Sớm bịt “kẽ hở” để đưa trái phiếu doanh nghiệp vào… khuôn khổ

GIA NGUYỄN 21/04/2022 04:10

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, hiệu quả, là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng, cần sớm bịt những “kẽ hở”đang hiện hữu…

>> “Siết” trái phiếu doanh nghiệp: Cần có… lộ trình

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2018, các doanh nghiệp đã phát hành thành công tổng giá trị trái phiếu đạt 224 nghìn tỷ đồng; năm 2019 phát hành đạt 312.000 tỷ đồng; năm 2020 phát hành đạt 436.000 tỷ đồng và năm 2021 phát hành đạt 722.700 tỷ đồng. Trong đó, phát hành riêng lẻ vẫn là hình thức chủ đạo, chiếm khoảng 90% tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Sớm bịt “kẽ hở” để đưa trái phiếu doanh nghiệp vào… khuôn khổ - Ảnh minh họa

Sớm bịt “kẽ hở” để đưa trái phiếu doanh nghiệp vào… khuôn khổ - Ảnh minh họa

Không thể phủ nhận trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn hiệu quả dành cho doanh nghiệp, giúp giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, thế nhưng, chính sự phát triển “nóng” của thị trường này thời gian qua, cũng được cho là tiềm ẩn những rủi ro lớn, khi có gần 80% giá trị phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Chưa kể, với lợi thế dễ dàng gọi vốn, dòng tiền thu về từ trái phiếu doanh nghiệp cũng không bị kiểm soát, giám sát một cách chặt chẽ, khiến doanh nghiệp phát hành có thể tùy ý sử dụng mà các trái chủ khó có thể biết. Nhiều trường hợp, chủ đầu tư trong hồ sơ phát hành thông báo huy động tiền từ trái phiếu để hoàn thành một dự án, nhưng trên thực tế lại lấy khoản tiền đó để mua dự án khác hoặc đem tiền đi đầu tư.

Thông tin tại Tọa đàm “Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp” mới đây, TS Lê Đạt Chí - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước đây, ít thấy doanh nghiệp sử dụng công cụ trái phiếu để huy động vốn nhưng từ Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi các quy định trước đó, quy mô của thị trường này tăng trưởng mạnh mẽ.

“Đáng lưu ý, trái phiếu tài trợ cho doanh nghiệp bất động sản chiếm phần lớn trong tổng tài sản của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Nhưng rủi ro xuất hiện khi doanh nghiệp sử dụng một số công ty con, công ty liên kết... để huy động vốn qua kênh trái phiếu”, ông Chí chia sẻ.

>> Từ vụ Tân Hoàng Minh: Cần thêm nguồn lực để giám sát trái phiếu doanh nghiệp

Để có một thị trường tài chính phát triển các nước cũng phải trải qua rất nhiều quá trình điều chỉnh quy định pháp luật - Ảnh minh họa

Để có một thị trường tài chính phát triển các nước cũng phải trải qua rất nhiều quá trình điều chỉnh quy định pháp luật - Ảnh minh họa

Theo ông Chí, ở góc độ khác, khoảng 60% người mua trái phiếu doanh nghiệp là ngân hàng thương mại, điều này hết sức rủi ro. Do đó, khi triển khai các gói chính sách, gói hỗ trợ kinh tế, Nhà nước cần kiểm soát dòng vốn này để tránh hạn chế chảy vào trái phiếu doanh nghiệp, tránh bài học về nợ xấu trong quá khứ.

Để có một thị trường tài chính phát triển các nước cũng phải trải qua rất nhiều quá trình điều chỉnh quy định pháp luật. Do đó, việc điều chỉnh quy phạm pháp luật hiện nay là cần thiết nhằm sửa đổi những rủi ro, chưa hoàn chỉnh trên thị trường.

“Nếu Chính phủ muốn phát triển thị trường trái phiếu như kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế thì khi sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ (Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ) phải lưu ý ngoài chủ thể là thị trường sơ cấp và người mua trái phiếu phát hành riêng lẻ thì khi công cụ này được giao dịch, mua bán trên thị trường thứ cấp sau đó, ai sẽ mua đi bán lại, rủi ro thế nào, cần phải được làm rõ”, ông Chí cho hay.

Còn theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chứng khoán ngân hàng Đông Á, câu chuyện phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là tự vay và tự trả nên không có cơ chế kiểm soát dòng vốn sau phát hành. Và sau khi phát hành xong, các kênh như ngân hàng, Công ty chứng khoán tiếp tục phân phối trái phiếu thông qua kênh bán lẻ của họ, thậm chí chào mời cả những nhà đầu tư đã gửi tiết kiệm.

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp khoảng 12%/năm và tổng chi phí cho kênh này là khoảng 15%/năm với chi phí cho kênh phân phối, bảo lãnh phát hành. Trong khi đó, mức lãi suất tiền gửi hiện nay chỉ khoảng 6%/năm, điều này khiến nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi trái phiếu doanh nghiệp...

“Dù vậy, đang có “kẽ hở” mà các định chế tài chính, các nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu riêng lẻ sau đó phân phối lại cho nhà đầu tư cá nhân. Do đó, cần quy định lại để kiểm soát điều kiện phát hành trái phiếu, nếu không các tập đoàn đều không đứng ra phát hành mà chỉ sử dụng công ty con, là hình thức mượn “kẽ hở” của pháp luật”, ông Tuấn chia sẻ.

Đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ở nhiều quốc gia, việc không cần báo cáo tài chính, chứng minh tài sản là bình thường, nhưng với thị trường non trẻ như Việt Nam thì điều này chưa phù hợp. Ngay cả việc xem xét số lượng phát hành trái phiếu hiện nay cũng không đến nơi đến chốn, quy định vốn vay trên vốn chủ sở hữu cần phù hợp để bảo đảm khả năng trả nợ.

Chủ thể mua trái phiếu không chú ý đến khả năng tài chính, hấp thụ, rõ ràng đã làm lu mờ hình ảnh doanh nghiệp phát hành. Trong khi, việc giám sát quá trình sử dụng vốn còn bỏ ngỏ…

“Vì vậy, có nhiều “kẽ hở” cần sớm được bịt kín để làm sao tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, an toàn của nền kinh tế”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Trước đó, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần bộ phận quan trọng là các tổ chức đánh giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, để các nhà đầu tư có thông tin, lượng hóa được rủi ro khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp đó.

Có thể bạn quan tâm

  • “Siết” trái phiếu doanh nghiệp: Cần có… lộ trình

    “Siết” trái phiếu doanh nghiệp: Cần có… lộ trình

    04:00, 20/04/2022

  • Ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp

    Ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp

    04:30, 19/04/2022

  • Cải tổ thị trường trái phiếu doanh nghiệp

    Cải tổ thị trường trái phiếu doanh nghiệp

    04:30, 17/04/2022

  • FiinGroup và TCBS ký kết thỏa thuận hợp tác về trái phiếu doanh nghiệp

    FiinGroup và TCBS ký kết thỏa thuận hợp tác về trái phiếu doanh nghiệp

    04:00, 15/04/2022

  • Siết lại để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng nào?

    Siết lại để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng nào?

    12:00, 13/04/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sớm bịt “kẽ hở” để đưa trái phiếu doanh nghiệp vào… khuôn khổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO