng tín dụng, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp hiện chỉ bằng 6%). Vì vậy, cần tiếp tục phát triển mạnh thị trường này.

“Những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, kinh doanh khả quan đem lại lợi nhuận tích cực, đủ điều kiện phát hành trái phiếu, sử dụng đúng mục đích thì cần bảo vệ, khuyến khích huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, các chuyên gia đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

    Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

    03:30, 26/04/2022

  • Chuyển đổi ra sao để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

    Chuyển đổi ra sao để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

    05:00, 25/04/2022

  • Khúc quanh mới của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

    Khúc quanh mới của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

    03:00, 23/04/2022

  • “Gạn lọc” trái phiếu doanh nghiệp

    “Gạn lọc” trái phiếu doanh nghiệp

    04:50, 21/04/2022

  • Sớm bịt “kẽ hở” để đưa trái phiếu doanh nghiệp vào… khuôn khổ

    Sớm bịt “kẽ hở” để đưa trái phiếu doanh nghiệp vào… khuôn khổ

    04:10, 21/04/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần giải pháp bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO