Sau soát xét, GVR “bốc hơi” cả trăm tỷ đồng lợi nhuận

ĐÌNH ĐẠI 01/09/2022 05:15

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) vừa công bố BCTC bán niên soát xét với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 141 tỷ đồng còn 2.071 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

Về các khoản mục thay đổi, doanh thu thuần còn 10.455 tỷ đồng, giảm 0,2% so với báo cáo tự lập (10.478 tỷ đồng). Giá vốn hàng bán tăng lên sau soát xét khiến biên lãi gộp giảm nhẹ từ 28,3% còn 28,1%. Doanh thu tài chính giảm gần 0,5%, cùng với đó các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng làm lãi ròng của GVR giảm sau kiểm toán. 

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam bốc hơn hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận sau soát xét.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam bốc hơn hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận sau soát xét.

Năm nay, GVR đã lên kế hoạch doanh thu và thu nhập khác đạt 29.707 tỷ đồng, tăng 5%; lãi sau thuế 5.340 tỷ đồng, tương đương thực hiện năm trước. Như vậy sau 6 tháng công ty đã hoàn thành 46,7% chỉ tiêu lợi nhuận năm. 

Ngoài kết quả kinh doanh, một số chỉ tiêu trong bảng cân đối kế toán của GVR cũng thay đổi sau soát xét. Tổng tài sản của GVR đã tăng 524 tỷ đồng so với báo cáo tự lập lên 79.273 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho và các khoản phải thu dài hạn có sự thay đổi lớn nhất. Hàng tồn kho của GVR tăng 16,5% lên 4.618 tỷ đồng còn các khoản phải thu dài hạn giảm 12,4%. Nợ vay tài chính tăng 10 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng 1,3% lên 53.854 tỷ đồng. 

Được biết, trong năm 2022, Tập đoàn sẽ tập trung phát triển 5 mảng kinh doanh chính gồm nông nghiệp, khu công nghiệp, công nghiệp cao su, chế biến gỗ, thủy điện nhằm đảm bảo nguồn thu ổn định. Đơn vị cũng lên kế hoạch tiết giảm đầu tư, chỉ đầu tư những hạng mục cần thiết để cân đối nguồn vốn, tập trung trả nợ vay ngân hàng nhằm giảm áp lực tài chính trước mắt.

Cùng với đó, Tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung tái cơ cấu toàn diện sau cổ phần hóa như thoái vốn đầu tư ngoài ngành; sáp nhập doanh nghiệp; phát triển các khu công nghiệp trên đất cao su bao gồm mở mới và mở rộng các dự án.

Ngoài ra, Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các dự án khu công nghiệp/cụm công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt (dự án Nam Tân Uyên/An Điền mở rộng tại tỉnh Bình Dương, dự án Hiệp Thạnh tại tỉnh Tây Ninh…).

Lịch sử giao dịch của cổ phiếu GVR.

Lịch sử giao dịch của cổ phiếu GVR.

Theo đó, Tập đoàn dự kiến chi hơn 2.360 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư trong năm nay, trong khi mức thực hiện năm trước chỉ gần 312 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2022 - 2025, Tập đoàn sẽ tiếp tục làm việc với các cấp thẩm quyền địa phương và bộ ngành để làm tiền đề cho việc triển khai triển khai phát triển thêm 16.592 ha khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN/CCN).

Trong đó, Tập đoàn làm chủ đầu tư 10.977 ha tại tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, các đơn vị đầu tư 5.615 ha. Tổng diện tích phát triển KCN/CCN cho tầm nhìn năm 2025 dự kiến là 23.444 ha.

Theo Công ty chứng khoán SBS, GVR có lợi thế là sở hữu quỹ đất lớn, tổng diện tích hơn 491.000 ha, giúp tiềm năng trở thành nhà phát triển bất động sản (BĐS) khu công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh đó, GVR có thế mạnh trong lĩnh vực trồng rừng nguyên liệu, nên có lợi thế lớn về nguồn nguyên liệu để phát triển sản phẩm gỗ.

Thị trường BĐS công nghiệp được dự báo sẽ là điểm sáng trong năm 2022 thậm chí có thể kéo dài sang năm 2023 với giá thuê đất tăng khoảng 4%/năm. Do đó, chứng khoán SBS đánh giá, triển vọng tích cực của BĐS khu công nghiệp sẽ tạo tiền đề tăng trưởng bền vững cho GVR trong tương lai. 

Tuy nhiên, chứng khoán SBS cũng chỉ ra những thách thức mà GVR sẽ phải đối mặt như:  Thứ nhất, cuộc chiến thương mại tiền tệ giữa các nước lớn, đặc biệt là cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến giá các loại hàng hóa trên thị trường tăng cao, tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm.

Thứ hai, cùng với việc giá dầu bắt đầu hạ nhiệt, giá cao su thế giới cũng ghi nhận xu hướng giảm trở lại.

Thứ ba, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của những nước có ngành công nghiệp chế biến cao su phát triển mạnh như Nhật Bản, Canada, Malaysia.. Ngoài ra, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu có yêu cầu chất lượng cao cũng sẽ là rào cản lớn.

Có thể bạn quan tâm

  • Kết quả thay đổi danh mục HoSE-Index: ACB, SAB, GVR vào rổ VN30

    Kết quả thay đổi danh mục HoSE-Index: ACB, SAB, GVR vào rổ VN30

    14:20, 20/07/2021

  • GVR tiếp tục là “điểm sáng” trên sàn HOSE?

    GVR tiếp tục là “điểm sáng” trên sàn HOSE?

    04:30, 16/06/2020

  • [DNNN TRONG “BÃO” COVID-19] GVR lên sàn trong “mùa bão tố”

    [DNNN TRONG “BÃO” COVID-19] GVR lên sàn trong “mùa bão tố”

    11:00, 15/04/2020

  • Cơ hội nào cho nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu GVR?

    Cơ hội nào cho nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu GVR?

    05:00, 14/04/2020

  • Thế khó của GVR

    Thế khó của GVR

    11:16, 11/03/2020

ĐÌNH ĐẠI