Chủ tịch thoái vốn, ANV sẽ ra sao trong năm 2022?
Chủ tịch ANV Đỗ Lập Nghiệp đăng ký bán gần hết cổ phần nắm giữ tại doanh nghiệp trong bối cảnh cổ phiếu của doanh nghiệp ngành cá tra đang lao dốc mạnh nhất trên thị trường chứng khoán.
>>>Việt Phương thoái vốn, Vinapharm chia cổ tức “gây tức”
Theo đó, ông Đỗ Lập Nghiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nam Việt (HoSE: ANV) vừa đăng ký bán 450.000 cổ phiếu đang nắm giữ tại ANV. Giao dịch dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian từ 15/7-13/8, theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, ông Nghiệp chỉ còn nắm 19.000 cổ phiếu, tương đương 0,01% vốn điều lệ của ANV.
Thông tin trên được đưa ra sau khi ANV và nhóm cổ phiếu ngành cá tra lao dốc mạnh thời gian gần đây. Tính đến phiên sáng 12/7, giá cổ phiếu ANV đã giảm 34% so với đỉnh và nằm trong nhóm lao dốc mạnh nhất trên thị trường chứng khoán kể từ giữa tháng 6/2022.
Về kinh doanh, luỹ kế 5 tháng đầu năm, doanh thu của ANV đạt 2.148 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 479 tỷ đồng, thực hiện được 48% mục tiêu cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 449 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 tổ chức hồi tháng 6 vừa qua, HĐQT ANV đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 khá tham vọng với doanh thu 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, gấp 6,6 lần năm ngoái. Được biết, chỉ tiêu này được điều chỉnh tăng so với con số trước đó với doanh thu về 4.900 tỷ, tăng 40% và 720 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp 4,8 lần năm 2021.
Trong đó, ANV đặt mục tiêu tiếp tục áp dụng công nghệ cao để tự chủ về con giống cá tra chất lượng cao, đầu tư sản xuất Colagen và Genlatin, công suất 780 tấn/năm (dự kiến tháng 7/2022 hoàn thành và đưa vào sử dụng).
Chỉ tiêu lớn của ANV được đặt ra trong bối cảnh toàn ngành có cơ hội lớn. Trong đó, ngành cá tra tại thị trường Việt Nam vận động theo chu kỳ và được dự báo sẽ bứt phá trong chu kỳ 2022.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản cả nước mang về kim ngạch trên 4,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhiều mặt hàng duy trì mức tăng trưởng khả quan. Riêng mặt hàng xuất khẩu cá tra ước đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 97% so với cùng kỳ năm 2021.
>>>Ngành cá tra sẽ "bùng nổ" trong năm 2022?
Theo Chứng khoán Quốc tế (VISE), xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ 5 tháng đầu năm ước đạt 243 triệu USD, tăng hơn 130% so với cùng kỳ năm 2021. Vừa qua, Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS)-Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vừa công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Mỹ. Như vậy, cho tới điểm hiện tại, FSIS đã công nhận 19 nhà máy trong danh sách này.
Ngoài ra, VISE cho biết, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đang tích cực mở rộng xuất khẩu cá tra phát triển sang các thị trường tiềm năng. Trong số đó có 3 thị trường đáng chú ý là Mexico, Ai Cập và Thái Lan. Dù nhu cầu tăng cao nên các doanh nghiệp trong nước dễ dàng tiếp cận các thị trường mới dẫn đến số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cũng đông đảo hơn trước. Mexico hiện là thị trường có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong khối CPTPP. Trong 5 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mexico đạt trên 50 triệu USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Thái Lan cũng đạt gần 50 triệu USD, tăng 80% so với cùng kỳ. Một số thị trường mới như Ai Cập tuy chỉ đạt giá trị khoảng hơn 15 triệu USD nhưng tăng đến 85% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy các thị trường trên đang hấp thu rất tốt sản phẩm cá tra của Việt Nam. Việc mở rộng các thị trường mới giúp các doanh nghiệp ít lệ thuộc các thị trường truyền thống và mở rộng phát triển quảng bá hình ảnh thương hiệu cá tra rộng hơn.
Về xu hướng từ đây đến cuối năm, theo VISE, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU... khả quan do mức giá cá tra xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến trong nước cạnh tranh tốt và mặt hàng cá tra là nguồn thay thế cho một số phân khúc cá thịt trắng bị thiếu hụt có nguồn cung từ Nga.
“Năm nay, do tình hình lạm phát giá thực phẩm và thuỷ sản đang tăng mạnh trên thế giới cũng là một lợi thế cho mặt hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra tại các thị trường lớn như Mỹ hiện có mức tồn kho cá tra đã ở mức rất thấp sau hai năm dịch bệnh đã khiến cho các nhà nhập khẩu Mỹ tăng cường việc nhập khẩu cá tra phục vụ nhu cầu thị trường tăng cao trở lại”, chuyên gia của VISE nhận định.
Từ những yếu tố thuận lợi của ngành, giới chuyên gia cho rằng, cổ phiếu ANV có tiềm năng trong năm 2022 là có khả quan do nhu cầu tăng trưởng mạnh sau một thời gian dài bị dồn nén bởi đại dịch: thị trường Mỹ đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Tại Mỹ, ANV hưởng lợi từ việc chống bán phá giá 0%. Đây là cơ hội tạo thuận lợi cho ANV quay lại thị trường. Mặc dù đại dịch COVID-19 làm gián đoạn cuộc đàm phán, thị trường Mỹ sẽ là động lực tăng trưởng mạnh cho doanh nghiệp trong tương lai.
Tuy nhiên, chính vì triển vọng của ngành cá tra nói chung và ANV nói riêng vẫn rất tích cực như nêu trên, việc Chủ tịch thoái vốn hoàn toàn khỏi doanh nghiệp đã và đang trở thành "câu đố" với nhiều cổ đông, nhà đầu tư, và gây bất lợi cho diễn biến cổ phiếu công ty trong ngắn hạn.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN
21:24, 27/05/2022
Việt Phương thoái vốn, Vinapharm chia cổ tức “gây tức”
12:30, 29/04/2022
Đón cơ hội từ doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn ngoài ngành
11:55, 26/01/2022
Khó thoái vốn Nhà nước
04:30, 06/12/2021
SCIC “vỡ kế hoạch” thoái vốn?
16:22, 04/12/2021
Ngành cá tra sẽ "bùng nổ" trong năm 2022?
05:00, 05/05/2022