Xu hướng sửa đổi hay ban hành mới quy định pháp luật cho thị trường trái phiếu được nhận định phải theo hướng chuyển đổi để phát triển, không vì một số sự kiện gần đây mà gây rào cản, khó khăn.
>>“Gạn lọc” trái phiếu doanh nghiệp
Theo khuyến nghị của ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam trong Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế vừa qua, Việt Nam không nên khuyến khích phát hành trái phiếu riêng lẻ và cần thắt chặt các quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Có thể thấy trong thời gian vừa qua, câu chuyện phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là là tự vay tự trả, nên không có cơ chế kiểm soát dòng vốn sau phát hành. Và sau khi phát hành xong, các kênh như ngân hàng, công ty chứng khoán tiếp tục phân phối trái phiếu thông qua kênh bán lẻ của họ, thậm chí chào mời cả những nhà đầu tư đã gửi tiết kiệm.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á đánh giá, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp khoảng 12%/năm và tổng chi phí cho kênh này là khoảng 15%/năm với chi phí cho kênh phân phối, bảo lãnh phát hành. Trong khi đó, mức lãi suất tiền gửi hiện nay là khoảng 6%/năm, điều này khiến nhà đầu tư bị hấp dẫn khi mua trái phiếu doanh nghiệp…
“Việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ không cần xin phép, chỉ lập phương án, kêu gọi đầu tư là phát hành cho thấy hình thức phát hành này quá dễ. Trong khi phát hành đại chúng phải thông qua Ủy ban chứng khoán nhà nước, phải được phê duyệt phương án phát hành, khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều chọn phát hành riêng lẻ và chọn kênh phân phối tiếp theo để chuyển tiếp trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân… Chưa kể, câu chuyện hậu kiểm là doanh nghiệp phát hành có sử dụng nguồn tiền đúng mục đích không lại là chuyện khác”, ông Huỳnh Anh Tuấn nói.
Tuy nhiên, theo TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư vốn cổ phần Quỹ Dragon Capital cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh chia lửa cho thị trường ngân hàng. Do đó, đối với thị trường Việt Nam, khi kiểm tra giám sát không nên làm quá chặt hoặc quá lỏng, mà cần có cơ chế thị trường để họ tự điều tiết, để nhà đầu tư thấy được rủi ro nằm ở đâu.
“Vậy làm sao để kiểm soát? Gần đây, có khoảng 2-3 công ty được Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Ngân hàng Nhà nước được cấp phép cho đánh giá tín dụng, xếp hạng tín nhiệm. Tôi cho rằng ở điều kiện tối thiểu nhất của trái phiếu phát hành doanh nghiệp, cần đánh giá tín dụng. Thậm chí bắt buộc tất cả những doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều bắt buộc phải đánh giá cơ chế tín dụng từ những tổ chức được cấp phép này”, TS. Lê Anh Tuấn khuyến nghị.
Đồng quan điểm này, LS. Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Luật SBLAW cho rằng, việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ cần sự tham gia của tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm. Khi sửa đổi Nghị định, yêu cầu bắt buộc là phải có kết luận của tổ chức đánh giá, xếp hạng tín nhiệm. Thị trường Việt Nam hiện có rất ít doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đánh giá, xếp hạng tín nhiệm nên thời gian tới, Nghị định nên mở cửa cho tổ chức nước ngoài có kinh ngiệm tham gia.
“Quan điểm sửa đổi Nghị định là bịt lỗ hổng nhưng phải thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu nói riêng và chứng khoán nói chung chứ không nên tạo nhiều thủ tục hành chính hơn, gây cản trở hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Xu hướng sửa đổi hay ban hành mới quy định pháp luật phải theo hướng chuyển đổi để phát triển, không vì một số sự kiện gần đây mà tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu”, vị LS đề xuất.
