Vì sao Angimex xin lùi thời hạn thanh toán lãi trái phiếu?

ĐÌNH ĐẠI 23/11/2022 05:00

Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex (HoSE: AGM) vừa có thông báo gửi tới các trái chủ xin lùi thời hạn thanh toán lãi trái phiếu.

>>>AGM “chao đảo”

Cụ thể, trong thư gửi trái chủ, Angimex cho biết, tình hình kinh doanh của Công ty bị đình trệ và gặp rất nhiều khó khăn từ tháng 04/2022 sau sự việc ông Đỗ Thành Nhân. Bắt đầu từ ngày 14/10, các cổ đông mới nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty đang trong quá trình soát xét tình trạng tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh của Angimex.

Kinh doanh bị đình trệ, AGM xin lùi thời hạn thanh toán lãi trái phiếu.

Kinh doanh bị đình trệ, Angimex xin lùi thời hạn thanh toán lãi trái phiếu.

Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty mới tiếp nhận cần có thời gian lập các kế hoạch tài chính, vực lại hoạt động sản xuất kinh doanh một cách nhanh chóng, trong đó có kế hoạch thực hiện nghĩa vụ của Angimex với gói trái phiếu AGMH2123001.

“Với tình hình khó khăn hiện tại, Angimex không đủ khả năng thanh toán lãi trái phiếu đúng hạn, vì lý do đó, Angimex xin được thông báo và mong muốn nhận được sự ủng hộ của Quý trái chủ đối với kế hoạch thực hiện nghĩa vụ của Angimex với gói trái phiếu mã AGMH2123001”, thư gửi trái chủ của Angimex nêu.

Về kế hoạch thực hiện nghĩa vụ đối với gói trái phiếu trên, Angimex sẽ thực hiện thanh toán một phần lãi của trái phiếu theo lãi suất cố định (7%/năm) của kỳ trả lãi từ ngày 9/8/2022 đến ngày 9/11/2022. Kỳ lãi được thanh toán tương đương một tháng. Thời hạn thanh toán lãi chậm nhất vào ngày 17/11/2022.

Sau kỳ họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2/2022 dự kiến tổ chức trong khoảng 12 – 19/12/2022, Angimex sẽ tổ chức hội nghị trái chủ và thông báo với trái chủ kế hoạch thanh toán khoản gốc và lãi phát sinh trên khoản gốc của trái phiếu mã AGMH2123001. Thời gian tổ chức hội nghị trái chủ chậm nhất vào ngày 31/12/2022.

Được biết, lô trái phiếu mã AGMH2123001 phát hành ngày 09/11/2021, đáo hạn ngày 09/11/2023, lãi suất cố định 7%/năm. Kỳ tính lãi định kỳ 3 tháng/lần từ ngày phát hành tương ứng của mỗi đợt phát hành. Ngày thanh toán lãi trên trái phiếu được thanh toán vào mỗi ngày tròn 3 tháng kể từ ngày phát hành với điều kiện, nếu ngày đó không phải là ngày làm việc thì việc thanh toán sẽ vào ngày làm việc ngay sau đó.

Về kết quả kinh doanh, Angimex vừa trải qua một quý kinh doanh thua lỗ. Cụ thế, quý III/2022, Angimex ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 710 tỷ đồng, giảm hơn 45% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chiếm hơn 663 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp chỉ còn hơn 47 tỷ đồng.

Cổ phiếu AGM đã giảm gần 83% thị giá so với hồi giữa tháng 3/2022.

Cổ phiếu AGM đã giảm gần 83% thị giá so với hồi giữa tháng 3/2022.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của Angimex tăng hơn 48%, lên 6,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí của hoạt động này cũng tăng cao lên hơn 20,4 tỷ đồng, tăng, tương đương với tăng gần 258% so với cùng kỳ. Các chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp của doanh nghiệp đều tăng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của Angimex ghi nhận lỗ hơn 39 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp ngành lúa gạo ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp lỗ gần 29 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 3,8 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lỗ hơn 29,3 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu âm 1.587 đồng.

Giải trình nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận, Angimex cho biết, do doanh thu hợp nhất giảm 45% nhưng các chi phí lại tăng vọt đã làm cho lợi nhuận sau thuế lỗ gần 29 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Angimex ghi nhận 3.091 tỷ đồng doanh thu, tăng 33% so với 9 tháng đầu năm 2021, nhưng doanh nghiệp lỗ sau thuế 35 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 17,8 tỷ đồng, tương đương với giảm 297%. Với kết quả này, Angimex đã thực hiện đạt 79% doanh thu tuy nhiên lại bị âm 138% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022.

Tính tới cuối quý III/2022, tổng tài sản của Angimex đạt 1.799 tỷ đồng, giảm 7% so với hồi đầu năm. Tài sản ngắn hạn giảm 13% xuống 1.134 tỷ đồng, trong đó, phải thu về cho vay ngắn hạn là 5,7 tỷ đồng, hàng tồn kho giảm 10% xuống hơn 190 tỷ đồng, tài sản dài hạn tăng 20% lên gần 665 tỷ đồng, còn tài sản cố định là 548 tỷ đồng.

Trong kỳ, tiền và các khoản tiền tương đương tiền quý III giảm 91% còn 16,5 tỷ đồng trong đó tiền mặt là 928 triệu đồng, tiền gửi ngân hàng giảm 92% xuống còn 15,6 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn của khách hàng là 291,2 tỷ đồng;

Nợ phải trả của doanh nghiệp quý III giảm 7% xuống 1.277 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn đạt hơn 706 tỷ đồng giảm 31%; Phải trả người bán ngắn hạn đạt gần 20 tỷ đồng giảm, vay và nợ thuê tài chính còn 650 tỷ đồng, tương đương giảm 31% (trong đó khoản vay ngân hàng BIDV-CN Bắc An Giang hơn 82 tỷ đồng và 14,754 triệu USD, ngân hàng BIDV- CN An Giang là 86,094 tỷ đồng, ngân hàng An Bình-CN TP.HCM là 3,851 triệu USD); Các khoản phải trả ngắn hạn khác lại tăng lên 5.620 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ ở mức hơn 522 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • AGM “chao đảo”

    AGM “chao đảo”

    12:30, 21/06/2022

  • Cần xem xét, đánh giá lại một số quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo

    Cần xem xét, đánh giá lại một số quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo

    03:50, 27/12/2021

  • Doanh nghiệp xuất khẩu gạo chờ “luồng xanh”

    Doanh nghiệp xuất khẩu gạo chờ “luồng xanh”

    11:35, 14/08/2021

  • Xuất khẩu gạo 6 tháng năm 2021 sụt giảm

    Xuất khẩu gạo 6 tháng năm 2021 sụt giảm

    09:30, 14/07/2021

ĐÌNH ĐẠI