Thị trường vốn nợ bền vững ASEAN: "Chuộng" trái phiếu xanh, khoản vay xanh

LÊ MỸ 25/06/2022 04:50

Theo HSBC, thị trường vốn nợ bền vững tại 6 nền kinh tế lớn nhất khối ASEAN tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng với kỷ lục về phát hành trong 2021.

>>> Vốn xanh cho nền kinh tế tuần hoàn

Báo cáo mới của Climate Bonds và HSBC công bố vào trung tuần tháng 6 cho thấy 6 nền kinh tế lớn nhất khối ASEAN đã ghi nhận lượng phát hành cao kỷ lục ở mảng nợ xanh, xã hội và bền vững (green, social, and sustainability - GSS) đạt 24 tỷ USD, tăng 76,5% so với mức 13,6 tỷ USD của năm 2020, và nợ liên kết bền vững (sustainability-linked) đạt 27,5 tỷ USD, tăng 220% so với mức 8,6 tỷ USD của năm 2020. Tốc độ tăng trưởng này phản ánh tinh thần tích cực của khu vực ASEAN trong việc phân bổ nguồn vốn cho mục đích ứng phó với đại dịch COVID-19 bên cạnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững với biến đổi khí hậu và phát thải các-bon thấp trong dài hạn.

Tốc độ tăng trưởng này phản ánh tinh thần tích cực của khu vực ASEAN trong việc phân bổ nguồn vốn cho mục đích ứng phó với đại dịch COVID-19 bên cạnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững với biến đổi khí hậu và phát thải các-bon thấp trong dài hạn. Ảnh: Hùng Phi

Theo Lãnh đạo HSCB, có một xu hướng đang ngày càng phổ biến là các công ty đang lồng ghép rủi ro khí hậu khi xây dựng chiến lược kinh doanh hạn. Ảnh: Hùng Phi

6 nền kinh tế lớn nhất của ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã ghi dấu ấn về tăng trưởng trên thị trường vốn nợ quốc tế, cùng với các giao dịch là chính sách và sáng kiến đáng chú ý.

Singapore duy trì vị thế dẫn đầu khu vực với giá trị phát hành vốn nợ GSS đạt 13,6 tỷ USD trong năm 2021 so với 4,9 tỷ USD trong năm 2020. Sự tăng trưởng này phần lớn đến từ các giao dịch xanh và phản ánh sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ Singapore dành cho tài chính xanh. Trong khối ASEAN, Singapore là nguồn phát hành nợ xanh lớn nhất với tổng giá trị đạt 12 tỷ USD. Cùng với Indonesia, Singapore có cơ cấu đa dạng nhất về quy mô giao dịch, từ dưới 100 triệu USD tới trên 1 tỷ USD. Singapore cũng là nguồn phát hành khoản vay và trái phiếu liên kết bền vững lớn nhất ASEAN tính tới cuối 2021, chiếm 94 trong tổng số 129 giao dịch với tổng giá trị đạt 33,6 tỷ USD, tương đương 84,5% của thị trường.

Thái Lan là nguồn phát hành nợ bền vững lớn nhất khu vực với tổng giá trị đạt 5,8 tỷ USD tính tới cuối năm 2021, tương đương 38% của thị trường xã hội và bền vững ASEAN. Phần lớn trái phiếu xanh phát hành trong năm 2021 đến từ ngành vận tải và năng lượng. Thái Lan vươn lên dẫn đầu khu vực về phát hành xã hội và bền vững trong năm 2021. Trái phiếu bền vững chính phủ phát hành trong năm 2020 để tài trợ vốn cho những dự án vận tải và có tác động xã hội nhằm hỗ trợ phục hồi sau COVID-19 đã được mở lại bẩy lần, tổng giá trị lên đến 3,04 tỷ USD trong năm 2021. Nhờ vậy, khối lượng phát hành trái phiếu xã hội và bền vững của Thái Lan trong năm 2021 đã tăng lên đáng kể, đạt 3,6 tỷ USD.

>>> Hồng Kông phát hành trái phiếu xanh và câu chuyện ở Việt Nam

Trong số các nước ASEAN-6, cùng với Singapore, Indonesia có cơ cấu đa dạng nhất về quy mô giao dịch, từ dưới 100 triệu USD tới trên 1 tỷ USD. Tháng 9/2021, Indonesia là nước đầu tiên ở Đông Nam Á phát hành trái phiếu chính phủ gắn với các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), huy động được 584 triệu USD nhằm cung cấp vốn cho các dự án xã hội và môi trường, hỗ trợ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Tính tới cuối năm 2021, thị trường GSS+ của Indonesia chủ yếu là các giao dịch xanh nhưng thị phần của các công cụ tài chính bền vững và liên kết bền vững cũng tăng lên. Nợ xanh thống lĩnh thị trường Indonesia với 65% giá trị, theo sau là trái phiếu bền vững và các công cụ tài chính liên kết bền vững cùng đạt 15%. Trái phiếu xã hội chiếm 5% thị phần.

Trong khi đó, thị trường GSS+ của Malaysia ghi nhận tăng trưởng ba năm liên tiếp. Nhóm bền vững vẫn là công cụ tài chính phổ biến nhất, chiếm khoảng một nửa (51%) tổng thị phần. Nợ xanh (trái phiếu và các khoản vay) chiếm 29% thị trường, theo sau là các công cụ liên kết bền vững chiếm 20%. Tháng 4/2021, Chính phủ Malaysia phát hành trái phiếu Hồi giáo sukuk bền vững mệnh giá bằng USD đầu tiên trên thế giới, giao dịch có kỳ hạn 10 năm với giá trị đạt 800 triệu USD. Nguồn vốn huy động được sẽ sử dụng cho những dự án xanh và xã hội phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc.

Ghi chú của Báo cáo về Việt Nam cho thấy tổng giá trị phát hành GSS của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gần gấp năm lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định xuyên suốt ba năm liền. Phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh ở Việt Nam trong năm 2021 đến từ ngành vận tải và năng lượng. Việt Nam là nguồn phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD.

Cuối cùng thị trường Philippines đã chậm lại trong năm 2021 với tổng nợ GSS đạt 0,9 tỷ USD so với mức 2,3 tỷ USD trong năm 2020. Nước này ghi nhận hai đợt phát hành trái phiếu xanh trong năm 2021 từ ngành năng lượng. Nợ xanh từ Philippines chủ yếu có quy mô tầm trung (100-500 triệu USD) nhưng cũng có giao dịch quy mô nhỏ hơn (lên tới 100 triệu USD) và lớn hơn (500 triệu – 1 tỷ USD). Nhóm nợ yêu cầu mục đích sử dụng nguồn vốn chiếm 93% tổng giá trị GSS+ ở thị trường Philippines, trong đó nợ xanh chiếm 52% và nợ bền vững chiếm 41%. Các công cụ tài chính liên kết bền vững chiếm 7% tổng giá trị phát hành tính đến cuối năm 2021.

Theo số liệu trên, có thể thấy Singapore, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đều ghi nhận giá trị phát hành nợ GSS tăng lên so với năm 2020, còn Indonesia và Philippines lại giảm do lượng phát hành lớn trong năm 2020.  Đáng chú ý đối với Việt Nam, mặc dù tốc độ tăng trưởng phát hành nợ xanh tăng tốc đáng kể, nhưng tổng giá trị phát hành nợ so với các quốc gia đi đầu còn khá thấp. Việt Nam cũng có điểm chung với các quốc gia là sự chiếm cứ giá trị các khoản vay nợ thuộc về các doanh nghiệp phi tài chính, trong đó có sự hiện diện của lĩnh vực năng lượng.

Lưu ý rằng ngoài nợ xanh trên thị trường vốn, năm 2021 cũng là năm Việt Nam còn bùng nổ các khoản vay xanh qua các định chế, ngân hàng để hướng đến tài trợ, giải ngân tín dụng cho các doanh nghiệp xanh, đáp ứng tiêu chí ESG (Environmental, social and corporate governance – Môi trường, xã hội và chính trị), phát triển bền vững. Đây thực tế vẫn là nguồn vốn tài chính khí hậu chủ đạo tại Việt Nam tại thời điểm 2021 và cả hiện nay, để thực thi những bước nền tảng cho mục tiêu hướng đến Net Zero vào 2050 như cam kết của Chính phủ Việt Nam, trong bối cảnh vốn của các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn vẫn phụ thuộc vào tín dụng.

Tuy nhiên, trong tương lai, với riêng Việt Nam, cùng với sự tăng tốc của lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong khoảng thời gian rất ngắn, đưa Việt Nam từ chỗ gần như "số 0" trên bản đồ năng lượng sạch thế giới, nay đã vào vị trí top 15, giới chuyên môn theo đó dự báo tài chính khí hậu qua thị trường vốn nợ sẽ dần chiếm vai trò chủ chốt, thay thế cho nguồn tài trợ tín dụng, phù hợp với kênh vốn trung, dài hạn cho các dự án hướng về mục tiêu bền vững, cần thời gian phát triển dài hạn.

