Nợ hàng nghìn tỷ đồng, HQC bán công ty con cho chủ nợ
Theo Nghị quyết vừa công bố, Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HoSE: HQC) sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn đang nắm giữ tại 3 công ty liên kết cho các chủ nợ.
>>>Tiềm lực của Louis Holdings - nhóm cổ đông muốn đưa người vào HQC
Cụ thể, HQC sẽ chuyển nhượng toàn bộ 12 triệu cổ phần đang nắm giữ tại Công ty CP Đầu tư Simon cho các cá nhân khác. Trong đó, công ty chuyển nhượng 10 triệu cổ phần cho bà Nguyễn Thị Điểm với giá 300 tỷ đồng và 2 triệu cổ phần cho ông Hoàng Minh Đức với giá 60 tỷ đồng.
HQC cũng bán toàn bộ 5,8 triệu cổ phần tại Công ty TV – TM – DV Địa ốc Hoàng Quân Mê Kông cho ông Hoàng Minh Đức với giá 117,1 tỷ đồng. Cùng với đó, HQC cũng chuyển nhượng 14,23 triệu cổ phần tại Công ty TV – TM – DV địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận cho nhiều cá nhân.
Trong đó, HQC bán 7 triệu cổ phần cho ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT với giá 819 tỷ đồng; bán 2,89 triệu cổ phần cho bà Nguyễn Thị Như Hiền với giá 335 tỷ đồng; bán 2,89 triệu cổ phần cho bà Nguyễn Trần Thùy Trang giá 335 tỷ đồng và bán 1,38 triệu cổ phần cho ông Hoàng Minh Đức giá 159,9 tỷ đồng.
Sau giao dịch chuyển nhượng, HQC thu về tổng cộng hơn 2.126 tỷ đồng và không còn là cổ đông của 3 công ty trên. Được biết, phần lớn các cá nhân trong danh sách nhận chuyển nhượng cổ phần từ HQC đều đang là chủ nợ của doanh nghiệp này.
Theo đó, HQC hiện đang nợ Chủ tịch HĐQT Trương Anh Tuấn 1.160 tỷ đồng; nợ ông Hoàng Minh Đức 337 tỷ đồng; nợ bà Nguyễn Thị Điểm 300 tỷ đồng; nợ bà Nguyễn Thị Như Hiền 335 tỷ đồng; nợ bà Nguyễn Trần Thùy Trang 335 tỷ đồng. Các khoản nợ này được ghi nhận dưới hình thức tiền mượn và không có thông tin về lãi suất phải trả.
Trước đó vào giữa tháng 3/2022, HQC dự kiến trình ĐHĐCĐ các tờ trình liên quan đến việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi các khoản nợ trên. Cụ thể, HQC dự tính phát hành hơn 87,3 triệu cổ phiếu với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho ông Trương Anh Tuấn để hoán đổi 873 tỷ đồng. Nếu được thông qua phương án phát hành, công ty sẽ giảm số nợ ông Tuấn từ hơn 1.100 tỷ đồng về còn khoảng 293,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, HQC cũng muốn phát hành 130,7 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ cho 4 cá nhân khác là ông Hoàng Minh Đức với 33,7 triệu cổ phiếu; bà Nguyễn Thị Điểm với 30 triệu cổ phiếu; bà Nguyễn Thị Như Hiền và bà Nguyễn Trần Thùy Trang mỗi người là 33,5 triệu cổ phiếu.
Nếu phương án này được cổ đông thông qua, HQC sẽ phát hành tổng cộng 218 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, qua đó, tăng vốn điều lệ từ 4.766 tỷ đồng lên 6.946 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó do sự xuất hiện của nhóm cổ đông liên quan tới Louis Holdings, HQC đã dời ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vào ngày 18/6 tới đây. Vì vậy, các phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ nêu trên vẫn chưa được ĐHĐCĐ xem xét thông qua.
>>>Vì sao HQC đặt mục tiêu kinh doanh thấp nhất kể từ khi lên sàn?
Về tình hình kinh doanh, quý I/2022, HQC ghi nhận doanh thu thuần đạt 77,7 tỷ đồng, giảm 12% so với mức 104,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của HQC đạt đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 350% so với quý đầu năm ngoái, do giảm chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp và ghi nhận khoản thu nhập khác đột biến.
HQC từng là một doanh nghiệp dẫn đầu phân khúc nhà ở xã hội (NOXH) toàn khu vực phía Nam, những năm 2014 - 2015 HQC gần như hưởng lợi trọn gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ nhờ thế "một mình một ngựa".
Tuy nhiên, bước sang năm 2016, chính sách NOXH thay đổi khiến HQC lao dốc không phanh, không chỉ chỉ số kinh doanh mà cổ phiếu cũng bay hơi mạnh. Cần nhấn mạnh, ngay cả ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HQC và là người sáng lập HQC cùng nhóm liên quan từng sở hữu gần 20% vốn vào cuối năm 2020 cũng đã bán ra lượng lớn cổ phiếu, đưa tỷ lệ xuống dưới mức 5% vốn.
Kinh doanh kém sắc, lợi nhuận liên tục đi lùi. Năm 2020, lợi nhuận của HQC giảm xuống dưới 10 tỷ đồng (chỉ bằng ¼ năm 2019), đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp, lợi nhuận của HQC “lao dốc”.
Sang năm 2021, ban lãnh đạo quyết định chuyển hướng sang bất động sản thương mại. HQC cho biết sẽ thoái vốn hoặc hợp tác toàn bộ các dự án NOXH, liên kết với các đối tác (trong ngoài nước để làm dự án thương mại). Đồng thời, đặt kế hoạch lớn cho năm 2021, tuy nhiên lợi nhuận cuối năm tiếp tục giảm mạnh còn vỏn vẹn 4 tỷ đồng, bằng phân nửa năm trước.
Hoạt động kinh doanh kém sắc, điều hấp dẫn ở HQC trong mắt nhà đầu tư được đánh giá là nằm ở những dự án đang triển khai, phần lớn trong số này thuộc về 3 công ty con mà HQC đang có ý định bán cho các chủ nợ.
Cụ thể, Hoàng Quân Bình Thuận sở hữu 160ha đất khu công nghiệp và khu dân cư. Còn Hoàng Quân Mê Kông đang sở hữu lợi thế đầu tư, phát triển dự án tại khu vực Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Hay Simon cũng đang đầu tư dự án có diện tích đất hơn 51 ha tại Đắk Lắk: Đây là dự án được quy hoạch với các sản phẩm nhà liên kế vườn, nhà phố, biệt thự đơn lập - song lập và biệt thự vườn kết hợp nông trại, khu du lịch sinh thái…Và nếu như bán hết những “của để dành” này thì liệu HQC có còn gì hấp dẫn với nhà đầu tư?
Có thể bạn quan tâm
Tiềm lực của Louis Holdings - nhóm cổ đông muốn đưa người vào HQC
05:00, 24/03/2022
Vì sao HQC đặt mục tiêu kinh doanh thấp nhất kể từ khi lên sàn?
16:15, 24/04/2021
Dự án Nhà ở xã hội HQC Nha Trang: Khách hàng phải chờ đến bao giờ?
05:15, 14/08/2020
Đón vốn khủng từ quỹ ngoại, HQC có hồi sinh?
06:01, 17/07/2020
Bàn giao nhà ở xã hội HQC Nha Trang: Cư dân tố bị chủ đầu tư “gài bẫy”
06:30, 21/01/2020