Bamboo Capital "lên đời" tập đoàn, mở rộng đầu tư dược phẩm
Với hệ sinh thái ngày càng rộng mở, Bamboo Capital (BCG) vừa thông qua kế hoạch đổi tên Công ty, đồng thời thông qua các kế hoạch kinh doanh năm 2022 với việc đầu tư nhiều lĩnh vực.
>> Ai mới thực sự là cổ đông quyền lực trong các liên minh cổ đông tại Eximbank?
Sáng ngày 6/5, Công ty Cổ phần Bamboo Capital (HoSE: BCG) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 bằng hình thức trực tuyến. Đại hội đã thống nhất đổi tên công ty thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital và thông qua nhiều nội dung đáng chú ý.
Tại ĐHĐCĐ 2022, HĐQT Bamboo Capital đã trình kế hoạch đổi tên công ty. Đại hội đã nhất trí đổi tên công ty thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital nhằm tạo thuận lợi cho quá trình kết nối với đối tác và khách hàng khi giao dịch và kinh doanh theo định hướng phát triển của công ty trong giai đoạn mới, thuận lợi hơn trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường.
Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu thuần đạt 7.250 tỷ đồng, tăng trưởng 280% so với thực hiện 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 220%. Ngoài ra, công ty cũng thông qua việc trả cổ tức 2021 tỷ lệ 10%, gồm 5% tiền mặt và 5% cổ tức.
Kế hoạch tăng vốn cũng được đại hội tán thành với tỷ lệ biểu quyết cao. BCG dự kiến phát hành hơn 266 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, BCG cũng lần đầu tiên phát hành cổ phiếu theo hình thức bán đấu giá 250 triệu cổ phần ra công chúng. Giá chào bán khởi điểm bằng tối thiểu 70% giá tham chiếu bình quân của 60 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán của cổ phiếu BCG tính đến ngày công ty ra nghị quyết chào bán.
Cùng với 25,3 triệu cổ phiếu trả cổ tức và 5 triệu cổ phiếu ESOP, tổng giá trị cổ phần BCG dự kiến phát hành trong năm 2022 tính theo mệnh giá là 5.183 tỷ đồng. Như vậy, sau khi hoàn tất các đợt phát hành, vốn điều lệ của Bamboo Capital sẽ tăng từ 5.033 tỷ đồng lên khoảng 10.500 tỷ đồng.
>> Thị giá bị tác động, Chủ tịch Bamboo Capital Nguyễn Hồ Nam trấn an cổ đông
Theo lãnh đạo Bamboo Capital, nếu thực hiện tốt việc huy động vốn trong năm 2022, BCG sẽ có thêm nguồn lực để tạo ra doanh thu và lợi nhuận cao hơn, tạo ra giá trị lớn hơn cho cổ đông. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm tới mà HĐQT BCG đã xây dựng. Theo kế hoạch này, BCG sẽ đạt mức lợi nhuận sau thuế hơn 10.000 tỷ đồng vào năm 2026.
Sau khi tăng vốn thành công, BCG sẽ góp 5.000 tỷ đồng vào BCG Financial nhằm tăng vốn cho Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA, chuẩn bị nguồn lực cho Bảo hiểm AAA tăng tốc trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, phát triển thêm các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nhằm mang về doanh thu đột phá, hướng đến mục tiêu niêm yết trong 3 năm tới.
Thông qua BCG Financial, BCG cũng sẽ đầu tư thêm mảng fintech của Công ty Bamboo ID để phát triển ứng dụng ngân hàng số, đầu tư dài hạn vào mảng ngân hàng và M&A các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính.
Về nhân sự, đại hội đã thông qua đơn miễn nhiệm thành viên HĐQT của ông Khuất Tuấn Anh và bầu bổ sung ông Nguyễn Tùng Lâm vào HĐQT BCG nhiệm kỳ 2022-2026.
Sau hơn 10 năm thành lập, BCG đã trở thành tập đoàn đa ngành với 78 công ty thành viên và công ty liên kết, hơn 2.000 nhân sự. Tập đoàn kinh doanh trên 7 lĩnh vực chính gồm: Năng lượng tái tạo, Xây dựng - Hạ tầng, Bất động sản, Sản xuất - Thương mại, Tài chính - Bảo hiểm, Dịch vụ quản lý và phân phối bất động sản, và Dược phẩm.
Có thể bạn quan tâm