Trở lại với báo cáo của Climate Bonds và HSBC, theo thống kê, các khoản nợ được phân loại nhãn xanh (Green-labelled), bao gồm trái phiếu xanh và khoản vay xanh, tiếp tục là công cụ tài chính bền vững phổ biến nhất trên thị trường nợ GSS trong năm 2021. 63,9% các giao dịch GSS bắt nguồn từ ASEAN trong năm 2021 là giao dịch xanh, sau đó là tới giao dịch bền vững (35,5%), trong đó mảng bền vững cũng tăng lên so với năm 2020 (26%). Tỷ trọng phát hành nợ xã hội trong khu vực còn khá thấp (0,6%) trong năm 2021.

Tòa nhà và Năng lượng tiếp tục là mục đích sử dụng nhiều nhất nguồn vốn huy động từ các khoản nợ dán nhãn xanh ở ASEAN. Hai ngành này nhận được hai phần ba nguồn vốn trong năm 2019 và tăng lên 79% trong năm 2020. Bức tranh toàn khu vực không thay đổi trong năm 2021. Tòa nhà và Năng lượng chiếm 79,5% tổng nguồn vốn huy động từ nợ xanh phát hành tại khu vực ASEAN trong giai đoạn 2016-2021.

Đáng chú ý, trái phiếu do doanh nghiệp phi tài chính phát hành chiếm phần lớn (79%) khối lượng giao dịch xanh của ASEAN trong năm 2021, trái phiếu chính phủ tiếp tục thống lĩnh thị trường xã hội và bền vững, chiếm 51% lượng phát hành.

Nợ liên kết bền vững chứng kiến mức tăng trưởng theo cấp số nhân, ghi nhận thêm 27,5 tỷ USD trái phiếu liên kết bền vững (sustainability-linked bonds - SLB) và khoản vay liên kết bền vững (sustainability-linked loans - SLL) trong năm 2021 và nhờ vậy vượt qua khối lượng nợ GSS truyền thống. Tổng giá trị thị trường SLL và SLB vào cuối năm 2021 cũng tương đương với giá trị thị trường nợ xanh, đạt khoảng 39 tỷ USD.

"Thị trường trái phiếu chuyển đổi vẫn còn sơ khai. ASEAN ghi nhận trái phiếu chuyển đổi đầu tiên trong năm 2021 khi Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc ở Singapore phát hành 2 tỷ USD trái phiếu nhằm hỗ trợ các ngành phát thải các-bon nhiều ở Trung Quốc như khí đốt và các hoạt động sản xuất điện khác, sản xuất và thép", báo cáo đánh giá.

Dù vậy, có thể thấy những tín hiệu tích cực của các khoản nợ vay, trái phiếu xanh trên thị trường vốn nợ mà các quốc gia đang tận dụng, phản ánh sự chuyển dịch tư duy và định hướng của các Chính phủ, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và đặc biệt cả phía các nhà đầu tư, trong việc đặt trọng tâm quan tâm đến biến đổi khí hậu, tham gia thúc đẩy khơi dòng tài chính xanh bền vững để thực hiện các mục tiêu theo Hiệp định Paris. 

Tất nhiên, đối với nhiều lĩnh vực, việc dịch chuyển từ "nâu" sang "xanh", theo tổ chức ghi nhận dữ liệu, báo cáo, vẫn rất khó thay đổi và tuy có khởi đầu tốt, vẫn cần nhanh hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Tài chính xanh – còn nhiều dư địa cho tăng trưởng xanh

    Tài chính xanh – còn nhiều dư địa cho tăng trưởng xanh

    01:39, 03/03/2022

  • Triển vọng kinh tế năm 2022 và chính sách tài chính xanh

    Triển vọng kinh tế năm 2022 và chính sách tài chính xanh

    17:00, 19/02/2022

  • Việt Nam có cơ hội đón sóng tài chính xanh

    Việt Nam có cơ hội đón sóng tài chính xanh

    05:30, 21/01/2022

  • Tài chính xanh: Giải pháp vốn cho doanh nghiệp vì môi trường

    Tài chính xanh: Giải pháp vốn cho doanh nghiệp vì môi trường

    09:30, 10/12/2021

LÊ MỸ