Những thay đổi trong quy định mới về phát hành trái phiếu riêng lẻ và chào bán đại chúng sẽ tạo cơ hội cho các nhà phát hành có thể cải thiện cấu trúc tài chính và tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong quý 1/2025 đã ghi nhận một loạt các biến động và áp lực lớn từ việc đáo hạn trái phiếu. Mặc dù có sự phục hồi nhẹ trong hoạt động phát hành mới, nhưng thị trường này vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh nền kinh tế không ổn định và những quy định mới từ Luật Chứng khoán sửa đổi. Cùng với đó, áp lực đáo hạn trái phiếu và sự gia tăng của các đợt thanh toán gốc và lãi đã đặt ra yêu cầu cấp bách về các giải pháp tái cấu trúc và tái tài trợ vốn cho các doanh nghiệp.
Áp lực từ đáo hạn và cơ cấu thị trường
Theo Báo cáo Thị trường TPDN tháng 3/2025 của FiinGroup, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành tính đến cuối tháng 3 đạt hơn 1,25 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ 0,3% so với tháng trước. Đây là tháng thứ tư liên tiếp chứng kiến sự sụt giảm, tuy nhiên, điểm sáng trong tháng là sự phục hồi nhẹ trong hoạt động phát hành trái phiếu mới, với tổng giá trị phát hành đạt 17,2 nghìn tỷ đồng, trong khi tháng 2 không có đợt phát hành nào.
Dù có sự phục hồi này, nhưng áp lực từ lượng trái phiếu đáo hạn gia tăng trong tháng 3 lại là một yếu tố quan trọng cần lưu ý. Cụ thể, giá trị trái phiếu đáo hạn đã tăng vọt, gấp đôi tổng giá trị của hai tháng đầu năm cộng lại.
Ngoài ra, mặc dù giá trị trái phiếu mua lại đã tăng mạnh 109%, nhưng các số liệu này vẫn cho thấy thị trường đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc duy trì ổn định. Sự gia tăng giá trị trái phiếu được mua lại cho thấy các nhà đầu tư đang tìm cách giảm thiểu rủi ro, điều này có thể tác động đến tính thanh khoản của thị trường trong dài hạn.
Cũng theo Fiin Group, luỹ kế quý 1/2025, tổng giá trị phát hành TPDN đạt 22,8 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái. Sự giảm sút này được lý giải bởi yếu tố mùa vụ (nghỉ Tết) và sự thay đổi trong các quy định về phát hành trái phiếu theo Luật Chứng khoán sửa đổi 2024, có hiệu lực từ 1/1/2025.
Điều đặc biệt là trong quý 1/2025, không có đợt phát hành nào từ nhóm bất động sản, một trong những ngành chủ lực của thị trường TPDN. Điều này phản ánh sự thiếu vắng của một nguồn cung lớn trên thị trường trái phiếu, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn.
Về cơ cấu ngành, ngân hàng và bất động sản tiếp tục chiếm ưu thế, đóng góp gần 74% tổng giá trị thị trường. Trong đó, trái phiếu phát hành ra công chúng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, chiếm 12,1% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành và tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một dấu hiệu tích cực, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng từ nhà đầu tư đối với trái phiếu công chúng.
Tuy nhiên, áp lực đáo hạn vẫn là yếu tố chi phối trong thời gian tới, khi mà lượng trái phiếu đến hạn trong quý 2/2025 ước tính lên tới 49.800 tỷ đồng, tạo ra một thử thách lớn đối với doanh nghiệp phi ngân hàng.
Nhận diện những khó khăn trên thị trường, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng tại BIDV cũng đánh giá, hình thức phát hành TPDN của Việt Nam hiện nay chưa đa dạng. Tại Hàn Quốc, Thái Lan hay Trung Quốc đều có các hình thức phát hành đặc thù để nhắm tới một nhóm nhà đầu tư nhất định. Ngoài ra, yêu cầu xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam vẫn còn lỏng lẻo so với các quốc gia và chưa phân nhóm. Điều này khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro hơn khi mua TPDN.
Đặc biệt, quy định về nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp còn khá khắt khe theo Luật Chứng khoán 2019 và Luật số 56/2014/QH15: “Một cá nhân có thể trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nếu đáp ứng yêu cầu về tài sản hoặc thu nhập hoặc có chứng chỉ hành nghề chứng khoán”. Trong khi đó, Trung Quốc coi các cá nhân có kinh nghiệm làm việc liên quan hoặc là quản lý cấp cao tại tổ chức tài chính... là người có đủ điều kiện để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp. Hàn Quốc thì miễn yêu cầu về thu nhập thường niên cho những cá nhân có chuyên môn về tài chính.
“Về khó khăn và thách thức trong dài hạn, thị trường TPDN cần giải quyết nhiều vấn đề mang tính cấu trúc như hoàn thiện pháp lý, hình thức phát hành, chủ thể phát hành chưa đa dạng, cơ cấu và chất lượng nhà đầu tư còn bất cập, hoạt động phát hành ra công chúng chưa phát triển tương xứng với quy mô và tiềm năng thị trường. Hạ tầng công nghệ thông tin, số liệu, đường cong lợi tức chuẩn (do trái phiếu Chính phủ làm benchmark) chưa hình thành”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Giải pháp tháo gỡ
Trước tình hình trên, các giải pháp tái cấu trúc và tái tài trợ vốn cho doanh nghiệp trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Fiin Group dự báo trong năm 2025, giá trị dư nợ TPDN sẽ tăng từ 15 - 20%, đặc biệt là khi các ngân hàng tiếp tục phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng.
Trong khi đó, các quy định mới về phát hành trái phiếu riêng lẻ và chào bán đại chúng dự kiến được áp dụng trong nửa cuối năm 2025, sẽ giúp nâng cao chất lượng trái phiếu và thu hút thêm nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Những thay đổi này sẽ tạo ra một cơ hội lớn cho các nhà phát hành có thể cải thiện cấu trúc tài chính và tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Đồng thời, việc phát hành TPDN cần phải kết hợp với các chiến lược quản lý rủi ro và phát triển các mô hình tài chính linh hoạt hơn. Các doanh nghiệp cần tận dụng các công cụ tài chính hiện đại và phát triển các kế hoạch tài chính dài hạn nhằm giảm thiểu rủi ro trong việc thanh toán trái phiếu đáo hạn.
Kiến nghị về chính sách liên quan đến phát triển thị trường TPDN, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh các yếu tố gồm: Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu, bao gồm cả thị trường trái phiếu chính phủ, nhằm tạo chuẩn về lãi suất. Thứ hai, hoàn thiện hạ tầng cho thị trường TPDN, như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin dữ liệu về trái phiếu, tài sản đảm bảo. Thứ ba, hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường. Thứ tư, đa dạng hóa và cải thiện chất lượng nhà đầu tư cả sơ cấp và thứ cấp, tăng cường giáo dục tài chính. Thứ năm, thực quản lý định hướng phát triển thị trường cần được gắn chặt với việc quản lý, giám sát rủi ro hệ thống tài chính.
Mặc dù thị trường TPDN trong năm 2025 còn đối mặt với nhiều thách thức, nhưng cũng chứa đựng những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đây sẽ tiếp tục là một kênh huy động vốn quan trọng, nhưng các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho những thay đổi sắp tới để bảo vệ và phát triển tài chính bền vững, từ đó có thể vượt qua thách thức và duy trì sự phát triển trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động.