>>Sớm bịt “kẽ hở” để đưa trái phiếu doanh nghiệp vào… khuôn khổ
Liên quan đến quy định phát hành trái phiếu riêng lẻ là vấn đề về nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng nhận được nhiều quan tâm, bình luận. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, quy định về các nhà đầu tư chuyên nghiệp là cần vốn khoảng 2 tỉ đồng trở lên, điều này được cho là các công ty chứng khoán hoặc nhà phân phối có thể hỗ trợ nhà đầu tư được. “Nói "chuyên nghiệp" nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân thậm chí không biết đọc báo cáo tài chính, không hiểu biết về doanh nghiệp mà chỉ thông qua kênh môi giới. Chưa kể, các tập đoàn lớn không đứng ra phát hành trái phiếu doanh nghiệp thông qua công ty con, không có thương hiệu, còn người mua trái phiếu chỉ nhìn tập đoàn lớn là rất rủi ro... Do đó, cần quy định để kiểm soát được điều kiện phát hành trái phiếu, nếu không các tập đoàn đều không đứng ra phát hành mà chỉ sử dụng công ty con, là hình thức mượn kẽ hở của pháp luật”.
Theo Ths Nguyễn Anh Vũ, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, việc phân biệt phát hành riêng lẻ, cá nhân đủ điều kiện tài chính để thuê người tư vấn chuyên nghiệp đánh giá rủi ro. Với chuẩn số tiền nhà đầu tư đang có, có cần nâng chuẩn quy định nhà tư vấn? Đồng thời, số lượng nhà đầu tư có cần khống chế hay không? Nếu chào bán trái phiếu qua phương tiện thông tin đại chúng thì đều coi là phát hành ra công chúng. Do vậy, hiện nay việc xác định phương tiện thông tin chào bán phức tạp bởi với sự phát triển của Internet, mạng xã hội thì thông tin chuyển tải rất lớn.
“Một vấn đề cần xem xét là, ban đầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ cho đối tượng hạn chế, đến khi lên thị trường thứ cấp thì sẽ quy định như nào khi số nhà đầu tư sở hữu lượng trái phiếu lớn hơn. Một vấn đề khác là vai trò quỹ đầu tư trái phiếu ở Việt Nam hiện còn quá ít”, Ths Nguyễn Anh Vũ băn khoăn.
Đại biểu Phan Đức Hiếu cũng phân tích, Điều 11 của Luật Chứng khoán có 2 điểm bất cập. Thứ nhất, các điều kiện để một cá nhân trở thành nhà đầu tư chứng khoán rất dễ để đạt được về mặt luật pháp, nhưng có thể không làm thay đổi bản chất của nhà đầu tư đó. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán.
Điển hình như quy định: Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Vậy sau thời điểm đó thì như nào?
“Theo tôi tìm hiểu, luật Chứng khoán của Mỹ năm 1933, sửa đổi năm 2010, nhà đầu tư đã được chỉ định thì phải có tài sản là 200.000 USD, trong 2 năm liên tiếp phải luôn phải duy trì, chứ không chỉ tại thời điểm đó. Năm 2020, họ lại sửa đổi sửa thêm lần nữa, bổ sung thêm quy định mới về năng lực chuyên môn… thì khi đó mới được công nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”, ông Phan Đức Hiếu cho biết.
Thứ hai, Luật Chứng khoán giao cho chính công ty chứng khoán là những người bán hàng, có nghĩa là mua ở thị trường sơ cấp xong bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Như thế sẽ có xung đột, vì nếu họ muốn bán hàng, họ sẽ tìm mọi cách để xác nhận người kia đủ tư cách người mua.
“Thủ tướng cần cho xem xét, rà soát Điều 11 của Luật Chứng khoán và Nghị định 155 liên quan điều kiện của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nếu như nâng được chất lượng thực sự của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ có một lợi ích rất dài hạn. Đây là công cụ thị trường để tự họ sàng lọc mà không cần can thiệp về mặt chính sách”, vị Đại biểu Quốc hội đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 23/04/2022
15:20, 22/04/2022
05:30, 21/04/2022
04:50, 21/04/2022